Vùng đất nhiều địa danh lịch sử
(BDO) Hiện toàn tỉnh có 12 di tích cấp quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh, các bảo tàng, trong đó riêng di tích lịch sử cách mạng có 4 di tích cấp quốc gia và 15 di tích cấp tỉnh. Đây có thể nói là yếu tố thuận lợi để Bình Dương trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu lịch sử, về nguồn. Trong số này điển hình có Địa đạo Tam giác sắt, Nhà tù Phú Lợi, Bảo tàng Quân đoàn 4.
Niềm tự hào của quân và dân Nam bộ
Địa đạo Tam giác sắt (xã An Tây, TX.Bến Cát) là vùng đất anh hùng của Đông Nam bộ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với địa đạo Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), đây còn được xem là niềm tự hào của quân và dân Sài Gòn và miền Ðông Nam bộ anh hùng trong suốt những năm 1960 đến 1972.
Về tên địa danh Tam giác sắt là tam giác với các đỉnh thị tứ Bến Súc, thị trấn Bến Cát và một điểm trên sông Thị Tính (gần nơi giao với sông Sài Gòn). Tam giác sắt nằm trên địa bàn 3 xã An Ðiền, An Tây và Phú An, thuộc phía tây nam TX.Bến Cát, nên thường được gọi là Ðịa đạo Tây Nam Bến Cát. Nơi đây từng là căn cứ của Huyện ủy Bến Cát, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một và Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh.
Các em học sinh tham quan Khu di tích Địa đạo Tam giác sắt.
Ảnh: HOÀNG PHẠM
Với hệ thống địa đạo nối liền 3 xã dài khoảng 70km, những trận đánh của quân và dân ta tại Tam giác sắt đã làm chìm hàng trăm tàu giặc trên sông Sài Gòn, tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ - ngụy, phá hủy xe tăng, xe bọc thép của địch bằng vũ khí tự tạo... làm cho đội quân viễn chinh Mỹ phải khiếp sợ mỗi khi đặt chân đến vùng đất lửa này.
Khu di tích địa đạo Tam giác sắt đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996. Trên diện tích 17,7 ha, năm 2010, khu di tích đã được tỉnh đầu tư hơn 225 tỷ đồng để xây dựng tượng đài và các hạng mục công trình khác.
Nơi ghi dấu tội ác của Mỹ - Diệm
Di tích Nhà tù Phú Lợi ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một. Trong suốt 8 năm tồn tại (1957-1964), Nhà tù Phú Lợi được ví là “Địa ngục trần gian”, với đủ thứ cực hình tàn khốc của đế quốc Mỹ và tay sai nhằm làm lung lay ý chí của những người cộng sản.
Để đẩy mạnh thu hút loại hình du lịch về nguồn, tỉnh Bình Dương đã có nhiều đề án, quy hoạch như Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020; Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Trong đó, tỉnh chú trọng kết hợp giữa phát triển du lịch gắn liền với tham quan các di tích; khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị di sản văn hóa, giá trị môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững cả du lịch và môi trường sinh thái. |
Nhà tù Phú Lợi là một trong những nhà tù lớn của Mỹ- Diệm ở miền Nam, được xây dựng năm 1957 để giam cầm và tra tấn các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ. Nhà tù được xây dựng ngay bên khu căn cứ quân sự với tổng diện tích khoảng 12 ha. Mỹ - Diệm chia trại giam thành nhiều khu vực: Khu hành chính, khu gia đình binh sĩ và trại giam (chúng gọi là An Trí Viện). Khu trại giam gồm có 3 trại: Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa. Cả 3 trại có 9 phòng giam đánh dấu A, B, C, D..., mỗi trại ngăn cách nhau bằng bức tường kẽm gai dày đặc. Bao quanh 3 trại là 2 bức tường cao, có mấy lớp kẽm gai, hệ thống đèn điện chiếu sáng vào ban đêm, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài.
Vào tháng 11-1958, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tổ chức các đợt đày tù nhân chính trị (tù nhân loại A hay còn gọi là “tù cách mạng”) ra Côn Đảo. Do biển động, tàu không ra được vùng biển Vũng Tàu - Côn Đảo nên chuyến đi phải hoãn lại. Ngày 30-11-1958, theo chỉ đạo của trên, đội ngũ quản lý, nhân viên nhà tù đã bỏ thuốc độc vào khẩu phần ăn của tù nhân khiến hàng ngàn tù nhân bị trúng độc; đến ngày 1-12-1958 số tù nhân tử vong đã lên đến hàng ngàn.
Trước tình hình đó, tổ chức Đảng Cộng sản trong nhà tù vừa tổ chức tự cứu chữa cho tù nhân bị trúng độc, vừa đấu tranh tố cáo hành động này. Các tù nhân đã phá nóc nhà giam, chiếm đài phát thanh, dùng các tấm tôn cuộn thành loa lên tiếng tố cáo. Vụ việc lan truyền rộng khắp, gây nên làn sóng căm phẫn không chỉ trong nước mà cả thế giới. Cuối cùng, Nhà tù Phú Lợi buộc phải giải tán vào năm 1964.
Ngày 10-7-1980, Di tích Nhà tù Phú Lợi được Nhà nước công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 1-12 hàng năm được chọn là ngày “Phú Lợi căm thù” để tưởng nhớ sự kiện đầu độc tù nhân tại nhà tù Phú Lợi.
“Ngôi trường” giáo dục truyền thống cách mạng
Bảo tàng Quân đoàn 4 tọa lạc tại số 10, đại lộ Độc Lập, Khu công nghiệp Sóng Thần, TX.Dĩ An. Hơn 20 năm qua, Bảo tàng Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long anh hùng đã trở thành địa điểm tham quan, học tập và giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân về truyền thống hào hùng của quân đoàn cũng như của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Bảo tàng Quân đoàn 4 tiền thân là Nhà truyền thống quân đoàn, được xây dựng vào ngày 20-7-1984, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Quân đoàn 4. Thể theo nguyện vọng của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã từng chiến đấu, công tác tại quân đoàn và để đáp ứng yêu cầu lưu giữ, trưng bày các hình ảnh, hiện vật, tư liệu của dân tộc, quân đội và của Quân đoàn 4 anh hùng, ngày 13-7-1995 theo Quyết định số 613 của Bộ Quốc phòng, Nhà truyền thống Quân đoàn 4 được nâng cấp thành Bảo tàng hạng II trong hệ thống bảo tàng quốc gia. Cũng từ đó, ngày 13-7 hàng năm chính là ngày truyền thống của Bảo tàng Quân đoàn 4.
Với diện tích hơn 11.000m2, Bảo tàng Quân đoàn 4 được thiết kế và trưng bày hài hòa, hợp lý, tạo điều kiện cho khách tham quan có cái nhìn tổng thể, logic về các sự kiện và hiện vật. Trong khu trưng bày, nội thất được sắp xếp theo 10 đề mục về quá trình chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của quân đoàn. Không gian trưng bày ngoài trời là khuôn viên cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh. Ở chính giữa khuôn viên là tượng đài chiến thắng của quân đoàn. Xung quanh khuôn viên trưng bày các hiện vật khối lớn, những vũ khí của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và các chiến lợi phẩm thu được của địch.
Hỗ trợ các thông tin về du lịch Bình Dương: Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương. Địa chỉ: 239, đường Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Điện thoại: (0274) 3 855 636. Website: www. dulichbinhduong.org.vn. Email: ttxtdl@binhduong.gov.vn |
KHÁNH ĐĂNG