Trăm năm tạo dựng một nghề

Thứ bảy, ngày 13/03/2021

(BDO) Nghề gốm là một trong những nghề truyền thống hình thành lâu đời trên đất Bình Dương. Cùng với thời gian, cũng có những lúc thăng trầm khác nhau, nhưng nghề gốm vẫn tồn tại đến ngày hôm nay và đã có những đóng góp nhất định trong sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh nhà. Mới đây, cùng với võ lâm Tân Khánh Bà Trà, nghề gốm Bình Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

 Sản xuất gốm theo phương pháp truyền thống tại một cơ sở ở phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên

Nghề xưa lưu dấu

Theo các tài liệu, nghề gốm ở Bình Dương gắn với lịch sử phát triển cộng đồng người Hoa trên đất Bình Dương. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, những lưu dân người Hoa lần lượt theo các đợt di dân đến Bình Dương an cư lạc nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp và buôn bán. Trong các đợt di dân đó, họ mang theo nghề gốm đến Bình Dương và dần dần lập nên những lò gốm ở một số địa phương. Từ lò gốm đầu tiên hình thành trên vùng đất Phú Cường xưa, sau đó xuống vùng Lái Thiêu, rồi đến Tân Phước Khánh, tạo thành 3 trung tâm gốm nổi tiếng tồn tại, phát triển trên đất Bình Dương, đó là: Chánh Nghĩa (thuộc Phú Cường xưa) thuộc TP.Thủ Dầu Một, Lái Thiêu thuộc TP.Thuận An và Tân Phước Khánh thuộc TX.Tân Uyên ngày nay.

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết cùng với thời gian, nghề gốm trên đất Bình Dương cũng trải qua những lúc thăng trầm khác nhau. Trong quá trình hình thành và phát triển, dòng chảy của gốm Bình Dương không gói gọn trong địa bàn tỉnh mà đã lan rộng ra khắp nơi. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, mà đỉnh cao là những thập niên 1930-1950, gốm dân dụng ở Bình Dương mang danh là gốm Lái Thiêu đi khắp Nam kỳ lục tỉnh. Chính con sông Sài Gòn từ bến Lái Thiêu xuôi dòng ngang vùng đô hội Sài Gòn - Gia Định và lan tỏa khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ đã đưa gốm Bình Dương phân phối khắp các vùng. Hình ảnh các thương thuyền chở gốm trên sông, các vựa, chành dày đặc trên bến sông đi vào tiềm thức nhiều thế hệ.

Từ năm 2004, để phát triển công nghiệp - đô thị và bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã quy hoạch và ban hành các chính sách khuyến khích di dời các cơ sở sản xuất gốm sứ lên Cụm công nghiệp Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên); đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thay đổi công nghệ lò nung, cụ thể là chuyển sang sử dụng lò gas, lò điện, sử dụng hệ thống lọc khói, xử lý chất thải. Việc di dời và thay đổi công nghệ đòi hỏi vốn tái đầu tư lớn và khó khăn về nguồn nhân lực, nên số lượng lò gốm ở Bình Dương đã giảm đáng kể. Hiện nay, lò nung truyền thống ở Bình Dương còn rất ít. Tuy nhiên, chính sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại đã tạo ra những cơ sở, công ty sản xuất gốm theo hướng công nghệ mới như Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long và nhiều thương hiệu khác ngày càng phát triển, tạo ra những sản phẩm chất lượng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Dù không còn phát triển ồ ạt như những giai đoạn hưng thịnh, nhưng nghề gốm ở Bình Dương hiện nay vẫn có những đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh nhà. Mặt khác, gốm sứ Bình Dương còn là một phần trong văn hóa của người Bình Dương từ vật chất cho đến tinh thần. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc bảo tồn và phát huy nghề gốm ở Bình Dương là hết sức cần thiết.

Bảo tồn giá trị nghề gốm

Ông Lê Văn Phước cho biết thêm, gốm Bình Dương là dòng gốm Nam bộ có những đặc trưng riêng tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng người tiêu dùng cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng. Vẻ đẹp của gốm Bình Dương quyết định bởi 4 yếu tố: “Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí”. Mỗi sản phẩm gốm ra lò là sự kết tinh của đất, nước, lửa và đôi tay khéo léo của người thợ. Gốm Bình Dương cũng khá đa dạng về loại hình sản phẩm, trong đó có các loại gốm sứ gia dụng; gốm sứ thờ cúng; gốm sứ trang trí; gốm sứ công nghiệp, xây dựng.

Theo ông Phước, lịch sử nhân loại luôn gắn liền với những đồ tạo tác của con người, nghề gốm và đồ gốm là một trong những yếu tố có thể đại diện phản ánh lịch sử của vùng đất Bình Dương nói riêng, Nam bộ và cả nước nói chung. Mặc dù nghề gốm ở Bình Dương bắt nguồn từ những lưu dân người Hoa đến định cư, nhưng khi bén rễ ở vùng đất mới Bình Dương, cùng với cư dân Việt xây dựng và phát triển nó trở thành một thương hiệu đặc trưng trong dòng gốm Nam bộ. Ở đó có sự gắn kết cộng đồng Việt - Hoa, trở thành nét lịch sử riêng của Bình Dương. Đồ gốm không chỉ là vật dụng thiết yếu của con người trong cuộc sống, mà còn là một trong những biểu hiện của văn hóa. Theo thời gian, khi những nền văn hóa, thời kỳ văn hóa lùi dần vào quá khứ thì những di vật gốm trở thành những vật chứng đáng tin cậy.

Tuy có lúc thịnh lúc suy, có lúc gián đoạn nhưng đến nay nghề gốm ở Bình Dương vẫn tồn tại và phát triển. Sản phẩm gốm luôn mang giá trị văn hóa, là văn hóa vật thể đồng thời hàm chứa những giá trị tinh thần, phi vật thể. Dù trải qua những lúc thăng trầm, nhưng cho đến nay nghề gốm ở Bình Dương vẫn không hề giảm đi giá trị, mà đã mang lại cho người dân Bình Dương những giá trị tinh thần và vật chất nhất định. Trong phát triển kinh tế, nghề gốm đóng góp sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu xuất khẩu, giải quyết việc làm, đóng góp GDP cho tỉnh nhà. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, nghề gốm ở Bình Dương đã hình thành nên văn hóa làng nghề truyền thống, hình thành văn hóa lễ hội, sự gắn kết 2 cộng đồng Việt - Hoa. Các cửa hàng gốm sứ, các nơi trưng bày sản phẩm gốm sứ ở Bình Dương hiện nay cũng trở thành những địa điểm níu chân du khách khi đến Bình Dương tham quan và mua sắm. Gốm sứ Bình Dương cũng đã đi khắp muôn nơi, trở thành sản phẩm quà tặng ý nghĩa của tỉnh cũng như của đất nước trong các sự kiện lớn hay trong các mối quan hệ ngoại giao hữu nghị khác.

Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghề gốm ở Bình Dương cả vật thể và phi vật thể, năm 2006, Lò lu Đại Hưng (TP. Thủ Dầu Một) đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Bình Dương cũng tổ chức sưu tầm, lưu giữ các sản phẩm gốm sứ Bình Dương qua từng thời kỳ và trưng bày giới thiệu với khách tham quan... Mới đây, nghề gốm ở Bình Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Ông Lê Văn Phước cho biết, khi nhận được thông tin này những người trong ngành bảo tồn văn hóa như ông hết sức vui mừng và những người gắn bó với nghề gốm sứ trên đất Bình Dương còn vui hơn gấp bội.

“Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng hơn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này trong thời gian tới. Dự kiến, trong tháng 6 tới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì phối hợp các địa phương tổ chức lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề gốm Bình Dương để tiếp tục giới thiệu, thông tin cho mọi người dân về tin vui này; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghề gốm ở Bình Dương trong hiện tại và tương lai”, ông Phước nói.

 Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, trong giai đoạn 1910- 1930, ở Bình Dương có khoảng 40 lò gốm với trên dưới 1.000 lao động; rồi tăng lên 117 lò gốm và 3.500 lao động vào năm 1975 và đến năm 1985 tăng lên 273 cơ sở gốm thu hút 6.700 lao động. Đến năm 2003, Bình Dương có 408 cơ sở sản xuất gốm sứ với 13.822 lao động. Năm 2007, có 450 công ty, xí nghiệp, cơ sở gốm sứ, thu hút khoảng 15.000 lao động...

 HỒNG THUẬN