Tự hào quân dân y Chiến khu Đ - Bài 3

Thứ sáu, ngày 27/02/2015

(BDO) Bài 3: Một đời tận tụy

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những năm tháng sát cánh cùng đồng đội tham gia cứu chữa cho thương binh ở vùng Chiến khu Đ trong thời kỳ chiến chống Mỹ cứu nước vẫn in dấu trong ký ức người nữ quân dân y (QDY) năm nào. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở phường Phú Lợi, TP.TDM, cô Nguyễn Thị Hà Sinh nói rằng, đó là khoảng thời gian đã tôi luyện cho cô ý chí vững vàng để sau này tiếp tục theo đuổi và sống hết mình với nghề y - cái nghề mơ ước đã thành sự thật…

Khó khăn không chùn bước

Lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cô Nguyễn Thị Hà Sinh đã sớm giác ngộ cách mạng. Từ tấm gương của người cha trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, cô Hà Sinh cũng ước một ngày mình sẽ được tiếp bước cha đi theo con đường cách mạng. Với tố chất nhanh nhẹn, hoạt bát, thích hoạt động nên mới 15 tuổi, cô đã tham gia làm giao liên mật ở xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành.

Cô Hà Sinh (thứ ba từ phải sang) là một trong những cá nhân được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (thứ tư từ phải sang) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm (bìa phải) tặng biểu tượng tri ân những người đã đóng góp cho “Hành trình xuân với trẻ em khó khăn” năm 2015

Năm 1962, khi còn ở cái tuổi trăng tròn, cô Hà Sinh quyết định thoát ly gia đình đi theo cách mạng. Năm ấy, cô mới 16 tuổi và được địa phương cử đi học lớp cứu thương để về cứu chữa cho thương binh. Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi khi thấy những chị, những cô khoác trên mình chiếc áo trắng của người thầy thuốc, cô thầm ước rằng, lớn lên mình cũng đi học nghề y để được mặc chiếc áo trắng ý nghĩa đó. Bây giờ ước mơ ấy đã thành sự thật, cô càng phấn khởi hơn. Học xong cô lại quay về phục vụ cứu thương ở địa phương. “Hồi đó, mấy chú, mấy bác bên QDY huyện Châu Thành thương lắm. Ngoài nhiệm vụ cứu thương ở địa phương, mỗi khi bên đó thương binh nhiều nhưng thiếu nhân lực phục vụ đều gọi cô qua phụ một tay. Không rõ năm nào nhưng cô còn nhớ một trận càn ác liệt ở khu vực Bình Mỹ. Trận càn này, anh em bị thương rất nhiều, trong đó có một em chỉ mới 16 tuổi đã hy sinh do trúng pháo của bọn giặc Mỹ. Đau lòng lắm, em còn trẻ quá mà!”, cô Hà Sinh nhớ lại.

Chiến tranh là thế, ác liệt, đau thương, khó khăn vô vàn nhưng không vì thế mà cô chùn bước. Ngược lại, cô càng tích cực hơn, sống và cống hiến hết mình cho cách mạng. Ngoài những lúc sơ cứu cho thương binh, để có bông băng, dụng cụ phục vụ, những lúc không có người nào bị thương chuyển đến, cô thường mang đống bông băng nhầy nhụa, dính đầy máu ra suối giặt để sử dụng trở lại. Mùi tanh của máu dợn lên tận cổ, nhưng biết làm sao bây giờ. Nhu cầu sử dụng ngày một nhiều mà mọi thứ lúc bấy giờ đều thiếu thốn. “Giặt xong, lại mang đi luộc, phơi khô để khử trùng chứ thời đó làm gì có điều kiện như bây giờ. Lúc ấy khó khăn trăm bề, nhưng đã xác định đi theo cách mạng rồi nên tư tưởng của cô vững vàng lắm. Hơn nữa, những khó khăn nhỏ nhoi của mình chẳng thấm vào đâu so với những người trực tiếp chiến đấu đang đối đầu với vô vàn nguy hiểm ở ngoài chiến trường. Thời đó tình yêu thương vô bờ bến lắm, ai cũng chỉ mong phục vụ để đất nước sớm đến ngày giải phóng, để mọi người được hưởng hòa bình, độc lập…”, cô Hà Sinh cho biết.

Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù, nhưng khí tiết người cách mạng của cô luôn được khẳng định. Năm 1963, trận càn của quân thù ngang qua hầm bí mật - nơi cô cùng nhiều đồng đội đang trú trong đó. Lúc càn qua, chúng không phát hiện gì nên lui quân về. Không ngờ có gián điệp chỉ điểm nên chúng quay trở lại và bắt tổng cộng 17 người ở 3 hầm bí mật, trong đó có cô Hà Sinh. Chúng đưa cô về giam ở khám đường Bình Dương. Vì biết lý lịch của cô là gia đình cách mạng, chúng luôn tìm cách tra khảo cô. Cô Hà Sinh nhớ lại: “Chúng đánh đập nhưng không tra ra được gì nên quay ra dùng điện giật. Mỗi lần như thế, chúng thường hỏi: “Cơ sở của anh mày ở đâu?”. Trước sau cô đều trả lời: “Mấy ông có đánh chết tui, tui cũng không biết”. Thế là chúng giật điện, cô chết ngất, khi tỉnh lại chúng lại tra khảo tiếp”.

Đau đớn đến tột cùng nhưng cô vẫn giữ trọn phẩm chất của người cách mạng. Cô gái mới 17 - 18 tuổi đã chịu đựng nhiều đòn roi của phía quân thù, chịu cảnh giam cầm khổ cực nhưng vẫn cương quyết nói “không” với bọn chúng. “Sau khoảng 18 tháng bị giam, cuối cùng chúng cũng phải thả cô ra vì chẳng khai thác được gì. Cô về và được mấy chú đưa vô phục vụ y tế trong đơn vị C62, thuộc huyện Châu Thành (Tân Uyên ngày nay) tham gia cứu chữa cho anh em thương binh trong đơn vị”, cô Hà Sinh kể.

Lấy tâm, đức làm trọng

Công tác tại C62 được khoảng 7 tháng, cô tiếp tục chuyển về văn phòng Tỉnh ủy Bình Long. Tại đây, ngoài công tác y tế, cô còn làm Bí thư chi đoàn, Chi ủy viên chi bộ, Chi hội trưởng phụ nữ. Sau đó, cô còn công tác ở nhiều đơn vị khác, rồi tham gia phục vụ cứu chữa cho thương binh ở chiến trường Lộc Ninh cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Đất nước thanh bình, cô vẫn xác định gắn bó với ngành y. Năm 1976, cô về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sông Bé. Để phục vụ công tác ngày càng tốt hơn và cũng để tiếp tục nâng cánh ước mơ hồi còn nhỏ, từ năm 1981-1984, cô theo học bác sĩ tại trường Đại học Y dược TP.HCM. Ra trường, cô Hà Sinh về lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sông Bé, làm bác sĩ trưởng khoa khám bệnh. Với bản tính dễ gần gũi, làm việc hết mình và xem người bệnh như những người thân yêu của mình, cô không chỉ được đồng nghiệp kính trọng mà còn được bệnh nhân quý mến và còn giữ trọn tình cảm ấy đến tận sau này. Sau 2 năm làm trưởng khoa, cô được tín nhiệm làm Phó Giám đốc bệnh viện. Đến năm 1991, cô được nhận nhiệm vụ tại Sở Y tế. Từ năm 1994-2001, cô giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế. Cô cũng là nữ cán bộ y tế đầu tiên của tỉnh là Tỉnh ủy viên 2 nhiệm kỳ liên tục (khóa 5 và khóa 6). Từ tháng 3-2001, cô làm Phó ban thường trực Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh Bình Dương cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 2003.

Dù ở cương vị nào, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp tín nhiệm và người bệnh tin tưởng. Cô Hà Sinh chia sẻ: “Bây giờ cho mình có quyền chọn lại cô vẫn chọn theo nghề y. Được học nghề y mình mới có kiến thức, điều kiện cứu chữa, mạng lại sức khỏe cho người bệnh. Vì thế nó cao quý lắm. Mỗi khi thấy một người bệnh được điều trị khỏe trở lại là mình thấy hạnh phúc lắm rồi. Dù ở thời đại nào, nghề y đều cần những người hết lòng, hết sức phục vụ bệnh nhân, xem nỗi đau của bệnh nhân như nỗi đau của chính mình để mang cái tâm, cái đức ra phục vụ, chăm sóc tận tình, chu đáo…”.

Nhiều năm qua, cô lại có thêm một niềm vui nữa là làm từ thiện. Ngoài bản thân và gia đình, cô thường vận động đồng nghiệp, bạn bè tham gia đóng góp để xây nhà tình thương cho người nghèo, tặng học bổng cho học sinh nghèo, giúp đỡ phụ nữ nghèo, người nghèo ởnhững vùng sâu, vùng xa vàtổ chức đi khám bệnh từ thiện… Vợ chồng cô vẫn thường dạy con cháu, phải sống nhân từ, phúc đức, giúp ai được gì thì hãy cứ giúp. Câu nói mà cô Hà Sinh tâm niệm nhất và vẫn tiếp tục thực hiện theo, đó là: “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Ta lấy đức làm của, của theo ta trọn đời”.

HỒNG THUẬN