Từ cao nguyên Bolaven đến dòng Sông Bé - Bài 1

Thứ hai, ngày 26/06/2023
LTS: Cao nguyên Bolaven thuộc khu vực Nam Lào, bao gồm 4 tỉnh: Champasak, Sekong, Salavan và Attapeu. Trong đó, Champasak là thủ phủ miền Nam Lào, một vùng đất bình yên, vô cùng tươi đẹp, thiên nhiên kỳ vĩ và một nền văn hóa đa dạng, đầy bản sắc... Trong mối quan hệ Việt Nam - Lào nói chung, tỉnh Bình Dương - Champasak nói riêng, bên cạnh hợp tác ở các lĩnh vực khác, lĩnh vực giáo dục - đào tạo trong thời gian qua đã được hai tỉnh tăng cường, góp phần ươm mầm, thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt Nam - Lào.

(BDO) Bài 1: Ươm mầm hữu nghị

Mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào được xem là mối quan hệ “có một không hai”. Hiếm có quốc gia - dân tộc trong thế giới đương đại lại có tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt như Việt Nam - Lào, đã được hai Đảng, hai nước dày công xây dựng, vun bồi. Mối quan hệ đó mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như câu thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”!

Phát huy truyền thống tốt đẹp

Việt Nam - Lào, hai nước láng giềng, có truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác đặc biệt từ lâu đời. Trong lĩnh vực giáo dục, sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam - Lào cũng đã có bề dày lịch sử. Ngay từ năm 1958, Việt Nam đã đón nhận hàng ngàn con em của đất nước Lào sang học tập để trở về xây dựng đất nước.

Kế thừa và phát huy giá trị truyền thống của hai nước, trong nhiều năm qua, hai tỉnh Bình Dương và Champasak (Lào) đã có nhiều chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực và ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu. Trong đó, có chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận và cấp học bổng toàn phần cho nhiều sinh viên tỉnh Champasak theo học tại Trường Đại học Thủ Dầu Một và Trường Đại học Bình Dương.

Từ năm 2009, riêng trường Đại học Thủ Dầu Một mỗi năm nhà trường tiếp nhận đào tạo thêm khoảng 10 sinh viên Lào đến tham gia học tập và được bố trí nơi sạch sẽ, khang trang tại ký túc xá của trường Chính trị tỉnh. Đến nay, đã có tổng cộng 89 bạn sinh viên Lào đang học tập và sinh hoạt tại trường Đại học Thủ Dầu Một. 

Trao giải thưởng cho các sinh viên Lào tham gia Ngày hội "Chung dòng Mê Kông" và giao lưu văn hóa các nước Đông Nam Á tại Bình Dương

Đến với trường Đại học Thủ Dầu Một ngoài việc học tập và sáng tạo, các bạn sinh viên Lào còn thường xuyên tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ không chỉ tại TP.Thủ Dầu Một và các địa phương lân cận như TP.Thuận An, TP.Dĩ An… 

Tăng cường vai trò Hội hữu nghị
 
Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Bình Dương được thành lập từ năm 2009. Hội thường xuyên tổ chức nhiều chương trình trao đổi, giao lưu với tỉnh Chămpasak và Salavan của Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Hội luôn chú trọng triển khai các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về hợp tác đầu tư, giao lưu văn hóa - văn nghệ và thể dục thể thao với các tổ chức đối tác của nước bạn. Đồng thời, hỗ trợ và làm cầu nối cho sự hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế và du lịch giữa các cơ sở của tỉnh Bình Dương với tỉnh Chămpasak. 

Đại hội đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Bình Dương lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027 đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt - Lào

Từ cầu nối của Hội, nhiều doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương đã tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, hỗ trợ cũng như hợp tác đầu tư tại Champasak. Điển hình là Công ty cổ phần cao su Dầu Tiếng – Việt Lào đã đầu tư hàng chục triệu USD tại Chămpasak cho dự án trồng 10.000 ha cao su, bước đầu giải quyết việc làm cho hơn 1 ngàn lao động tại địa phương nước bạn. 

Hội cũng tham mưu cho tỉnh tài trợ nhiều công trình khác cho tỉnh Chămpasak như: hồ bơi Olympic, xây trường học, đường giao thông, đường dây điện, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Hội còn tiếp nhận và tài trợ học bổng cho sinh viên tỉnh Chămpasak sang học tại Bình Dương. Trong đó, nổi bật là phối hợp thực hiện vận động xây dựng và phát triển Quỹ học bổng “Ươm mầm hữu nghị” dành tặng các sinh viên Lào đang theo học tại Trường Đại học Ngô Quyền đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương...

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của Hội, tại Đại hội đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Bình Dương lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027 cũng đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị láng giềng truyền thống, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Champasak. Cụ thể, Hội sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; củng cố, mở rộng tổ chức hội; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của hội; đồng thời tăng cường giao lưu trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao…

Bài 2: Hành trình tìm kiếm tri thức

NHÓM PV