Về thăm Chiến khu xưa Thuận An Hòa
(BDO) Những ngày tháng 7 vừa đi qua, nhưng những ngọn nến tri ân đối với sự hy sinh của các thế hệ cha anh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc vẫn tiếp tục thắp sáng trong lòng những thế hệ đi sau. Mới đây, TP.Thuận An đã khánh thành đưa vào hoạt động khu mở rộng di tích lịch sử - văn hóa Chiến khu Thuận An Hòa. Điều này không chỉ làm tăng thêm giá trị cho khu di tích, mà còn khẳng định Chiến khu Thuận An Hòa mãi là niềm tự hào của TP.Thuận An nói riêng và của tỉnh Bình Dương nói chung...
Lãnh đạo tỉnh và TP.Thuận An cắt băng khánh thành khu mở rộng di tích Chiến khu Thuận An Hòa
Chiến khu lịch sử
Chiến khu Thuận An Hòa là tên ghép của 3 địa phương Thuận Giao, An Phú và Bình Hòa của huyện Lái Thiêu xưa. Chiến khu được hình thành từ năm 1946, là căn cứ ven đô ở cửa ngõ phía bắc Sài Gòn. Cùng với các chiến khu trên địa bàn tỉnh, trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Chiến khu Thuận An Hòa đã góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với vị trí chiến lược quân sự quan trọng, Thuận An Hòa là căn cứ, nơi trực tiếp phục vụ cho những đơn vị cách mạng hoạt động ngay trong lòng địch. Đây còn là nơi tập kết, trung chuyển các lực lượng chiến đấu của ta. Thế nên, địch luôn tìm mọi cách để càn quét nhằm phá bỏ căn cứ cách mạng này. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thuận An Hòa như cái gai trong mắt của kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai. Ngoài 3 vòng chiến lược, đường vào chiến khu còn được lực lượng của ta bố trí hệ thống hầm chông, hố đinh, mìn tự động tại những nơi hiểm yếu và được thay đổi vị trí liên tục.
Với sự bố trí hệ thống phòng thủ vững chắc của chiến khu, nên dù đã tìm mọi cách nhưng bọn chúng không sao nhổ được cái gai trong mắt này. Nhờ đó, lực lượng của ta luôn được bảo toàn, không ảnh hưởng, Thuận An Hòa là một trong những chỗ dựa để lực lượng chủ lực của ta tấn công vào những vị trí then chốt ở miền Nam, góp phần cùng miền Bắc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, địch cũng tìm mọi cách nhằm xóa rừng để lực lượng cách mạng ở chiến khu Thuận An Hòa không còn nơi ẩn nấp. Chúng thường xuyên trút những trận mưa bom, bão đạn xuống vùng đất Chiến khu Thuận An Hòa. Dù rừng không còn, nhưng nhờ vào lòng dân, Thuận An Hòa vẫn là căn cứ đứng chân của cán bộ, đảng viên, du kích trong những hầm bí mật. Nhờ sự che chở, nuôi giấu của người dân địa phương, nên mọi âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù đã không lay chuyển được ý chí, tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân ta. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, mưu trí dũng cảm của lực lượng cách mạng và “thế trận lòng dân” nơi đây, quân dân Thuận An nói riêng, Bình Dương nói chung đã góp phần cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tăng thêm giá trị khu di tích
Nhiều năm trước, khu di tích đã được đầu tư kinh phí xây dựng, với các hạng mục, như: Đền tưởng niệm, cụm tượng đài, phòng truyền thống, nhà bia... Nhằm nâng cao hơn nữa giá trị di tích, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, TP.Thuận An tiếp tục đầu tư kinh phí mở rộng khu di tích.
Cuối tháng 7 vừa qua, TP.Thuận An đã tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng công trình mở rộng khu di tích lịch sử - văn hóa Chiến khu Thuận An Hòa. Theo ông Nguyễn Xuân Khôi, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, công trình có tổng kinh phí đầu tư hơn 24 tỷ đồng, diện tích 4,4 ha. Sau gần 2 năm xây dựng, cuối tháng 5-2020, công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụnhu cầu tham quan của các tầng lớp nhân dân.
Công trình mở rộng đã tái hiện lại các cảnh quan, sinh hoạt và chiến đấu hào hùng, anh dũng của quân vàdân tại Chiến khu Thuận An Hòa năm xưa, bao gồm nhiều hạng mục. Ngoài khu nhà đón tiếp (là nơi đón khách, chiếu phim tư liệu về Chiến khu Thuận An Hòa), khu mở rộng còn tái dựng lại căn cứ đóng tại xã Bình Hòa; căn cứ ấp Bình Thuận, xã Thuận Giao; căn cứ xã An Phú (rừng Cò Mi); hầm bí mật - trạm quân y; giao thông hào; đường hầm; ụ chiến đấu; lô cốt chìm...
Cảnh sinh hoạt trong chiến khu xưa cũng được tái dựng lại một cách sinh động. Đặc biệt, khi đến với khu mở rộng này, người dân còn được tìm hiểu, nhắc nhở về một thời kỳ lịch sử thông qua những nhóm tượng được bố trí tại các khu vực trong khu di tích, như: Nhóm tượng ngoài trời tái hiện hình ảnh người mẹ đang tiếp tế thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ dưới hầm bí mật; nhóm tượng tạo dựng cảnh một nhóm đang tập võ thuật, chiến đấu bằng cây côn là gậy tầm vông; nhóm tượng tạo dựng một buổi sinh hoạt văn nghệ thời bấy giờ; nhóm tượng tại căn cứ của xã An Phú tái hiện cuộc họp thống nhất vị trí xây dựng căn cứ Chiến khu Thuận An Hòa; nhóm tượng tại căn cứ của xã Thuận Giao tạo dựng cảnh sinh hoạt tại căn cứ Văn phòng Chi đội 1; nhóm tượng tại căn cứ của xã Bình Hòa tái hiện một buổi trao đổi kinh nghiệm của trung đội nữ dân quân Bình Hòa vừa bảo vệ căn cứ, bảo vệ nhân dân sản xuất vừa chủ động chiến đấu chống địch càn quét và đột kích; nhóm tượng tại hầm bí mật; nhóm tượng tại hầm mổ và hầm hậu phẫu.
Khu di tích lịch sử- văn hóa Chiến khu Thuận An Hòa làcăn cứđịa cách mạng cóvị trí chiến lược quân sự rất quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đây là một trong những chứng tích lịch sử đầy tự hào của Đảng bộ và quân dân tỉnh Bình Dương nói chung vàcủa TP.Thuận An nói riêng. Năm 2012, Chiến khu Thuận An Hòa đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, nơi đây thường được chọn để tổ chức những sự kiện quan trọng của thành phố cũng như các địa phương trên địa bàn, tổ chức các đợt lễ giao quân, sinh hoạt về nguồn ý nghĩa...
CẨM LÝ