Tự hào quân dân y Chiến khu Đ - Bài 2

Thứ năm, ngày 26/02/2015

(BDO) Bài 2: Vẫn nhớ một thời hào hùng

“Không chỉ làm y tá chiến trường, tôi cùng đồng đội còn đi tải gạo, tiếp tế thực phẩm, thuốc men. Những chuyến vượt sông, băng rừng đó nay vẫn là kỷ niệm khó quên của một thời tuổi xuân”, cô Nguyễn Thị Danh (tên thân mật là Ba Danh), cán bộ quân dân y (QDY) Chiến khu Đ, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một) đã nói như thế về những ngày tham gia kháng chiến…

Cô Nguyễn Thị Danh chăm sóc cành mai ngày tết.  Ảnh: Q.NHƯ

Gian khổ có sá gì…

Cô Ba Danh, người nữ y tá chiến trường năm ấy nay đã là người bà ở tuổi nghỉ hưu và vui thú điền viên cùng con cháu. Nhưng những ngày tháng oanh liệt, hào hùng của một thời không tiếc máu xương và tuổi xuân thì vẫn là “một kho tư liệu quý của cuộc đời” như cách các cô chú từng là đồng nghiệp, đồng chí hay nói với nhau.

Cô Nguyễn Thị Danh, sinh năm 1947, hiện ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Năm 1964, cô gái tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu ngày đó đã được người con thứ 3 của bà ngoại về “dắt theo cách mạng”. Cô Ba Danh kể: “Cậu Ba của tôi đã tham gia kháng chiến từ trước đó và ông tìm mọi cách liên lạc với gia đình, đưa tôi cùng anh Hai của tôi, cậu Út và một người chị em bạn dì của tôi cùng đi. Mấy anh em cậu cháu từ biệt gia đình - với tôi còn là từ biệt những tháng ngày đi ở giữ em, phụ việc nhà - để vào vùng chiến khu. Đó là ngày 2-6-1964. Đi bộ ròng rã, vừa đi vừa trốn, vừa nghỉ, sau 3 tháng 2 ngày, chúng tôi mới đến được căn cứ. Tôi được nhận vào K17 (văn phòng huyện ủy) thuộc chiến trường Phước Long (tỉnh Bình Phước bây giờ). Từ đó, tôi được cho học để thành một cô y tá phục vụ thương bệnh binh”.

Theo hồi tưởng của những cán bộ QDY Chiến khu Đ, những gian khổ, thiếu thốn của thời chiến tranh là khó nói hết bằng lời! Giữa chiến trường, muốn rửa vết thương phải có muối, nhưng miền Đông Nam bộ nhiều đường nhưng lại thiếu muối. Trong hoàn cảnh đó, mỗi khi đi công tác hoặc di chuyển địa bàn chiến đấu, cán bộ, nhân viên y tế thường đem theo đường để đổi lấy muối. Vì thiếu thuốc sát trùng nên nhiều thương binh đã bị vết thương hành hạ sau khi mổ, có khi vết thương nhiễm trùng nặng đến nỗi có cả giòi. Để trị vết thương bị nhiễm trùng, các thầy thuốc đã thí nghiệm dùng mật ong trị giòi rất thành công.

Dừng lại dòng hồi tưởng, cô Ba Danh lại vui vẻ nói về niềm vui gặp mặt đồng đội cũ mới đây. Đó là ngày 6-1- 2015, cô Ba Danh được mời về mừng chiến thắng của đơn vị cũ ở Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Cô cho biết thật xúc động, bồi hồi khi cùng đồng đội cũ đi thuyền dọc theo con sông Đắk Quýt (Bù Gia Mập) và đến thăm vài nơi của chiến trường xưa. “Không ngờ, con sông rộng đến thế mà ngày xưa chúng tôi dám vượt sông có nhiều ghềnh đá trơn trượt rồi băng rừng thường bị ve, vắt cắn. Ngày đó để qua được sông Đắk Quýt, tôi được mấy anh cho cái bao nylon thổi hơi vào thật căng, tôi vịn vào đó và mấy anh vừa bơi vừa đẩy sang bên kia sông. Tiếp đó là những ngày đi tỉa bắp, trồng khoai mì, trồng lúa để có lương thực cung cấp cho chiến sĩ no lòng, chắc tay súng”, cô Ba Danh tiếp lời. Hỏi cô về những kỷ niệm ngày làm cán bộ quân y ở chiến trường, cô kể về lời khen “y tá Ba Danh mát tay, chích thuốc ít đau và nói chuyện nhẹ nhàng, biết an ủi giúp thương bệnh binh bớt đau” làm cô thấy mình phải cố gắng hơn. “Có những bệnh nhân bị uốn ván, sốt rét rừng… phải chăm sóc thật chu đáo. Có hôm tôi phải cho ăn uống trong bóng tối hay phụ các bác sĩ phẫu thuật, khâu vết thương. Làm việc gì thì cũng thật nhẹ nhàng bởi các chiến sĩ đã quá khổ vì đau đớn khi bị thương lại thiếu thuốc men. Anh em chúng tôi vừa làm vừa động viên, khích lệ họ thật nhiều”, cô Ba Danh chia sẻ.  

Phấn đấu không ngừng và dìu dắt những người trẻ

Thoát ly theo cách mạng, cô Ba Danh được cho học y sĩ vào năm 1966-1967. Sau năm 1975, chồng cô mất để lại 2 đứa con thơ. Cô một mình vừa nuôi con, vừa học vừa làm không ngừng nghỉ. Cô Ba Danh tốt nghiệp đại học y khóa 1984-1987, chuyên khoa sản. Cô từng công tác tại Nhà bảo sanh Thủ Dầu Một, trường Trung cấp Y tế trước khi làm Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Thủ Dầu Một cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 2003. Cô Ba Danh được các bác sĩ ở Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một hiện nay đánh giá là người “dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm”. Cô là người quyết đoán trong mọi công việc và luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, nhân viên dưới quyền.

Cô Ba Danh kể: “Những ngày đầu tiên về nhận công tác, trung tâm và các trạm y tế xã phường có gần 60 cán bộ, nhân viên. Việc đầu tiên là tôi rà soát lại bằng cấp, mức lương của anh chị em để điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời. Hồi đó đơn vị có 4 - 5 đảng viên chính thức và dự bị sinh hoạt ghép với một chi bộ khác. Tôi quan tâm đến việc phát triển đảng viên để anh chị em gắn bó, yên tâm công tác hơn. Học để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cũng là điều hết sức cần thiết với người thầy thuốc nên tôi động viên anh chị em đi học”. Về điều này, các bác sĩ Yến, Thủy, Dung, Phương… cho biết là họ rất biết ơn sự quan tâm của cô Ba Danh trong vai trò lãnh đạo đã hướng dẫn, dìu dắt những thầy thuốc này vững vàng hơn về chuyên môn, nghề nghiệp.

Hơn 40 năm tuổi Đảng, hết lòng với sự nghiệp của một QDY, của một người thầy thuốc, cô Ba Danh tự hào rằng: “Tôi là một người dám làm dám chịu và luôn vì bệnh nhân. Với bệnh nhân nghèo, tôi giúp họ hết mình. Với đồng nghiệp, tôi quý trọng thương yêu nên cũng được các em quý mến. Dù nghỉ hưu đã lâu nhưng các em, cháu vẫn nhớ và thỉnh thoảng ghé thăm là tôi vui rồi”. Cô cũng vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng 3 cho tập thể, cá nhân khi còn đương chức. Cô còn được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 3, là Thầy thuốc ưu tú và có nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh… Hiện tại, gia đình cô đã êm ấm, sung túc với con trai làm ở Bưu điện tỉnh, con gái theo nghề mẹ là một bác sĩ hiện công tác tại Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một.

Cuộc sống luôn ưu ái và công bằng cho những ai biết vươn lên, biết hy sinh cho những người thân yêu quanh mình. Tôi nghĩ thế khi chia tay cô vào một chiều đầu Xuân Ất Mùi 2015.

Bác sĩ Phạm Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một là người được xem như thế hệ tiếp bước của cô Ba Danh. Theo bác sĩ Yến, cô là một người phụ nữ trực tính và rất quan tâm đến nhân viên của mình. Một trong những điều mà bác sĩ Yến cũng như những thế hệ đàn em của cô Ba Danh luôn trân trọng, ghi nhớ là cô đã khuyến khích, động viên cán bộ, nhân viên tiếp tục đi học để tốt nghiệp đại học, chuyên khoa 1, 2 bởi “Thời chiến khó khăn vậy mà thế hệ cha anh vượt qua được, nay hà cớ gì không chịu học để tiến bộ hơn?”.

 

Bài 3: Một đời tận tụy 

QUỲNH NHƯ