Quốc hội Việt Nam đồng hành cùng dân tộc- Bài 5
(BDO) Bài 5: Khẳng định vị trí, vai trò đại biểu nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất
Thời kỳ từ năm 1992 đến nay, Quốc hội hoạt động theo Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Với 6 khóa hoạt động, Quốc hội đã ban hành nhiều luật, bộ luật, nghị quyết để thể chế hóa đường lối của Đảng theo nghị quyết các kỳ đại hội Đảng; đồng thời quyết định các vấn đề hệ trọng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đất nước đột phá, phát triển.
Tại kỳ họp thứ 6 (ngày 28- 11-2013), Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền, tạo động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV
Quốc hội các khóa XII, XIII và XIV, thông qua hoạt động lập pháp đã ban hành nhiều đạo luật và nghị quyết quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hoạt động giám sát ngày càng thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước; nội dung giám sát mang tính thiết thực, bao trùm hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.
Việc quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước tiếp tục được đưa vào nghị trường, sôi nổi bàn luận, góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách, ngày càng thực chất hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo ra những tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điển hình là: Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030... Việc đổi mới cách thức thảo luận từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận” đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến xây dựng và tăng cường niềm tin của cử tri, của nhân dân đối với Quốc hội.
Cùng với đó, hoạt động đối ngoại của Quốc hội được đẩy mạnh, góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Việc đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132) tại Hà Nội tháng 3-2015 và Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) năm 2018, là những sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa lịch sử ngoại giao hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Quốc hội nước ta, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, năm 2020, Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA và tổ chức Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội Các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA-41) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã thể hiện vai trò là thành viên chủ động, tích cực, đối tác tin cậy và trách nhiệm của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần quan trọng duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi mặt của đời sống xã hội, đã và đang tạo ra những tiền đề quan trọng để đưa đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta còn cam go, phức tạp, lâu dài. Các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển trên con đường hội nhập.
Những thuận lợi, khó khăn nêu trên, đặt ra cho Quốc hội, trước hết là Quốc hội khóa XV tới đây sứ mệnh to lớn, đó là phải khẩn trương thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua thành pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa chủ trương, chính sách đó vào cuộc sống; đồng thời giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, đó là việc khôi phục nền kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, đối phó với chiến tranh phi truyền thống, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.
Những nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục phát huy, kế thừa thành tựu của các khóa trước để thật sự trở thành biểu tượng sức mạnh và trí tuệ của nhân dân; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
ĐÀM THANH (thực hiện)