Thu hút du khách quay lại Việt Nam nhiều lần

Thứ tư, ngày 05/04/2023

(BDO) Du lịch Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ với nhiều điểm đến thường xuyên lọt tốp những điểm đến đáng trải nghiệm nhất thế giới, đồng thời cũng liên tục được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế uy tín. Song đáng tiếc, tỷ lệ khách "một đi không trở lại" vẫn khá cao. Làm thế nào để cải thiện tình trạng này là đòi hỏi đặt ra đối với ngành du lịch nước ta trong bối cảnh cần bảo đảm sự tăng trưởng bền vững.

Du khách tham quan Khu di tích Tháp Bà Ponagar tại Khánh Hòa.

Chia sẻ tại tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế" vừa được Báo Đầu tư tổ chức tại Hà Nội, Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro, Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Trường đại học RMIT Việt Nam thẳng thắn cho biết: Đa phần khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đánh giá về một đất nước tươi đẹp, nhưng rồi số lượng người quay trở lại vẫn ít.

Nêu dẫn chứng, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính đưa ra con số: Tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam chỉ là 25-30%, nhưng với Thái Lan là hơn 70%. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước khi khẳng định lợi thế cạnh tranh, sức hấp dẫn của điểm đến.

Trong khi đó, trên thực tế, với sự giàu có về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, Việt Nam có đầy đủ thế mạnh phát triển đa dạng nhiều loại hình, sản phẩm, giúp du khách dù quay trở lại nhiều lần cũng vẫn có thêm những trải nghiệm mới.

Theo Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro, một trong những giải pháp quan trọng là phải thay đổi suy nghĩ của du khách rằng Việt Nam là điểm đến giá rẻ chỉ cần đến một lần trong đời, cần có chiến lược truyền thông tập trung để nhấn mạnh sự giàu có về cảnh quan, văn hóa và giá trị du lịch để thu hút du khách thích khám phá, có khả năng chi tiêu. Trong quá trình này, sự tham gia của các YouTuber, TikToker, Facebooker và từng người Việt Nam sẽ phát huy vai trò quan trọng.

Theo nhiều chuyên gia, để thu hút du khách đến với một quốc gia nhiều lần, trước tiên bản thân nước đó cần rộng cửa đón khách, có nghĩa những chính sách liên quan xuất nhập cảnh cần đơn giản, linh hoạt, tạo thuận lợi cho du khách ghé thăm.

Tuy nhiên, đây vẫn đang là "điểm nghẽn" tồn tại nhiều năm qua khiến du lịch Việt Nam khó cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Ông Martin Koerner, Trưởng Tiểu ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu tăng số lượng các nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn miễn thị thực, đồng thời tăng số lượng các nước được cấp thị thực điện tử.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện chất lượng dịch vụ tại các cửa khẩu, sân bay, bởi đây là điểm tạo ấn tượng đầu tiên khi du khách quốc tế đến và cũng là điểm tạo ấn tượng cuối cùng khi du khách rời đi.

Ông cho hay, có một số phản hồi của du khách liên quan thủ tục, thời gian xuất nhập cảnh quá lâu tại các sân bay quốc tế, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này dễ gây ra sự bất tiện, tâm lý khó chịu cho du khách, nhất là với các gia đình có người già, trẻ em hoặc doanh nhân có lịch trình dày đặc.

Ông chia sẻ, khi vừa đặt chân đến Thái Lan, du khách đã luôn bắt gặp nụ cười, vẻ mặt thân thiện của các cán bộ làm thủ tục xuất nhập cảnh, điều này khiến du khách cảm thấy được chào đón. Nhưng khi tới Việt Nam, nhiều nhân viên có vẻ mặt rất nghiêm túc, căng thẳng. Những điều này dễ tạo ấn tượng không thoải mái cho du khách, tác động đến việc họ có muốn quay lại lần nữa hay không.

Để giải quyết, Trưởng Tiểu ban Du lịch VBF gợi ý Việt Nam nên bổ sung thêm các làn di chuyển cho các nhóm hành khách đặc biệt, cũng như tăng số lượng nhân viên xuất nhập cảnh và máy quét, thay đổi cung cách đón tiếp, phục vụ du khách của các cán bộ, nhân viên làm thủ tục xuất nhập cảnh theo hướng thân thiện, cởi mở hơn.

Trên thực tế, du khách có nhu cầu du lịch thật sự thường quay lại điểm đến hơn một lần bởi điểm đến có khả năng mang lại những trải nghiệm đa dạng cho du khách, hoặc có thể mang đến những trải nghiệm thật sự ấn tượng mà những điểm đến khác không có.

Do đó, để hút du khách đến nhiều lần, vấn đề quan trọng là Việt Nam cần xây dựng được hệ thống sản phẩm phong phú, chất lượng dịch vụ tốt, đáp ứng được nhu cầu khác biệt của nhiều đối tượng du khách. Bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, Việt Nam cần có các giải pháp đồng bộ để định vị lại thương hiệu và sản phẩm du lịch theo hướng hấp dẫn hơn, phù hợp hơn với xu hướng du lịch của du khách đã có nhiều thay đổi sau đại dịch.

Bà đánh giá cao cách làm du lịch của Thái Lan - quốc gia luôn nằm trong tốp 10 nước thu hút khách quốc tế nhiều nhất thế giới với tỷ lệ khách quay trở lại rất cao. Mới đây, nước này đưa ra chiến lược A (Additional)-B (Brand New)-C (Combined), tập trung kết nối các thành phố du lịch quan trọng với những điểm đến mới, đẩy mạnh xúc tiến du lịch và kết hợp những điểm đến mới-cũ thành tua có định hướng bài bản. Nếu Việt Nam làm được điều này trên cơ sở xây dựng chính sách giá hợp lý sẽ thu hút được đông đảo du khách quốc tế tới khám phá những giá trị mới.

Bên cạnh yêu cầu xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh tiếp thị, truyền thông và chuyển đổi số du lịch, theo Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính, còn cần đặc biệt chú trọng tới công tác quản lý điểm đến nhằm nâng cao tỷ lệ khách quay trở lại Việt Nam, bảo đảm môi trường hoạt động du lịch lành mạnh.

Thời gian qua, không ít chuyện không hay liên quan tình trạng "chặt chém" của tài xế taxi, xích-lô, nhà hàng… đối với du khách, hay chuyện cướp giật, lừa đảo mà du khách gặp phải khi đi du lịch Việt Nam đã khiến ngành kinh tế xanh mất điểm trong mắt bạn bè quốc tế.

Những người trực tiếp gặp phải sự cố đương nhiên khó có khả năng quay lại Việt Nam, và bạn bè họ có lẽ cũng sẽ không lựa chọn điểm đến này vì không muốn bản thân gặp phải tình trạng tương tự. Dù những hiện tượng trên là không phổ biến nhưng trong thời đại 4.0, chúng có thể bị lan truyền mạnh mẽ, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định du lịch Việt Nam của du khách.

Vì thế, công tác quản lý điểm đến, giáo dục, truyền thông để nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách của những người làm du lịch và cung cấp các dịch vụ liên quan là một trong những yếu tố quyết định làm nên sức hấp dẫn điểm đến, thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam.

Thu hút nhiều khách đến đã khó, tìm cách lấy được tình cảm, ấn tượng của du khách về điểm đến để họ mong muốn và sẵn sàng quay trở lại càng khó khăn hơn. Nhưng đây là một trong những đích đến của nghệ thuật làm du lịch chuyên nghiệp mà Việt Nam cần hướng tới để khẳng định sức hấp dẫn của du lịch quốc gia trên đường đua quốc tế…

Theo NDO