Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương: Kế thừa và phát huy truyền thống đào tạo quý báu

Thứ sáu, ngày 25/12/2020

(BDO) Từ lâu đời, Bình Dương được xem là cái nôi của nghề thủ công mỹ nghệ Nam bộ. Có một ngôi trường đã được thành lập từ đầu thế kỷ XX trên đất Thủ Dầu Một để kế thừa và phát huy nghề truyền thống của cha ông, đó chính là trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một, nay là trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương.


Thầy trò khoa điêu khắc trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương trong giờ học thực hành

Lịch sử lâu đời

Thời ấy, khi xâm chiếm nước ta, người Pháp tỏ ra yêu thích các sản phẩm gia dụng khéo léo bằng gỗ do những nghệ nhân Thủ Dầu Một làm ra. Sử sách để lại cho thấy, vì muốn khai thác kinh tế thuộc địa phục vụ chính quốc, người Pháp cho rằng phải nắm ngay thế mạnh của Thủ Dầu Một về nghề truyền thống để phát huy ngành nghề, đòi hỏi tính kỹ xảo đặc trưng nghệ thuật của người dân địa phương, qua đó cung ứng đa dạng các sản phẩm phục vụ cho các quan chức người Tây và xuất cảng đưa về bản xứ. Do đó, họ đã nhanh chóng chiêu tập hầu hết các nghệ nhân xuất sắc của đất Thủ, phối hợp cùng các quan chức người Pháp chuyên giảng dạy mỹ thuật của nước Pháp mở trường dạy nghề tại Thủ Dầu Một vào năm 1901.

Đầu tiên trường có tên là trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một. Chương trình giảng dạy lúc bấy giờ ở trình độ sơ cấp, đào tạo thợ thủ công mỹ nghệ là chính, gồm những nghề như: Mộc, chạm gỗ, cẩn gỗ, cẩn ốc xà cừ, đúc đồng và trang trí. Học sinh (HS) vào học đa số lớn tuổi, trình độ văn hóa chỉ cần học đến lớp ba Pháp Việt là được. Người Pháp có chủ trương tuyển chọn những HS có năng khiếu về nghề truyền thống ở địa phương.

Đầu năm 1932 trường đổi tên là trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một. Chương trình đào tạo nâng lên bậc trung học kể từ khi trường đổi tên. Thời gian này trường đào tạo 4 nghề: Ban tổ mộc công, ban sơn mài, ban điêu khắc, ban vẽ kiểu mộc và trang trí. HS vào trường chủ yếu là lớp HS nghèo, có năng khiếu nghề được khảo sát qua kỳ thi tuyển ở địa phương Thủ Dầu Một và các tỉnh lân cận. Giáo viên, quản lý chủ yếu là người Pháp và một số ít là các nghệ nhân, họa sĩ tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Đông Dương phụ trách.

Những năm 1945-1964 trường vẫn mang tên như trước, cũng đào tạo các nghề trên, nhưng thập niên 60 nghề cẩn gỗ, ốc xà cừ và nghề đúc đồng không còn đào tạo nữa. Do đặc điểm lịch sử của dân tộc, giai đoạn này có một số HS của trường đã tham gia cách mạng, có người đã hy sinh, có người trưởng thành trở thành cán bộ của Đảng và Nhà nước ta. Một số HS khác trở thành nghệ nhân, họa sĩ tài danh, có người đạt những học vị cao ở nước ngoài; một số HS khác trở thành nhà kinh doanh mỹ nghệ, làm việc ở các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng... đã góp phần không nhỏ làm vang danh uy tín đào tạo của trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một.

Từ 1964-1975 trường có tên là trường Kỹ thuật Bình Dương, chương trình đào tạo của trường thiên về kỹ thuật. Ngành nghề truyền thống tuy vẫn được duy trì nhưng trong thời gian này vẫn đào tạo theo phương pháp cũ từ thời Pháp tuy có bổ sung thêm phần lý thuyết, giảng dạy thực hành bài bản hơn và đa số giáo viên của trường đều qua đào tạo ở các trường lớp sư phạm

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, năm 1977 trường được đổi tên là Trường Trung học Mỹ thuật Công nghiệp Sông Bé. Đến năm 2000 trường được đổi tên thành trường Trung học Kỹ thuật Bình Dương. Tháng 8-2012, một lần nữa trường được đổi tên thành trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương.

Giữ nghề truyền thống

Trải qua nhiều thay đổi của lịch sử và nhiều lần đổi tên nhưng trường vẫn duy trì đào tạo những ngành nghề truyền thống, như: Ngành thiết kế gỗ, ngành sơn mài trang trí, điêu khắc trang trí, ngành đồ họa công thương nghiệp. Từ năm 2004, nhà trường mở thêm ngành thiết kế thời trang. Theo đó, trường chú trọng thực hiện đổi mới chương trình theo chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo và biên soạn nội dung chương trình phù hợp theo yêu cầu của xã hội. Năm 2012, trường bổ sung 2 ngành: Quản lý văn hóa và âm nhạc. Sau đó trường đào tạo thêm ngành hướng dẫn du lịch. Có thể thấy, theo thời gian, nhà trường từng bước phát triển lớn về quy mô, mở thêm các ngành đào tạo trung cấp và các nghề ngắn hạn.

Trong 120 năm qua, trường đã trải qua không ít khó khăn, thách thức, nhưng đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên trường Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương luôn tâm huyết, yêu nghề với sự nghiệp “trồng người”, với truyền thống: Đoàn kết đồng lòng, luôn “Tận tụy, tận tâm, tận lực, hết lòng vì học sinh thân yêu”. “Tự hào ngôi trường có lịch sử từ lâu đời, trong số HS đã tốt nghiệp từ ngôi trường này, có nhiều người trở thành giám đốc, trưởng phó phòng, quản đốc một số xí nghiệp và cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ; một số khác có điều kiện tiếp tục học lên đạt những học vị cao trong học vấn, số còn lại đang tiếp tục làm việc trong các doanh nghiệp, công ty, các cơ sở sản xuất đa phần đều có uy tín trong nghề nghiệp do kỹ năng tay nghề cao”, thầy Phạm Văn Ngàn, Hiệu trưởng trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương nói.

Với truyền thống “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, tập thể nhà trường luôn xem chất lượng đào tạo, phẩm chất và tay nghề của HS là lẽ sống còn của trường. Do đó, các nhà giáo giữ vững truyền thống đào tạo, duy trì các ngành nghề đào tạo truyền thống, bảo đảm tốt chất lượng bài giảng và thực hành. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên luôn tâm huyết với phương châm: Chỉ cho ra trường những sản phẩm đào tạo chất lượng nhất, bài bản nhất.

(Thầy Phạm Văn Ngàn, Hiệu trưởng trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương)

 HỒNG THÁI