Xăng dầu liên tục giảm giá, cước vận tải vẫn “đủng đỉnh”

Thứ ba, ngày 27/01/2015

Kỳ 2: Cần thực hiện nghiêm quy định

(BDO) Mùa tết là cao điểm kinh doanh của ngành vận tải do nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao. Những ngày đầu năm nay, doanh nghiệp (DN) vận tải lại có thêm cơ hội khi xăng dầu giảm giá sâu. Tuy nhiên, các DN vận tải luôn tìm mọi cách để kéo dài thời gian, chờ qua hết thời gian cao điểm (dịp tết) mới đăng ký lại giá cước nhằm hưởng lợi. Thiết nghĩ, ngoài việc kiểm tra giá cước, ngành giao thông - vận tải cần mở rộng nội dung kiểm tra theo hướng bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa các bên, phù hợp với quy luật thị trường.

Xe buýt của Hợp tác xã Bến Cát giữ nguyên giá, trong khi một vài hợp tác xã khác đã điều chỉnh tăng giá cước. Trong ảnh: Xe buýt tại Bến xe TX.Bến Cát

Doanh nghiệp tăng, giá cước cũng tăng

Đến đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 130 đơn vị kinh doanh vận tải với 2.111 phương tiện các loại, tăng 30 đơn vị so với năm trước; trong đó có 136 loại hình đăng ký kinh doanh gồm: 8 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định với 417 phương tiện, 24 đơn vị vận tải khách hợp đồng với 686 phương tiện, 6 đơn vị hoạt động vận tải buýt với 224 phương tiện, 10 đơn vị vận tải hành khách bằng taxi với 867 phương tiện, 86 đơn vị vận tải xe container với 616 phương tiện…

Thông tin từ Sở Giao thông - Vận tải về tình hình kê khai, đăng ký giá cước vận tải theo yêu cầu của Thông tư 152 Liên Bộ Tài chính - Giao thông Vận tải cùng các Công văn 2322, 2501 của Sở Giao thông - Vận tải cho thấy, có 4/6 đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã kê khai lại giá cước. Cụ thể, Hợp tác xã Bến Cát giữ nguyên giá; Hợp tác xã vận tải đường bộ giảm giá 0,1% loại xe 29 ghế và tăng 0,5% loại xe 46 ghế; Hợp tác xã vận tải Bình Dương tăng 5,9% đến 40% cho các tuyến, trong đó có một số tuyến giữ nguyên giá; Công ty TNHH Thanh Loan điều chỉnh giảm từ 5,3% đến 9,7% giá cước đã kê khai liền kề trước đó. Đối với loại hình vận tải hành khách bằng taxi có 7/9 đơn vị nộp hồ sơ kê khai lại giá cước như: Công ty Cổ phần Ánh Dương - Chi nhánh Bình Dương kê khai giảm 0,3% so với hiện tại; Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Việt Thái Bình giảm từ 0,9% đến 33% so với giá cước hiện tại; Chi nhánh Công ty Cổ phần Mai Linh tại Bình Dương kê khai giá cước lần đầu.

Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải cho biết, sở đang yêu cầu các đơn vị, DN vận tải phải kê khai lại giá cước lần 3 và xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh trong tháng 1-2015 kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải về việc kê khai giá cước vận tải và xử lý vi phạm theo quy định.

Quy định còn lỏng?

Ông Phạm Văn Sáu, làm việc cho một công ty may tại TX.Dĩ An phản ánh: “Tôi khá bất ngờ khi đón xe khách từ Bình Thuận về Bình Dương, nhà xe thu tiền cao hơn bình thường. Hỏi vì sao giá xăng dầu giảm mà giá vé xe lại tăng thì nhà xe trả lời: Tùy theo tuyến và tùy theo chiều; thời điểm này hành khách từ tỉnh đổ về thành phố nhiều nên phải tăng phí để bù vào chiều xe chạy rỗng trở lại”. Phát biểu trên các phương tiện truyền thông gần đây, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Việt Nam thừa nhận: Giá cước vận tải giảm như hiện nay là chưa phù hợp với thực tế. Ông Dương Minh Định, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương nói: “Chuyện này dài lắm! Khi xăng dầu tăng giá thì các nhà vận tải một hai cũng phải tăng giá, với lý do xăng dầu là chi phí chiếm từ 30 - 45% giá thành. Nhưng khi xăng dầu liên tục hạ giá như hiện nay thì người ta lại đưa ra vô vàn lý do cũng rất… “thuyết phục” khiến người tiêu dùng phải có sự lựa chọn”.

Tìm hiểu việc kiểm tra, xử phạt các trường hợp kéo dài thời gian, chưa đăng ký giảm giá cước vận tải theo quy định theo Thông tư liên tịch 152 của Bộ Tài chính, Giao thông - Vận tải, chúng tôi được biết, các văn bản quy định điều chỉnh giá cước vận tải chỉ nêu trường hợp nguyên liệu là xăng, dầu tăng giá, chứ chưa đề cập đến trường hợp nguyên liệu giảm giá. Vì vậy, trước khi tiến hành xử phạt, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng dịch vụ tạo sự cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng trong kinh doanh.

Siết chặt quản lý

Ông Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông - Vận tải cho biết, nhìn chung các đơn vị kinh doanh vận tải đều tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải. DN đã cơ bản khắc phục những yếu kém tồn tại theo yêu cầu của các đoàn thanh tra, kiểm tra. Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải luôn quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt các phòng chuyên môn, thanh tra giao thông vận tải xây dựng kế hoạch kiểm tra các đơn vị vận tải, bến xe theo quy định; đồng thời tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải trên thiết bị giám sát hành trình. Qua đó, kịp thời tuyên truyền hướng dẫn, nhắc nhở, xử lý những yếu kém tồn tại của các đơn vị kinh doanh vận tải, giúp hoạt động vận tải tại địa phương ngày càng đi vào nề nếp và bảo đảm duy trì điều kiện về kinh doanh vận tải theo quy định. Những việc làm này cũng bảo đảm công bằng, minh bạch giữa các DN; bảo đảm an toàn giao thông và tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển.

Chủ một DN vận tải trước đây (đã chuyển nghề) cho biết: “Lý do mà các DN nghiệp vận tải nêu ra để trì hoãn việc giảm giá theo tôi là vừa đúng, nhưng vừa không đúng. Đúng là lý thuyết thì giá cả một số cái như lương, phí, lệ phí có tăng. Nhưng thực tế, hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi chẳng hạn phần lớn DN hoạt động theo hình thức hợp tác đầu tư; người lái đưa phương tiện vào DN và thực hiện ăn chia theo thỏa thuận, còn chủ DN thu phí thương hiệu, phí liên lạc nên đâu có trả lương, bảo hiểm gì. Còn phí đường bộ, phí chờ đợi… thì khách hàng trả hết rồi. Việc cố tình trì hoãn điều chỉnh giá cước là để tận dụng hết thời gian cao điểm tết. Qua tết thị trường vận tải giảm hẳn, các DN sẽ tiến hành điều chỉnh giá để được “lợi cả đôi đường”. Ông này cũng đề nghị: “Nên kiểm tra tổng thể những lý do mà DN nêu để kéo dài thời gian kê khai, điều chỉnh giá cước theo quy định”.

 DUY CHÍ

Từ khóa: