Vãn cảnh chùa núi Châu Thới

Thứ bảy, ngày 09/06/2012

Mặc cho xung quanh là những dòng người hối hả, những ngôi nhà san sát, ngôi chợ xô bồ, chùa núi Châu Thới (xã Bình An, TX.Dĩ An) vẫn luôn mang lại sự thanh tịnh và bình an. Là một ngôi chùa có sử tích gắn liền với bao thăng trầm, chùa núi Châu Thới sở hữu một phong cảnh thật hữu tình, đậm nét văn hóa và giá trị mỹ thuật, được xếp vào danh sách danh lam thắng cảnh của quốc gia.

Cách TX.Thủ Dầu Một khoảng 20km, nằm kề bên quốc lộ 1K, chùa núi Châu Thới trông như một bức tranh thủy mặc. Rẽ vào đây bạn có hai đường để lên núi, một con đường dành cho xe ôtô và xe máy, con đường còn lại là đi bộ với 220 bậc đá. Việc đi con đường nào là tùy bạn, nhưng đi bộ có cái vui riêng của nó. Vừa đi bạn vừa được thả mình vào với thiên nhiên, bầu không khí trong lành, cây xanh tươi mát. Nếu thấy mỏi chân bạn có thể ngồi nghỉ chân nơi bờ hồ dưới chân núi, thú vui mà đi lên bằng xe máy hoặc xe hơi chắc chắn bạn sẽ không thể cảm nhận được. Ngắm nhìn mặt nước gợn sóng lăn tăn mang những cơn gió trời làm nhẹ nhõm cả lòng người vãn cảnh. Tiếp tục leo lên đỉnh núi, thỉnh thoảng bạn sẽ nghe được tiếng chuông chùa vang lên, vọng lan ra cả ngọn núi, đánh thức tâm hồn lữ khách. Một góc chùa núi Châu Thới

Đến được cổng tam quan là gần như bạn đã đến được đỉnh của núi Châu Thới, tới đây bạn sẽ thật sự bị cuốn hút bởi kiến trúc đặc trưng của phương Đông, đặc sắc và cổ kính. Nóc chùa có nhiều mái đầu đao trang trí hình rồng phụng, lợp ngói móc xưa, trụ cột bằng gỗ hoặc xi măng giả gỗ được trang trí hình rồng hay hoa lá. Nét nổi bật của kiến trúc đó là cách trang trí với nhiều mảnh gốm sứ nhiều màu sắc, gắn kết đắp thành hình con rồng dài hơn cả mét ở đầu đao của mái chùa và có đến 9 hình rồng như thế hướng về nhiều phía.

Có niên đại hình thành trên 300 năm, chùa có nhiều giá trị về mặt nghệ thuật lẫn tinh thần. Chánh điện được thiết kế dành phần trên để thờ Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí, trang kế thờ Phật Thích Ca, tầng dưới là thờ Phật Giáng Sinh. Toàn bộ tượng đồng đều được đúc tại chùa, do nhóm thợ chuyên môn của xứ Huế thực hiện. Chùa còn thờ bộ Thập Bát La Hán và Thập Điện Diêm Vương bằng đất nung, đây là hai bộ tượng khá xưa và độc đáo được gìn giữ cẩn thận cho tới ngày nay. Ngoài ra, chùa còn giữ được 3 pho tượng tạc bằng đá khá xưa và một tượng Quan Âm bằng gỗ mít được làm từ cây mít cổ thụ hàng trăm năm tuổi được trồng trong vườn chùa và có một tượng Quan Âm Bồ Tát lộ thiên cao 22,5m được đánh giá là tượng cao nhất của Bình Dương. Chùa núi Châu Thới không những là chốn tâm linh cho du khách chiêm bái mà còn là điểm dừng chân, điểm hẹn cho gia đình và bạn bè hội tụ. Chị Thùy đến từ Biên Hòa cho biết: “Chị và gia đình lâu lâu lại qua Dĩ An để viếng chùa, thắp hương, vui chơi và chụp hình làm kỷ niệm, mỗi lần đến viếng chùa là lòng mình như thanh thản hẳn lên”.

Nằm ẩn trong những tàng cây cổ thụ xanh mát, quanh núi là những hồ sen, súng, đồng ruộng bao la, lộng gió... tất cả đã tôn thêm vẻ quyến rũ của ngôi chùa. Lên núi tham quan và thưởng ngoạn, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh những thành phố xung quanh như TP.HCM, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, xa xa là dòng sông Đồng Nai uốn quanh trông thật nên thơ và bình yên. Chùa núi Châu Thới, vì thế mà bao giờ cũng đông du khách tìm đến...

TUYẾT ANH