Về thăm căn cứ cách mạng rừng Kiến An

Thứ bảy, ngày 30/06/2012

Cách thành phố Thủ Dầu Một 20km, nằm trên địa bàn xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, rừng Kiến An là khu rừng lịch sử trải rộng với diện tích 245 ha. Rừng Kiến An đã được chọn làm căn cứ cánh mạng từ thời Pháp thuộc. Kiến An là một khu rừng già, nằm giữa hai con sông Sài Gòn và Thị Tính, đã trở thành vị trí chiến lược, có tầm quan trọng về mặt quân sự trên cửa ngõ phía tây bắc Sài Gòn, làm bàn đạp cho các cuộc tiến công của quân ta lúc bấy giờ.

 Ông Yên bên bia ghi nhận di tích lịch sử rừng Kiến An

Kiến An năm xưa là căn cứ địa cách mạng của dân tộc và ngày nay Kiến An mang một màu xanh bao la của sự sống. Được sự hướng dẫn của ông Võ Văn Yên, cán bộ kiểm lâm, chúng tôi nhanh chóng được hòa nhịp cùng với không khí xanh tươi của vùng đất trù phú mà thiên nhiên ban tặng này. 34 năm gắn bó với rừng, ông Yên dường như tìm được thú vui riêng của mình, ông kể: “Vui lắm, nhiều lúc ở đây mình được nghe tiếng gà rừng gáy, tiếng chim hót, có cả tiếng thú rừng kêu như sóc, nhang...”. 

Trong không khí tĩnh lặng của rừng, chúng ta như được ôn lại truyền thống, sống dậy hồi ức những tháng ngày đầy gian khổ. Đặt chân đến đây, chúng tôi không khỏi bồi hồi và xúc động bởi những vết tích của chiến trường xưa vẫn còn đây, hàng chục hố bom của giặc và hầm hào công sự. Những hố bom bây giờ đã mọc đầy cây rừng, nhưng dù có um tùm như thế nào rừng cũng không thể phủ lấp hết những miệng hố sâu và rộng kia. Những con đường mòn, in lại từng bước chân của các chiến sĩ năm xưa như mang chúng ta trở về hào khí oai hùng ngày nào của ông cha.

Khi nhắc đến rừng Kiến An, ông Tư Dậu - một cựu chiến binh như được sống lại thời kỳ máu lửa. Thấy được rừng Kiến An là tài sản vô giá, là phần hồn của văn hóa dân tộc, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, ông Tư Dậu là người đã đi đầu trong việc giữ lại khu di tích lịch sử này. Nói chuyện với chúng tôi, cựu Bí thư Đảng ủy xã An Lập cho biết: “Tôi muốn giữ lại rừng là để cho con cháu và thế hệ mai sau một di sản lịch sử ”. Đúng vậy, đây là một di tích lịch sử giá trị để cho thế hệ thanh thiếu niên hôm nay cùng nhìn lại và học tập. “Tôi thấy rất tự hào về truyền thống giữ nước của cha anh, vì thế tôi thấy được trách nhiệm của mình trong ngày hôm nay” - lời của một người dân sống nơi đây.

Học lịch sử không chỉ qua những trang sách, mà còn học từ những chứng tích trong cuộc sống. Đến tham quan tìm hiểu những di tích lịch sử  chính là những bài học lịch sử sống động nhất, dễ đi vào lòng người nhất cho những thế hệ hôm nay. Kiến An là một chiến trường sống cho những ai muốn tìm hiểu và khám phá, Kiến An tạo nên giá trị nhân văn qua nhiều thế hệ.

TUYẾT ANH