Xây dựng khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: Đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ và nhân dân Bình Dương

Thứ bảy, ngày 23/01/2021

(BDO)  Để tri ân những đóng góp to lớn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với dân tộc nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ, năm 2020, tỉnh đã có chủ trương xây dựng Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Đây là điều mong muốn của các bậc lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và cũng là niềm mong mỏi của người dân Bình Dương bấy lâu nay...

 Chùa Hội Khánh là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia

 Đất Thủ lưu dấu chân người

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi rời quan trường, cụ đã từng đi qua nhiều nơi để truyền bá tư tưởng yêu nước, trong đó có vùng đất Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương. Nơi mà cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đến sinh sống, làm việc trong một thời gian khá dài (từ năm 1923 - 1926) trên đất Thủ Dầu Một là chùa Hội Khánh ở phường Phú Cường. Hội Khánh cũng chính là ngôi chùa cổ đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và hiện là trụ sở của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh.

Từ lâu, ngay bên trong chùa Hội Khánh có một bàn thờ được lập nên để thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Vì thế, khi nói về quá trình hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước của cụ Nguyễn Sinh Sắc trong thời gian cụ ở chùa Hội Khánh, có lẽ Hòa thượng (HT) Thích Huệ Thông, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Trụ trì chùa Hội Khánh là người tìm hiểu, nghiên cứu rất tường tận. HT cho biết: “Theo giáo sư Trần Văn Giàu thì cụ Nguyễn Sinh Sắc không ở đâu lâu bằng ở Thủ Dầu Một, cũng không có nơi nào cụ lập Hội Danh dự yêu nước như khi đến Thủ Dầu Một...”. Theo HT Thích Huệ Thông, khoảng cuối năm 1923, do mật thám Pháp theo dõi, cụ đã đến chùa Hội Khánh để gặp đồng chí của mình là Phan Đình Viện. Và từ đây, cụ cùng với HT Thiện Quới, HT Từ Văn, thầy Ký Cội... thành lập Hội Danh dự yêu nước, lấy chùa làm trụ sở.

Hoạt động của hội mang danh là truyền bá, phổ biến và chấn hưng đạo Phật nhưng bên trong thực chất là tuyên truyền, vận động phong trào yêu nước thông qua các buổi thuyết pháp, giảng đạo, diễn thuyết, mở các lớp dạy chữ nho, dạy bắt mạch, hốt thuốc, dịch kinh... Những hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước của Hội Danh dự yêu nước đã có sức lan tỏa trong giới yêu nước và đồng bào Thủ Dầu Một. “Sự kiện cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tham gia thành lập Hội Danh dự yêu nước tại Thủ Dầu Một đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Thủ Dầu Một...”, HT Thích Huệ Thông nói.

Sẽ có một công trình văn hóa xứng tầm

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Bình Dương xác định tập trung phát triển kinh tế nhưng phải hết sức lưu ý đẩy mạnh phát triển hơn về văn hóa, đặc biệt là đối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Chủ trương xây dựng Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng đã được tỉnh đồng ý và đây là một trong những công trình lớn của tỉnh trong nhiệm kỳ này. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xúc tiến các phần việc liên quan để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện công trình này trong thời gian sớm nhất.

TỔNG DIỆN TÍCH CÔNG TRÌNH KHOẢNG 2,47HA, BAO GỒM 2 GIAI ĐOẠN, DỰ KIẾN CÔNG TRÌNH CÓ 20 HẠNG MỤC, NHƯ: SÂN HÀNH LỄ TƯỢNG ĐÀI TRUNG TÂM, NHÀ ĐÓN TIẾP, NHÀ TRƯNG BÀY, ĐỀN THỜ, NHÀ VĂN BIA, NHÀ SÀN BÁC HỒ, NHÀ CỤ NGUYỄN SINH SẮC, AO CÁ BÁC HỒ...

Mới đây, tại buổi trao đổi với HT Thích Huệ Thông và làm việc với lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một, ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết trên cơ sở chủ trương của tỉnh, sở đã phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu, đề xuất ý tưởng cho UBND tỉnh để báo cáo xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh có chỉ đạo cụ thể, sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị tư vấn có liên quan và hiện nay đã có phác thảo sơ lược về Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc. Theo ông Hải, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng gắn với việc phát huy giá trị di tích, nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc từng sinh sống, hoạt động đó là di tích quốc gia chùa Hội Khánh. Tổng diện tích công trình khoảng 2,47ha, bao gồm 2 giai đoạn, dự kiến công trình có 20 hạng mục, như: Sân hành lễ tượng đài trung tâm, nhà đón tiếp, nhà trưng bày, đền thờ, nhà văn bia, nhà sàn Bác Hồ, nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc, ao cá Bác Hồ...

Cũng theo ông Hải, tới đây sở sẽ chủ trì, phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức một cuộc hội thảo khoa học lịch sử với sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử để góp ý cho các hạng mục sẽ xây dựng trong khu tưởng niệm. Sau hội thảo, sở sẽ báo cáo kết quả với UBND tỉnh để xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mặt chủ trương, ý tưởng, thiết kế của Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc để triển khai các bước tiếp theo.

Đồng tình cao với chủ trương xây dựng Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, HT Thích Huệ Thông cho biết giới Phật giáo tỉnh Bình Dương và đồng bào rất vui mừng khi hay tin tỉnh có kế hoạch xây dựng Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gắn liền với những hoạt động của cụ trong thời gian sinh sống ở chùa Hội Khánh. HT Thích Huệ Thông bày tỏ: “Công trình được xây dựng để ghi nhớ công ơn cụ là điều mang tính giáo dục rất cao trong đời sống, tình cảm, văn hóa của người Việt Nam đối với các bậc tiền bối. Dù hơi trễ nhưng chúng ta có chủ trương như vậy là rất được lòng người và phù hợp với những tình cảm mà chúng ta đã dành cho thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian sống, làm việc, truyền bá tư tưởng yêu nước tại tỉnh Bình Dương. Đây là tín hiệu cực kỳ hoan hỉ đối với cá nhân tôi và Phật giáo tỉnh Bình Dương cũng như đối với đồng bào tỉnh Bình Dương...”.

HT Thích Huệ Thông cũng cho biết sẽ hết sức phối hợp, hỗ trợ về mặt tinh thần, đóng góp ý tưởng trong việc triển khai thực hiện công trình thành một trung tâm xứng tầm, tái hiện lại những hình ảnh gắn liền với cụ Nguyễn Sinh Sắc. Làm sao để công trình khi xây dựng xong có quy mô hoành tráng, vừa mang tính văn hóa, vừa mang ý nghĩa tâm linh và là nơi chứa đựng những giá trị mang tính giáo dục cao cho người dân Bình Dương cũng như tất cả mọi người Việt Nam trên cả nước và ở nước ngoài.

Với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình ý nghĩa này, hy vọng công trình Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sẽ nhanh chóng được khởi công xây dựng để người dân Bình Dương sớm được thụ hưởng những giá trị về mặt văn hóa tinh thần mà công trình này mang lại.

 HỒNG THUẬN