Việt Nam hy vọng có thể đón khách quốc tế trở lại từ tháng 7 tới
(BDO)
Du khách quốc tế đeo khẩu trang, dạo bộ trên phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có lĩnh vực du lịch.
Doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng kiệt quệ, khó khăn chưa từng có từ trước tới nay.
Du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng này.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ở Việt Nam đã cơ bản được khống chế, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được triển khai ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã hé ra cơ hội để du lịch nước ta mở cửa đón khách quốc tế trở lại vào thời gian tới.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) chia sẻ nhìn vào diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay, du lịch Việt Nam đang rất hy vọng có thể bước đầu mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ tháng 7/2021 dù mùa du lịch quốc tế ở Việt Nam thường bắt đầu vào khoảng tháng 10 hàng năm.
Ông Hoàng Nhân Chính cho biết Việt Nam lại có 2 loại thị trường nguồn là thị trường gần và thị trường xa.
Thị trường gần gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và các nước ASEAN, khách gần như là đi du lịch quanh năm.
Ví dụ như Nhật Bản, cao điểm du lịch của họ là tháng 3 và tháng 8, nên nếu thí điểm mở cửa có thể mở vào tháng 7 thì sẽ đón được khách thị trường này.
Có ý kiến đề xuất từ chuyên gia cho rằng nên thí điểm mở cửa với một vài thị trường gần nhưng phải dựa trên tình hình thực tế là đất nước họ đã khống chế được dịch COVID-19 chứ không mở cửa đại trà.
Sau đó, khoảng tháng 10/2021 trở đi có thể thí điểm mở cửa thêm cho một số thị trường xa như Australia, Nga, châu Âu...
[Viet Nam hy vong co the don khach quoc te tro lai tu thang 7 toi hinh anh 2] Du khách quốc tế tham quan nghỉ dưỡng tại Cát Bà. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, Hội đồng tư vấn du lịch cũng đưa ra nhận định cho rằng việc mở cửa đón khách quốc tế như thế nào còn phụ thuộc vào chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam và các nước thị trường nguồn.
Nếu chúng ta đạt được tiêm chủng tốt, nhất là với lực lượng trên tuyến đầu thì sẽ là cơ hội tốt để thu hút du khách. Người dân ở các nước khác, nhất là ở thị trường nguồn nếu có các chứng chỉ về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đảm bảo chất lượng thì du lịch Việt Nam mới có thể yên tâm mở cửa trở lại.
Ông Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ ngay từ bây giờ, nếu việc chuẩn bị chưa chu đáo thì chưa nên mở cửa.
Du lịch Việt Nam và phải có đủ năng lực để kiểm soát tình hình, đưa ra nhiều kịch bản để ứng phó, xử lý khi mở cửa đón khách trở lại; phải có lộ trình mở cửa để đảm bảo an toàn.
Ngành du lịch rất cần sự đồng thuận, ủng hộ, vào cuộc của của các bộ ngành để việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại được diễn ra thuận lợi, hiệu quả. Từ đó, du lịch Việt Nam mới không bị “chậm chân” so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Chỉ khi du lịch quốc tế và du lịch nội địa cùng trở lại đón khách hiệu quả thì ngành kinh tế du lịch mới có thể phục hồi từng bước...
Hội đồng tư vấn du lịch đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất các nội dung liên quan đến mở cửa trở lại du lịch quốc tế. Trong đó, Hội đồng khẳng định ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ về việc không hy sinh, không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng người dân Việt Nam để đổi lấy lợi ích kinh tế.
Du lịch đã được giao nhiệm vụ là lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam. Trước đại dịch COVID-19, du lịch đã đóng góp hơn 10% GDP và tạo ra lực lượng lao động rất lớn, mang lại doanh thu hơn 30 tỷ USD một năm...
Hiện nay, chương trình tiêm vaccine đại trà phòng COVID-19 đang diễn ra ở nhiều nước, một số đối thủ cạnh tranh của du lịch Việt Nam đã bắt đầu lập kế hoạch tái mở cửa biên giới theo cách an toàn nhằm hỗ trợ việc đi lại của doanh nhân, chuyên gia và du khách nước ngoài.
Do đó, để Việt Nam không bị tụt lại phía sau, Hội đồng tư vấn du lịch đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan chú trọng xem xét để nước ta cũng tái mở cửa biên giới một cách an toàn và bền vững.../.
Theo TTXVN