Từ cao nguyên Bolaven đến dòng Sông Bé - Bài 2

Thứ ba, ngày 27/06/2023

(BDO) Bài 2: Hành trình tìm kiếm tri thức

Từ năm 2009, trường Đại học Thủ Dầu Một bắt đầu đào tạo cho sinh viên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào theo thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Champasak. Hiện nay, trường có hàng chục du học sinh Lào đang theo học các chuyên ngành khối kinh tế, công nghệ thông tin, kiến trúc…

2 du học sinh Lào tiếp tục lựa chọn Bình Dương là điểm đến để học thạc sĩ

Các du học sinh Lào được cử sang Việt Nam học tập trong những tháng đầu tiên phải học tiếng Việt, sau đó mới tiếp tục học các chương trình đại học. Thời gian đầu, các du học sinh nói và viết tiếng Việt chưa rành nhưng với quyết tâm cao, các em đã vượt qua rào cản ngôn ngữ để rồi tự tin học, hòa nhập với sinh viên Việt Nam. Ngoài thời gian học ở lớp, khi về ký túc xá các em còn dành nhiều thời gian để học tiếng Việt, khắc phục dần những lỗi chính tả và nâng cao khả năng giao tiếp.

Tại ký túc xá dành cho các bạn du học sinh Lào ở tỉnh Bình Dương, chúng tôi gặp Souknilanh Vongphachanh, cô du học sinh đã từng có 4 năm gắn bó với ngôi trường Đại học Thủ Dầu Một. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành về môi trường, Souknilanh Vongphachanh về nước được khoảng 2 năm và lần này, em quay trở lại Việt Nam để tiếp tục học thạc sĩ. 

Sinh viên Manibod Soukkhita, Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Thủ Dầu Một hỗ trợ các bạn học bài

Nói thành thạo tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, Souknilanh Vongphachanh kể cho chúng tôi nghe về lý do để tiếp tục quay lại Việt Nam và lựa chọn Bình Dương thêm một lần nữa: “Để tiếp tục nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, tôi muốn quay lại Bình Dương theo học hệ cao học. Môi trường học tập ở đây rất tốt, thầy cô và bạn bè luôn luôn hỗ trợ cho chúng tôi. Hơn nữa, những năm trước tôi đã có khoảng thời gian học tập tại Bình Dương giúp tôi hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam cũng như mảnh đất Bình Dương nói riêng. Các bạn sinh viên Việt Nam hiếu học và tốt bụng, luôn tận tình, giúp đỡ những du học sinh như chúng tôi trong cuộc sống cũng như học tập”.

Chính từ những tình cảm yêu mến con người và văn hóa Việt Nam, những du học sinh Lào ở Bình Dương như Manibod Soukkhita đã chọn lan tỏa tình yêu đó bằng cách “like”, “share” những bài biết về các hoạt động học tập, giao lưu, vui chơi, trải nghiệm của sinh viên Lào tại Bình Dương lên trang facebook cá nhân để giới thiệu với gia đình, bạn bè của Manibod Soukkhita ở đất nước Lào được biết đến.

Các bạn sinh viên Lào ôn bài ở ký túc xá

Trên trang Fanpage Sinh viên Lào ở Bình Dương, sử dụng ngôn ngữ tiếng Lào, các bạn đã đăng tải các bài viết về tết Lào được tổ chức ở kí túc xá với sự tham gia của hiệu trưởng nhà trường và các thầy cô trong khoa; Hay đơn giản, các hoạt động vui chơi giải trí, các trận bóng đá của các bạn sinh viên Lào với sinh viên Việt Nam cũng được đăng tải trên Fanpage này góp phần lan tỏa hình ảnh đất và người Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung đến với dân tộc Lào và cộng đồng thế giới…

Với việc tạo mọi điều kiện tốt nhất, chăm lo đến đời sống vật chất lẫn tinh thần cho các em lưu học sinh, chú trọng trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nước bạn Lào, Trường đại học Thủ Dầu Một nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung đã góp phần vun đắp cho mối quan hệ anh em, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào ngày càng gắn bó thắm thiết. 

Các hình ảnh hoạt động tại Bình Dương như tham gia hội thi, trưng bày gian hàng văn hóa của Lào... đều được đưa lên trang Fanpage sinh viên Lào, Câu lạc bộ Hội hữu nghị Việt Lào Trường Đại học Thủ Dầu Một

Bên cạnh học tập, sinh viên Lào cũng tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao 

Những du học sinh Lào cũng chính là những “sứ giả” hữu nghị, góp phần đưa công tác đối ngoại Nhân dân lên một tầm cao mới; thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước và hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.

Bài 3: Như đang ở trên quê hương mình!

NHÓM PV