Thêm yêu những con đường quê hương
(BDO) Cùng với những di tích lịch sử - văn hóa, những địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử, trên địa bàn, Bình Dương còn có những con đường chứa đựng nhiều ý nghĩa. Đó là những con đường giúp chúng ta cảm nhận được rất nhiều về tình yêu quê hương đất nước cũng như lòng tự hào dân tộc...
Tuyến “đường bản đồ” ở xã Thạnh Hội, TX.Tân góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ
Từ con đường trang trí gốm sứ
Con đường mang tên “Lào Cai” thuộc địa phận phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một được khánh thành, đưa vào sử dụng vào tháng 4-2019. Không phải tự nhiên mà tên của một tỉnh lại được lựa chọn để đặt tên cho một tuyến đường ngay trung tâm của tỉnh Bình Dương như thế, mà đó chính là để thể hiện tình cảm gắn kết giữa 2 tỉnh Bình Dương - Lào Cai từ xưa đến nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời kỳ kháng chiến, tỉnh Lào Cai đã cử hàng trăm người con ưu tú của mình lên đường tăng cường lực lượng hỗ trợ cho tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Họ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn kề vai, sát cánh cùng quân dân Bình Dương chiến đấu chống lại quân xâm lược và đã giành được những chiến thắng vẻ vang, góp phần cùng cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Vì thế, với người dân Bình Dương hay người dân Lào Cai, mỗi khi đến Bình Dương, có dịp đi ngang con đường này sẽ cảm nhận được tình cảm trân trọng mà 2 tỉnh luôn dành cho nhau và sẽ ra sức giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó nghĩa tình này ngày càng thắm thiết hơn.
Thông tin liên hệ: Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương Địa chỉ: 239 Thích Quảng Đ ức, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Điện thoại: (0274) 3 855 636 Website: dulichbinhduong.org.vn Email: ttxtdl@binhduong.gov.vn |
Có một điều khá thú vị ở con đường này nữa đó là sau một thời gian đưa vào sử dụng, đường Lào Cai đã được trang trí, tô điểm thêm nhiều sắc màu mới. Đầu năm 2021, trên đoạn đường này đã hình thành những cụm tượng sắp đặt (nghệ thuật tạo hình) được làm từ những sản phẩm gốm sứ, như: Lu, chậu, hình khối... Được biết, để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt này, người dân ở phường Chánh Nghĩa - một trong những cái nôi của nghề gốm trên đất Bình Dương xưa đã đóng góp ủng hộ về hiện vật cũng như thi công các tác phẩm nhằm tạo bộ mặt mới cho tuyến đường nghĩa tình này. Công trình bao gồm 8 tác phẩm ghi lại các công đoạn trong quá trình làm nên những sản phẩm gốm (bắt đầu từ đường Nguyễn Tri Phương), như: Vào lò, thành quả, chăm chỉ, thu hoạch, nét đẹp, xoay lu, hạnh phúc và mừng xuân Tân Sửu 2021.
Đây cũng là một trong những cách để người dân Chánh Nghĩa giới thiệu với du khách gần xa về nghề truyền thống của địa phương mình thông qua những tác phẩm được bày trí đơn giản, gần gũi, dễ hiểu trên tuyến đường này.
Đến con “đường bản đồ” độc đáo
Nếu có dịp về với vùng quê yên bình, êm ả cù lao Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, chắc hẳn mọi người sẽ rất ấn tượng khi đặt chân đến con đường “có một không hai” ở đây, đó là con đường bản đồ.
Con đường nhỏ chạy ngang trước nhà ông Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Hội giờ đây đã được khoác lên mình “bộ áo mới” rất đặc biệt. Cũng uốn lượn quanh co, nhiều cây xanh mát mẻ hai bên như bao con đường làng quê khác, nhưng đặc biệt ở chỗ là nó được tô điểm bằng những tấm bản đồ thể hiện chủ quyền biển đảo Việt Nam được làm từ gốm sứ. Bộ bản đồ này chính là “tài sản” giá trị mà ông Mai Sông Bé đã vận động nhà tài trợ để thực hiện trong thời gian còn công tác. Sau khi nghỉ hưu, về quê an dưỡng tuổi già, ông đã mang theo nó về đây để dành tặng cho quê hương mình. Điều mong muốn của ông khi thực hiện tuyến đường bản đồ gốm sứ này là nhằm góp phần giáo dục cho người dân địa phương, thế hệ trẻ hiểu thêm về chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - là một phần máu thịt thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Tuyến đường bản đồ gốm sứ dài khoảng 500m, có 40 bản đồ làm bằng chất liệu gốm sứ được đặt trên khung sắt, bố trí cách mặt đất khoảng 1m. Ông Mai Sông Bé cho biết, tất cả bản đồ này đều được trích ra từ quyển sách “Hoàng Sa - Trường Sa, Luận cứ và sự kiện” của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc. Để những tấm bản đồ này tồn tại lâu hơn với thời gian, ông đã chọn chất liệu gốm sứ để thể hiện. Mỗi tấm bản đồ được làm bằng chất liệu gốm sứ và nung ở nhiệt độ 1.2500C nên đường nét rất rõ ràng.
Sau khi tuyến đường bản đồ này được khánh thành vào tháng 4-2019, ngoài người dân địa phương, có rất nhiều người ở các lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên ở các nơi cũng tìm về đây để chiêm ngưỡng những tấm bản đồ gốm sứ độc đáo cũng như tìm hiểu thêm về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Mỗi ngày trôi qua lại có thêm nhiều người đến đây ngắm nhìn những tấm bản đồ, tìm hiểu chủ quyền biển đảo quê hương. Dù đôi khi phải làm “người thuyết minh bất đắc dĩ” nhưng ông Mai Sông Bé vẫn thấy lòng mình hân hoan vô cùng.
Việc đặt những tấm bản đồ chủ quyền biển đảo Việt Nam không chỉ góp phần tô điểm cho tuyến đường quê hương, mà còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, lòng tự hào dân tộc hết sức sâu sắc cũng như để quý trọng những giá trị mà các thế hệ cha anh đã dày công giữ gìn, bảo vệ qua bao đời nay đối với người dân Thạnh Hội nói riêng cũng như mỗi người dân Việt Nam nói chung khi có dịp đến đây.
HỒNG THUẬN