Thăm lại Di tích Dinh tỉnh trưởng Phước Thành
(BDO)
Một góc trung tâm huyện Phú Giáo hôm nay
Huyện Phú Giáo cách TP.Thủ Dầu Một khoảng 50km về phía bắc và đông bắc. Là vùng đất cao nguyên rộng lớn lượn sóng từ thấp đến cao cách mặt nước biển từ 60 - 70m, cùng với hệ thống sông suối tương đối dày đặc với một con sông lớn chảy qua địa phận huyện Phú Giáo là sông Bé. Khi đến với Di tích Dinh tỉnh trưởng Phước Thành, bạn cũng có thể ghé thăm và chụp hình với Di tích Cây cầu gãy sông Bé. Cây cầu gãy sông Bé bắc qua sông Bé, nối liền 2 xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa thuộc huyện Phú Giáo. Cây cầu là minh chứng lịch sử hào hùng của quân dân Sông Bé - Bình Dương. Đây là một trong những di tích, địa danh nổi tiếng mà các bạn trẻ hay tìm đến chụp hình lưu niệm cùng bạn bè, người thân.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn và là nơi giáo dục về truyền thống chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, năm 2005, Di tích Dinh tỉnh trưởng Phước Thành được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. |
Trở lại với Di tích Dinh tỉnh trưởng Phước Thành, theo lời giới thiệu của cán bộ thuyết minh tại phòng truyền thống nơi này, Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành trước đây được xây dựng theo Sắc lệnh 143 ngày 22-10-1954 của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Khi mới thành lập, tỉnh lỵ Phước Thành có 3 quận: Tân Uyên, Phú Giáo và Hiếu Liêm. Trung tâm Hành chính của tỉnh Phước Thành cũ được đặt tại thị trấn Phước Vĩnh, quận Phú Giáo và dinh tỉnh trưởng là cơ quan đầu não của tỉnh lỵ Phước Thành. Tỉnh Phước Thành thực chất là một căn cứ quân sự của chế độ Việt Nam Cộng hòa, được xây dựng khá quy mô, là tuyến phòng ngự chủ yếu bảo vệ phía bắc Sài Gòn, vừa làm bàn đạp tấn công Chiến khu Đ, vừa làm nhiệm vụ bình định đàn áp phong trào cách mạng đang phát triển.
Đến năm 1961, sau chiến thắng Phước Thành vào đêm 17 rạng sáng 18-9, tỉnh lỵ Phước Thành bị xóa sổ khỏi bản đồ hành chính của chính quyền ngụy Sài Gòn. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nơi đây là xã Phước Vĩnh thuộc huyện Tân Uyên. Chiến thắng Phước Thành là nỗi kinh hoàng của ngụy quân ngụy quyền lúc bấy giờ. Trận đánh lịch sử này đã tạo nên một cục diện mới mà nhiều tướng lĩnh Mỹ khi nói về chiến tranh Việt Nam đều nhắc đến trận Phước Thành. Tài liệu mật Lầu Năm Góc của Mỹ cũng xác nhận: Trận tiến công lớn nhất có tác dụng làm cho Sài Gòn nhốn nháo là trận đánh chiếm Phước Thành, một tỉnh lỵ cách Sài Gòn khoảng 55km và thực sự chiến thắng Phước Thành là tiếng còi báo hiệu sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ áp dụng tại Việt Nam giai đoạn 1960- 1965.
Đến cuối năm 1999 đầu năm 2000 huyện Phú Giáo được thành lập trên cơ sở tách huyện Tân Uyên thành 2 huyện Phú Giáo và Tân Uyên. Năm 2001 đến năm 2004, Dinh tỉnh trưởng Phước Thành được tu sửa làm trụ sở hành chính huyện, là một chứng tích chiến tranh với nhiều sự kiện trọng đại có ý nghĩa chính trị to lớn. Nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống của huyện nhà. Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Giáo đã tu sửa, làm nhà truyền thống và đi vào hoạt động từ năm 2005 đến nay.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Giáo, lãnh đạo Đảng và chính quyền huyện Phú Giáo luôn quan tâm đến đời sống văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa cũng như bảo tồn, trùng tu các di tích văn hóa - lịch sử các cấp để phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao của người dân. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được thực hiện đồng bộ từ cấp huyện, thị trấn đến các xã. Trung tâm văn hóa - thể thao, học tập cộng đồng ở các địa phương phục vụ khá tốt cho nhu cầu thưởng thức văn hóa, rèn luyện sức khỏe cũng như phục vụ cho việc hội họp của người dân ở địa phương. Các di tích lịch sử, trung tâm văn hóa - thể thao, nhà thiếu nhi… là những nơi để tổ các hoạt động văn hóa, văn nghệ lớn hàng năm cũng như các lễ hội của địa phương được người dân đồng thuận, tham gia nhiệt tình.
Phú Giáo hiện này là một huyện phát triển nông thôn mới với các mục tiêu đã đạt và vượt kế hoạch, cuộc sống của người dân ngày càng đổi thay, sung túc hơn. Dấu vết của một vùng chiến khu, đầy bom đạn ngày xưa không còn nữa mà thay vào đó là một màu xanh của cây trái bạt ngàn. chiến thắng Phước Thành cũng là kết tinh của sức mạnh truyền thống, đồng thời là một đóng góp quan trọng tô điểm thêm truyền thống cách mạng của dân tộc ta. Với chiến thắng Phước Thành mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. r
QUỲNH NHƯ