Xăng dầu liên tục giảm giá, cước vận tải vẫn “đủng đỉnh” - Bài 1
Bài 1: Tiếp tục… chờ giá cước giảm
(BDO)
Ngày 21-1 vừa qua là lần giảm giá xăng dầu thứ hai trong tháng đầu tiên của năm 2015 và là lần giảm giá liên tục thứ 14 kể từ tháng 7-2014 với tổng mức giảm từ 23.500 đồng/lít xuống 15.677đồng/lít. Dự báo, tình hình giảm giá xăng dầu sẽ còn kéo dài, nên Liên Bộ Tài chính - Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Văn bản 152 yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngành GTVT tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp (DN), đơn vị vận tải phải kê khai lại giá cước vận tải cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nhưng theo phản ánh của hành khách, các DN, đơn vị vận tải chỉ làm cho có hình thức vì mùa cao điểm vận tải tết đã cận kề.
Xe khách hoạt động tại Bến xe Lam Hồng (TX.Dĩ An) Ảnh: D.CHÍ
Giảm nhỏ giọt
Kể từ khi Liên Bộ Tài chính- GTVT ban hành Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15-10-2014 yêu cầu các DN, đơn vị vận tải rà soát, kê khai lại giá cước vận tải do giá xăng dầu liên tục giảm và dự báo còn tiếp tục giảm, cho đến đầu tháng 12-2014, trên địa bàn tỉnh Bình Dương chỉ có 1 đơn vị đăng ký giảm giá đó là Taxi VinaSun với mức giảm 500 đồng/km. Các đơn vị còn lại đưa ra lý do “đã giảm trước đó nên chưa thể giảm ngay lúc này. Chưa biết tình hình thị trường ra sao, trong khi các loại chi phí hình thành giá đã tăng như lương, phí cầu đường, bảo hiểm, thuế… đều tăng. Nếu xăng dầu còn tiếp tục giảm, đơn vị sẽ thực hiện điều chỉnh giảm giá cước”.
Trong khi đó, ông Phạm Quốc Trực, Phó Giám đốc Taxi Vinasun - Chi nhánh Bình Dương cho biết, trước tình hình giá xăng dầu liên tục giảm, ngày 14-11-2014 vừa qua, giá cước đã được Vinasun điều chỉnh giảm 500 đồng/km trên toàn hệ thống đối với các loại phương tiện vận tải từ 5 - 8 chỗ của Vinasun. Việc điều chỉnh này là do doanh nghiệp chủ động đề xuất lên Hiệp hội Taxi chứ không đợi cấp trên yêu cầu hoặc thông báo mới bắt đầu giảm, bởi vì đây là lý do chính đáng. Tuy chỉ giảm giá 500 đồng/km nhưng số khách đến với Taxi Vinasun sẽ tăng lên, thu nhập của tài xế cũng tăng theo.
Thời gian gần đây, Sở GTVT Bình Dương cũng liên tiếp ban hành các Văn bản số 2223/SGTVT-QLVT ngày 26- 11 và 2501/SGTVT-QLVT ngày 23-12-2014 yêu cầu các DN, đơn vị vận tải rà soát, kê khai lại giá cước vận tải. Nhưng đến thời điểm ngày 1-1-2015, chỉ có một vài đơn vị công bố giảm giá cước, như DN tại Bình Dương có nhà xe Thanh Loan (Công ty TNHH vận tải hành khách Thanh Loan) chạy tuyến liên tỉnh Bình Dương đi các tỉnh miền Tây đăng ký giảm từ 5 - 9,7%, như tuyến Bình Dương - Trà Vinh giảm từ 100.000 đồng/ hành khách xuống còn 95.000 đồng/hành khách. Các tỉnh, thành khác, trong đó có các tuyến liên tỉnh miền Bắc, một vài đơn vị cũng bắt đầu đăng ký giảm giá cước kể từ ngày 25-12 với mức từ 4 - 5%.
Đủ lý do chưa giảm!
Lý do chung mà các DN vận tải nêu ra là “thủ tục đăng ký giá rất nhiêu khê, mất thời gian vì phải đi lòng vòng qua nhiều cửa như đăng ký trực tiếp với ngành GTVT phải qua mấy bộ phận: Quản lý bến xe, quản lý vận tải, cao hơn là Sở GTVT đến Sở Tài chính…, chờ được chấp thuận DN mới tiến hành in vé.
Đại diện Hợp tác xã vận tải Bình Dương nêu lý do: “Lúc hợp tác xã đăng ký giá cước, giá xăng chỉ có 15.000 đồng đến 16.000 đồng/lít, cho đến khi giá xăng lên trên 23.000 đồng/lít, đơn vị vẫn không điều chỉnh tăng. Vì thế, khi xăng dầu giảm, đơn vị cũng chưa vội giảm giá cước, chờ khi nào xăng trở lại giá cũ 15.000 đồng hoặc 16.000 đồng/lít chúng tôi sẽ giảm”. Taxi Minh Giang cũng có lý do tương tự. Tuy giá xăng dầu giảm nhưng chi phí lương tăng và các yếu tố cấu thành giá cũng đều tăng, nên đơn vị giữ nguyên giá 15.000 đồng/km. Còn theo ông Lê Văn Bình, Giám đốc Taxi Ngân Sen: “Lo ngại giá xăng dầu chưa ổn định, nên chờ đến hết quý I-2015, mặt bằng giá ổn định sẽ tiến hành kê khai”…
Kiểm chứng bằng thực tế
Nhận định về tình hình giá xăng dầu đang lao dốc, tiến sĩ Trương Quang Việt, Trưởng khoa Kinh tế trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, đây là lá bài của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nhằm điều chỉnh lại trật tự kinh tế thế giới sau khủng hoảng, nên không thể có chuyện lên xuống quá nhanh hoặc quá chậm, mà phải có thời gian nhất định. Điều này không ai có thể dự đoán chính xác. Đây không chỉ là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất, các DN mà còn là thời cơ để các nhà quản lý tận dụng phát triển hình ảnh, tạo tình cảm tốt đẹp với khách hàng và cộng đồng. Còn ông Đoàn Minh Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu - TNHH MTV Thanh Lễ cho rằng, với quyết tâm đã công bố của khối Ảrập trong việc duy trì sản lượng xăng dầu cung cấp cho thế giới, thì ít nhất phải hết quý II-2015 hoặc xa hơn là đến cuối năm tình hình giá xăng dầu mới có thể quay đầu đi lên. Nhận định này cũng phù hợp với dự báo của nhiều chuyên gia đã thông tin trên các diễn đàn kinh tế gần đây.
Trở lại thực tế đăng ký giảm giá cước, mới đây có thêm Hợp tác xã vận tải hành khách Cần Thơ đã đăng ký giảm giá cước từ 4 - 14%. Cụ thể như tuyến Bình Dương - Đồng Tháp giảm từ 120.000 đồng/hành khách xuống còn 95.000 đồng/hành khách. Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Bến xe khách tỉnh, phân tích: Có một số tuyến nhà xe đăng ký giảm sâu là vì tuyến đó có đông hành khách, nhiều đơn vị cùng hoạt động nên có sự cạnh tranh buộc các nhà xe phải giảm giá đề giữ khách.
Ông PHẠM VĂN SƠN, Giám đốc Bến xe khách tỉnh nhận xét, với tỷ lệ giảm giá xăng dầu như hiện tại thì mức giảm giá cước nói trên chưa tương xứng, chỉ mang tính “nhỏ giọt” nhằm tránh bị kiểm tra xử phạt. |
Từ thực tế cho thấy, tuyến nào có sự cạnh tranh cao thì giá cước giảm mạnh; ngược lại, những tuyến độc quyền hoặc ít khách thì việc giảm giá cước chỉ mang tính hình thức.
Kỳ 2: Cần thực hiện nghiêm quy định
DUY CHÍ