Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng- Bài 5

Thứ sáu, ngày 20/12/2024

(BDO) Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, tháng 3-1957, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (mở rộng) ra nghị quyết về vấn đề xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, nghị quyết chỉ rõ: “Phương châm xây dựng quân đội của chúng ta là tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước đến chính quy hóa và hiện đại hóa”.

Xây dựng quân đội mạnh

Trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chúng tôi đến thăm Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé. Hiện ông đang sinh sống tại phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Cuộc đời binh nghiệp của ông đã trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, rồi tham gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Năm 1954, sau khi thực dân Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước tạm thời bị chia thành 2 miền Nam - Bắc. Ông được tổ chức phân công ở lại địa phương để tham gia hoạt động đấu tranh chính trị, đòi thực thi Hiệp định Giơnevơ, tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Theo lời ông kể, ở miền Nam, trong những năm 1954- 1960, Mỹ - Diệm thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (1- 1959) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. Chấp hành nghị quyết của Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng quân đội. Đến năm 1960, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh với tổ chức chưa thật thống nhất, vũ khí, trang bị còn thiếu thốn đã trở thành quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng: Lục quân, hải quân, phòng không - không quân. Đây là bước phát triển rất quan trọng, tạo nền móng cho xây dựng quân đội tiến tới chính quy, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đoàn lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Song song đó, việc chuẩn bị cho bộ đội ta vào miền Nam chiến đấu cũng được xúc tiến. Theo đó, Sư đoàn 338 bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc đã được tập trung huấn luyện trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Ngày 19-5-1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở đường dọc dãy Trường Sơn bảo đảm cho lực lượng ta vào Nam chiến đấu và vận chuyển lương thực, súng đạn từ miền Bắc vào miền Nam. Tiếp đó, Đoàn 759 cũng được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam theo đường biển.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng ban Liên lạc Truyền thống B.90-C.200-C.270 đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương, cho biết trên cơ sở Đoàn 559, Bộ Quốc phòng và Ban Thống nhất Trung ương tổ chức thành lập Đoàn B90 để thực hiện nhiệm vụ mở đường về Nam bộ, xây dựng hành lang chiến lược nối liền hai chiến trường Nam Tây nguyên và Đông Nam bộ. Cùng thời điểm này, Xứ ủy Nam bộ chỉ đạo Liên Tỉnh ủy miền Đông tổ chức thành lập đơn vị C200 và C270 mở đường từ Chiến khu Đ ra Nam Tây nguyên để bắt liên lạc với Đoàn B90. Gần một năm trời mò mẫm xây dựng từng cơ sở, “vạch lá, bẻ cò” để mở đường, Đoàn B.90 của miền Bắc và C.200 ở miền Nam đã bắt liên lạc được với nhau khu vực vàm sông Đak R’Tih, TX.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Từ đây chấm dứt tình trạng chiến trường bị chia cắt, hình thành một vùng chiến lược quân sự, cửa ngõ tiến quân vào Sài Gòn, hang ổ cuối cùng của Mỹ - Ngụy, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc đọ sức quyết liệt giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đó là một trong những cuộc chiến tranh giải phóng lâu dài nhất, lớn nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Xét toàn cục về mặt chiến lược, nó được chia làm hai giai đoạn cơ bản: Giai đoạn một từ năm 1954-1973 “đánh cho Mỹ cút”; giai đoạn hai từ năm 1973-1975 “đánh cho ngụy nhào”, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sáng 30-4-1975, quân ta tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt; 10 giờ 45 phút, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Từ cao trào “Tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt”, quân và dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê, cho biết để sớm kết thúc chiến tranh, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 4-3-1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11- 3-1975, quân ta tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột; tiếp đó giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây nguyên.

Sau chiến dịch Tây nguyên, quân ta mở tiếp các chiến dịch tiếp theo và giành thắng lợi. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26-4, quân ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng, do các Quân đoàn 1, 2, 3, 4, Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8) đảm nhiệm. 17 giờ ngày 26-4, chiến dịch bắt đầu.

Thượng tướng, Tiến sĩ khoa học quân sự Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 27 (Quân đoàn 1), cho biết đầu năm 1975, Trung đoàn 27 hành quân thần tốc, vượt 1.700km từ Quảng Trị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời khắc lịch sử ngày 30-4, nếu không có tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn và những thông tin mà bà Huỳnh Thị Sáu (tên thường gọi má Sáu Ngẫu) ở phường An Thạnh, TP.Thuận An, cung cấp kịp thời, có lẽ đến hôm nay, lịch sử anh hùng của Trung đoàn 27 đã phải viết lại. Vì vậy, dịp 30-4 hàng năm, các cựu chiến binh Trung đoàn 27 vượt hàng ngàn cây số từ mọi miền của Tổ quốc về đây để cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và dâng hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu, bà má miền Nam có công với nước, với trung đoàn…

Sáng 30-4-1975, quân ta tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt; 10 giờ 45 phút, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Song song với các cuộc tiến công trên bộ giành thắng lợi, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tranh thủ thời cơ, mưu trí, táo bạo, bất ngờ tiến công lần lượt giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia ở quần đảo Trường Sa.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của quân đội ta cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện trọn vẹn di nguyện của Bác Hồ kính yêu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”…

Còn tiếp...

THU THẢO