TP.HCM: Nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ, thu hút du khách
(BDO)
Khách tham quan Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia trụ sở Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh được ghi nhận dẫn đầu ngành du lịch cả nước về doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2023. Kết quả này cho thấy ngành du lịch thành phố không ngừng nỗ lực bứt phá với những giải pháp hiệu quả trong thúc đẩy ngành phát triển bền vững và đồng hành cùng doanh nghiệp, các địa phương liên kết du lịch khai thác mọi cơ hội thị trường.
Phát huy thế mạnh tài nguyên bản địa
Phát huy vai trò là trung tâm kinh tế và điểm đến du lịch hấp dẫn, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đạt doanh thu 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngành du lịch thành phố đã đón hơn 16,4 triệu lượt khách nội địa, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022; lượng khách quốc tế đạt hơn 1,9 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, những con số này đã phản ánh sự nhộn nhịp trở lại của khách du lịch và đa dạng hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong nửa đầu năm 2023.
Cùng với đó, hoạt động của doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành thuận lợi khi đang vào mùa cao điểm trong năm vào dịp Hè 2023 và tâm lý không lo sợ COVID-19 bùng phát trở lại từ sau lễ 30/4 năm nay.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu lưu trú và ăn uống trên địa bàn thành phố đạt 51.073 tỷ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu lữ hành đạt 4.827 tỷ đồng, tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2023, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ, không chỉ gây ấn tượng mà còn tạo sức hút mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước.
Sở Du lịch tập trung khai thác thế mạnh du lịch bản địa gắn liền với tiềm năng địa phương để ra mắt hàng loạt điểm đến du lịch đặc trưng quận 7, hành trình đến di tích lịch sử văn hóa quận 1; vùng đất của những câu chuyện quận 8...
Mới đây, sản phẩm du lịch “Quận 4 - Cù lao giữa lòng phố thị” do Ủy ban Nhân dân quận 4 phối hợp Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt khảo sát, xây dựng đã được giới thiệu trong chương trình “Mỗi quận/huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng."
Sản phẩm này, mang đến cho du khách hành trình tham quan Bến Nhà Rồng-Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Thành phố năm 2011 - địa danh lịch sử có ý nghĩa đặc biệt, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Du khách có thể ngắm nhìn Thành phố Hồ Chí Minh tại Cầu Mống - một trong những công trình kiến trúc cổ xưa nhất Sài Gòn; du ngoạn sông Sài Gòn ngắm hoàng hôn, thưởng thức trà chiều trong điệu nhạc dân tộc...
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 4 Đỗ Thị Trúc Mai cho biết quận đã khảo sát và xây dựng kế hoạch ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm giới thiệu, quảng bá điểm du lịch đến với người dân, du khách trong và ngoài nước. Từ đó, chính quyền địa phương đồng hành tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành có nhiều lựa chọn nghiên cứu sản phẩm du lịch mới, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Tiếp tục nắm bắt đà tăng trưởng
Nhiều du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá trong nửa đầu năm 2023, ngành du lịch thành phố đã đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới mà sau khi trải nghiệm, họ muốn được giới thiệu đến gia đình, người thân, bạn bè...
Có thể kể đến sản phẩm du lịch gắn kết với khai thác giá trị văn hóa, lần đầu tiên triển khai là chương trình tham quan Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia Trụ sở Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày. Tour tham quan Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp ga tàu điện Metro Nhà hát thành phố cũng góp phần tăng thêm độ nhận diện thương hiệu thành phố, thể hiện sự thân thiện, cởi mở và hướng đến sản phẩm du lịch bản địa.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, việc trên địa bàn có 21 địa phương ra mắt sản phẩm đặc trưng đã khẳng định ý nghĩa của chương trình “Mỗi quận/huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng."
"Tại thời điểm phát động chương trình "Mỗi quận huyện có một sản phẩm đặc trưng," ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã bổ sung thêm 60 tour tuyến sản phẩm mới. Trong thời gian tới, Sở Du lịch thành phố đề nghị và khuyến khích Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục phát huy lợi thế địa phương, gồm: sản phẩm đặc trưng ngành nghề như “nghề đóng giày”; du lịch ẩm thực đa dạng..., liên kết giữa các địa phương lân cận, nhằm tiếp thêm động lực phát triển cho du lịch thành phố, tạo sự lan tỏa, nâng cao hoạt động thu hút khách du lịch," ông Lê Trương Hiền Hòa chia sẻ thêm.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành du lịch thành phố định hướng chú trọng triển khai Chiến lược Phát triển du lịch thành phố đến năm 2030; tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.
Ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch và dự án tích hợp thông tin dịch vụ du lịch. Đặc biệt, Sở Du lịch thành phố tập trung tổ chức phong phú hoạt động, sự kiện trọng tâm, gồm: Lễ hội Sông nước lần thứ 1; Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 17; Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023...
Trong hợp tác du lịch, thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả liên kết du lịch vùng với các tỉnh, thành phố theo kế hoạch, trọng tâm là Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Thành phố tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam-Thành phố Hồ Chí Minh tại nước ngoài tại một số thị trường trọng điểm như Singapore, Hoa Kỳ./.
Theo TTXVN