Quốc hội Việt Nam đồng hành cùng dân tộc- Bài 2

Thứ năm, ngày 11/03/2021

(BDO) Trong giai đoạn 1946 đến 1960, Quốc hội nước ta đã cùng với dân tộc trải qua nhiều khó khăn gian khổ để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong năm 1946, Quốc hội đã có những hành động quyết liệt để đoàn kết, thống nhất dân tộc, chống thù trong giặc ngoài, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Tiếp đó, trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, Quốc hội đã cùng với nhân dân thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, quyết liệt trên các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa...

“Trao quyền bính” để tổ chức kháng chiến

Quốc hội khóa I (1946- 1960) với 12 kỳ họp đã có những đóng góp vô cùng to lớn vào việc xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong thời kỳ này, Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và “trao quyền bính cho chính quyền ấy”, bảo đảm cho Chính phủ đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Các đại biểu dự kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội (ngày 2-3-1946). Ảnh: TƯ LIỆU

Tại kỳ họp thứ nhất vào ngày 2-3-1946, Quốc hội khóa I đã thực hiện những nhiệm vụ của cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ thể là nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho Chính phủ khai mạc và báo cáo những công việc đã làm được trong thời gian trước đó; biểu quyết thông qua danh sách các thành viên Chính phủ liêp hiệp kháng chiến gồm 12 người, lập ra Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội; bầu Ban Thường trực Quốc hội và quyết định khi Chính phủ muốn tuyên chiến hay đình chiến bắt buộc phải hỏi ý kiến Ban Thường trực Quốc hội.

Quốc hội khóa I bầu cử ngày 6-1-1946. Tổng số đại biểu là 403. Cơ cấu thành phần của Quốc hội khóa I: Trí thức (61%), công kỹ nghệ gia (0,6%), buôn bán (0,5%), thợ thuyền (0,6%), nông dân (22%).

Trong giai đoạn này, Ban Thường trực Quốc hội luôn ở bên cạnh Chính phủ để bàn bạc, tham gia các ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và giám sát phê bình Chính phủ về mọi công việc kháng chiến. Phù hợp với tình hình thực tế lúc đó, Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định: “Trong thời kỳ kháng chiến, vì tình thế khó khăn nên chỉ có Trưởng ban Thường trực Quốc hội ở cùng với Chính phủ để giúp và theo dõi đường lối chính trị, cùng với Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Các đại biểu Quốc hội sẽ tùy năng lực và địa vị mà tham gia vào mọi công tác kháng chiến”. Đây là một nét rất đặc biệt của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn này, đó là Quốc hội kháng chiến.

Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã xem xét và thông qua bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, 16 đạo luật và 50 nghị quyết; trong đó có những đạo luật quan trọng như Luật Cải cách ruộng đất, Luật Quy định quyền tự do hội họp, Luật Quy định quyền lập hội, Luật Bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân và Luật về chế độ báo chí. Đây là những đạo luật quy định những quyền tự do rất cơ bản của người dân.

Đơn cử như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 quy định nguyên tắc chung về kết hôn tiến bộ một vợ, một chồng; trách nhiệm và quyền lợi của vợ chồng, về quan hệ giữa cha mẹ và con cái và vấn đề ly hôn. Luật Bầu cử Quốc hội năm 1959 quy định tất cả “các công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử Quốc hội và từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội”.

Đầu năm 1947, chiến tranh ngày càng ác liệt, Ban Thường trực Quốc hội đã cùng với Chính phủ rời thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc. Từ tháng 4-1947 đến cuối tháng 7-1950, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội ở và làm việc tại các thôn thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đến đầu năm 1950, tổ chức Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội được hình thành rõ nét hơn. Theo đề nghị của Ban Thường trực Quốc hội, ngày 19-3-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 38/SL, cử bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng giữ chức Chánh văn phòng Ban Thường trực Quốc hội.

Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ

Trong giai đoạn từ 1954 đến 1960, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm chia thành 2 miền Bắc - Nam. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã cùng với nhân dân Việt Nam đồng thời tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau. Miền Bắc sau khi giải phóng đã bước vào thời kỳ khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế và văn hóa theo con đường xã hội chủ nghĩa. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.

Từ năm 1954-1960, Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Những năm đầu sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Quốc hội cũng đã thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến dần từng bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Đánh giá về công lao to lớn của Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân, vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu nhân dân”. (còn tiếp)

Hiến pháp năm 1946- “vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông”
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I diễn ra từ ngày 28-10 đến tháng 11-1946, Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Hiến pháp năm 1946 với 240/242 đại biểu biểu quyết tán thành.
Đánh giá về ý nghĩa của việc ban hành bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, đó là “một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông... Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới, nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do..., phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do đó của một công dân, Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bằng của giai cấp”.
Hiến pháp năm 1946 khẳng định: Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Quan điểm này còn tiếp tục được thể hiện tại Điều 21, Hiến Pháp năm 1946: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”.
Trong Hiến pháp năm 1946, thẩm quyền của Quốc hội được quy định chung tại Điều 23: “Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài”. Ngoài quy định chung tại Điều 23, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội còn được thể hiện tại Điều 25: “Nghị viện không chỉ thay mặt cho địa phương mình mà còn thay mặt cho toàn thể nhân dân”.

ĐÀM THANH (thực hiện)