Vực dậy làng nghề bánh tráng Phú An
(BDO) Chúng tôi tìm đến xã Phú An (TX.Bến Cát) - địa phương cách trung tâm TP.Thủ Dầu Một khoảng 15km về phía Bắc vào những ngày đầu tháng 4 và khá bất ngờ về những đổi thay của vùng đất đầy tiềm năng này. Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt, nhiều giá trị văn hóa truyền thống vẫn được người dân nơi đây lưu giữ và phát triển, trong đó có nghề làm bánh tráng.
Những người thợ làm bánh đang tất bật để cho ra những mẻ bánh tráng ngon và chất lượng nhất
Nức tiếng một thời
Từ lâu, xã Phú An đã nổi tiếng với nghề làm bánh tráng và đã trở thành thương hiệu quen thuộc của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nghề làm bánh tráng đã gắn bó với người dân Phú An từ bao đời nay. Tuy nhiên, do nhiều tác động nên nghề này đã dần mai một. Ông Nguyễn Thanh Răng, Tổ trưởng Tổ hợp tác bánh tráng Phú An cho biết, hiện toàn xã còn khoảng 15 hộ làm nghề bánh tráng. Ngoài 10 hộ đã tham gia vào tổ hợp tác thì còn có thêm một vài hộ đang làm bánh tráng với quy mô nhỏ lẻ.
Ông Răng nhớ lại, cách đây hơn 30 năm, nghề làm bánh tráng đã có ở Phú An. Ban đầu chỉ có một vài hộ làm nhỏ lẻ, dần dần phát triển lên và nghề này trở thành nghề chính nuôi sống nhiều gia đình. “Bản thân tôi vẫn còn nhớ như in giai đoạn hưng thịnh của nghề này, có những lúc cả xã có hơn 100 hộ gia đình làm bánh tráng, nhà nào ít thì một bếp, còn nhiều thì tới 4 - 5 bếp hoạt động từ tờ mờ sáng đến trưa. Cứ tầm 4 giờ sáng, những nhà làm bánh tráng đều thức dậy chuẩn bị các công đoạn như đỏ lửa, tráng bánh, phơi bánh và đóng gói bánh để đem đi bán. Vào những lúc giáp tết, cả một vùng phủ màu trắng của bánh tráng, đi tới đâu cũng ngửi thấy mùi thơm của bánh. Lúc ấy không khí nhộn nhịp và vui lắm”, ông Răng hồ hởi kể thêm.
Cũng theo ông Răng, lúc đó làm được bao nhiêu là thương lái đến lấy hết. Bánh tráng Phú An nổi tiếng ăn ngon, dẻo và không bị giòn bể mỗi khi cuốn lại. Đặc biệt, khi cuốn với thịt cá và rau thì ăn rất thơm ngon nên rất được thực khách ưa chuộng. Vì thế, ngoài thương lái, còn có nhiều người tìm đến mua làm quà biếu cho người thân. Thời đó, rất nhiều người biết và đến tìm hiểu về bánh tráng Phú An. Thậm chí, bánh tráng Phú An còn được xuất đi nước ngoài.
Năm 2014, để làng nghề bánh tráng Phú An phát triển ổn định, xã Phú An đã liên hệ với Liên minh Hợp tác xã tỉnh thành lập Tổ hợp tác bánh tráng Phú An với mục đích để nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước và tháo gỡ những khó khăn mà những hộ gia đình theo nghề đang gặp phải.
Đưa công nghệ vào làng nghề
Tận mắt chứng kiến những công đoạn làm bánh chúng tôi mới cảm nhận được hết sự kỳ công, khéo léo và cả sự vất vả của những người thợ làm bánh tráng. Giữa cái nắng gay gắt của tháng 4 nhưng những người thợ làm bánh vẫn tranh thủ thời gian, miệt mài phối hợp nhịp nhàng phơi bánh để tạo ra những mẻ bánh tráng ngon nhất.
“Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực đưa nghề làm bánh tráng nơi đây phát triển mạnh mẽ trở lại; thực hiện liên kết với các địa điểm thu hút đông khách tham quan như: Địa đạo Tam giác sắt, Làng tre Phú An để quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, xã cũng sẽ mở rộng mô hình máy làm bánh tráng và củng cố hệ thống lò bánh, lò hơi để bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra... nhằm phát triển làng nghề theo hướng hiện đại, bền vững và lâu dài”. (Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Phú An) |
Theo những người còn gắn bó với nghề, khoảng 3 năm trở lại đây, những hộ gia đình làm bánh tráng ở Phú An gặp nhiều khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng cao, trong khi đầu ra cho sản phẩm không có. Có những giai đoạn bánh chỉ được tiêu thụ nhỏ lẻ tại địa phương. Để tìm hướng đi mới cho làng nghề, các ban, ngành địa phương đã vào cuộc hỗ trợ, thay đổi phương thức làm bánh bằng việc đầu tư công nghệ và cố gắng mọi cách tìm đầu ra cho sản phẩm.
Có kinh nghiệm nhiều năm, chứng kiến bao thăng trầm của nghề làm bánh tráng, không cam chịu để nghề mai một, năm 2010, ông Nguyễn Thanh Răng và gia đình ở ấp Bến Giảng đã tìm tòi, học hỏi và quyết định tập trung vốn để đầu tư mua máy móc hiện đại với giá hơn 700 triệu đồng cho nghề truyền thống này. Hiện nay, ông Nguyễn Thanh Răng là chủ cơ sở làm bánh tráng lớn nhất xã Phú An với 15 nhân công.
“Từ khi có máy móc, tôi không cần nghĩ nhiều về việc phải duy trì nguồn nhân công để làm bánh, giờ đây trong lò chỉ cần 15 nhân công với mức lương từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày. Ngoài giảm nhiều chi phí nhân công, việc đầu tư máy móc vào sản xuất đã cho ra nhiều sản phẩm hơn. Nếu như trước đây, làm thủ công hoàn toàn, một ngày cơ sở của tôi làm ra khoảng 300kg bánh thì nay tăng lên 500kg. Giá bán từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg cho các thương lái phân phối khắp các tỉnh miền Nam”, ông Răng nói.
Theo thời gian, nghề làm bánh tráng Phú An đã dần mai một nhưng thực tế hiện nay nghề này vẫn được một số hộ gia đình nơi đây “níu giữ” bằng niềm đam mê, lòng tâm huyết. Để nghề bánh tráng truyền thống Phú An phát triển ổn định và bền vững thì cần có thêm nguồn lực mới. Hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều chính sách thiết thực đến với các hộ làm bánh tráng nơi đây như: Cho vay ưu đãi; hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật; xây dựng thương hiệu... để đưa nghề làm bánh tráng quay lại thời hoàng kim, đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy những ngành nghề truyền thống tại địa phương.
HỒNG PHƯƠNG