Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya: “Của ngon vật lạ” chờ du khách
Ẩm thực truyền thống cùng với nhiều dịch vụ độc đáo được người dân các làng sống cạnh núi lửa đã chuẩn bị sẵn sàng mời đón du khách đến với Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm nay.
Ẩm thực truyền thống mang đến sự trải nghiệm đầy cảm xúc cho du khách khi đến một vùng đất lạ. Trong Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm nay, bà con các làng quanh núi lửa đã sẵn sàng “của ngon vật lạ” phục vụ du khách.
Gia đình bà Rơ Châm Pin (làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) nuôi đàn gà hơn 100 con từ mấy tháng trước. Mỗi con gà đạt trọng lượng 1,2-1,5 kg. Gia đình bà cũng vừa thu hoạch xong mấy sào lúa để kịp có gạo mới làm cơm lam.
Từ mấy ngày trước, chồng và con trai bà Pin lên núi chặt sẵn từng bó lồ ô dùng chế biến các món nướng truyền thống như cơm lam, thịt heo nướng ống… Cả gia đình dựng lều tại đoạn đường dẫn lên núi lửa, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để chào đón du khách.
Bà Pin cho biết: “Mùa lễ hội năm ngoái, gia đình mình bán 60 con gà và hơn 1 tạ gạo làm cơm lam. Năm nay, lễ hội nâng tầm quy mô cấp tỉnh, dự kiến đông du khách hơn nên mình càng chuẩn bị kỹ. 4 đứa con cũng chung tay phụ giúp bố mẹ”.
Các gian hàng ẩm thực của người dân sống quanh núi lửa mang đến phong vị riêng tại lễ hội.
Lễ hội diễn ra nhiều năm nên bà con Jrai nơi này được “đào tạo thực tế” cách làm du lịch, không còn sự bỡ ngỡ. Từ kinh nghiệm thực tế, nhiều cơ sở ẩm thực cố gắng giữ nguyên sự mộc mạc, giản dị của món ăn truyền thống song chuyên nghiệp hơn trong cung cách phục vụ, bài trí gian hàng sao cho thật bắt mắt.
Chị Ksor Lung (làng Ia Gri) đã có 5 năm phục vụ ẩm thực truyền thống tại lễ hội thường niên này. Chị cho hay: “Tất cả nguyên vật liệu đều của gia đình mình làm ra. Gà nuôi trong rẫy cà phê của gia đình. Mình vẫn dùng những nguyên liệu và gia vị tự nhiên như sả, riềng, lá é, ớt để ướp thịt gà, heo nướng, tạo hương vị đặc trưng cho món ăn”.
Để ẩm thực truyền thống thêm hấp dẫn du khách, chị Lung dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu hình thức trình bày. Chị cùng em gái A Dé cắt từng gùi lá chuối, chuẩn bị những chiếc mẹt tre đựng thức món. Chồng và em rể chặt tre, nứa, lồ ô, hái các loại lá làm gia vị.
“Những ngày diễn ra lễ hội, mình cùng em gái mặc trang phục truyền thống đứng nướng gà, phục vụ khách. Mình là người Jrai sống từ nhỏ dưới chân núi lửa nên muốn góp phần giới thiệu văn hóa, ẩm thực truyền thống cho du khách khi đến với làng mình”-chị Lung nói.
Gian hàng ẩm thực của chị Lung thu hút du khách từ cách bài trí đến hình ảnh những người phụ nữ Jrai giỏi giang, thân thiện. Gian hàng như một gian bếp thu nhỏ của người Jrai với bầu nước, rượu ghè, gùi, rổ, rá, mẹt đựng thực phẩm…
Khách ghé thăm, chị Lung nhiệt tình giới thiệu khung cảnh buôn làng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa thông qua kiến thức hiểu biết cũng như thức ngon bày bán.
Sẽ mất đi sự thăng hoa nếu ẩm thực thiếu vắng men rượu cần. Thức uống đặc trưng này khiến bao du khách say đắm qua mỗi mùa lễ hội dưới chân ngọn núi lửa đã tắt hàng triệu năm.
Bà Phan Kim Minh (làng Xóa) kể: Gần 40 năm trước, bà nên duyên với một chàng trai Jrai cùng làng. Bà được mẹ chồng dạy cách chế biến nhiều món ăn, thức uống truyền thống của người Jrai.
“Khi ủ những ghè rượu ngon, tôi cũng đã trở thành người Jrai lúc nào không hay. Sau này, tôi ủ rượu cung cấp cho hàng quán và mở một quầy hàng ẩm thực Jrai ở khu vực lễ hội để phục vụ khách.
Năm nay, quy mô lễ hội lớn hơn nên tôi ủ 150 ghè rượu vừa phục vụ khách sử dụng tại chỗ vừa mang về làm quà biếu. Giá dao động trong khoảng 120-250 ngàn đồng/ghè”-bà Minh chia sẻ.
Quầy rượu ghè Ma Tiên của bà Phan Kim Minh (làng Xóa) chuẩn bị sẵn sàng phục vụ du khách tại Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya.
Theo bà Minh, rượu cần truyền thống muốn ngon không thể ủ vội, mà phải đủ ngày, đủ giờ cho rượu chín, dậy men thơm. Rượu ủ men lá phải từ 15 ngày trở lên uống mới ngon, mới đậm đà.
Do đó, hơn 1 tháng trước, bà đi hái lá làm men, sau đó mới ủ rượu. Ủ được số lượng ghè lớn để phục vụ lễ hội khá vất vả nhưng bù lại thu nhập khá hơn.
“Nhiều khách hàng mua rượu về làm quà, sau đó tiếp tục gọi điện đặt hàng”-bà Minh kể.
“Rượu ghè Ma Tiên” của bà Minh đã trở thành thương hiệu không chỉ trong lễ hội mà của vùng đất Chư Đang Ya. Năm ngoái, bà bán gần 100 ghè cho du khách mang đi. Rượu ghè Ma Tiên nồng nàn hương vị cao nguyên đã theo chân biết bao du khách mọi miền.
Ngoài hàng chục gian hàng ẩm thực của bà con Jrai các làng quanh núi lửa, hàng loạt nhà hàng, quán ăn kinh doanh ẩm thực truyền thống hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, bà con Jrai các làng còn nhìn thấy cơ hội kinh doanh với nhiều dịch vụ độc đáo như cho thuê trang phục truyền thống Jrai, chụp ảnh cùng du khách. Giá thuê 1 bộ váy áo kèm thêm chiếc gùi xinh xắn khoảng 20-50 ngàn đồng.
Chị A Yên (làng Ia Gri) tâm sự: “Mùa lễ hội các năm trước, mình cho thuê 20-25-2lượt khách/ngày. Năm nay, mình chuẩn bị 7 bộ váy áo nam, nữ cùng 4 chiếc gùi để cho khách thuê”.
Theo baogialai.com.vn