Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng- Bài 4
(BDO) Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ, cùng nhân dân cả nước nhất tề đứng lên, quyết chiến đấu với quân xâm lược.
“Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12- 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã anh dũng tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Đêm 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta đã đánh hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Mùa xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc, nơi đây trở thành trung tâm chỉ đạo kháng chiến của cả nước.
Di tích đồi A1, một cứ điểm giao tranh ác liệt giữa ta và địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: ĐÀM THANH
Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp huy động hơn một vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, bất ngờ tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Sau hơn hai tháng mở chiến dịch phản công (7- 10 đến 20-12-1947), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch. Sau chiến dịch Việt Bắc năm 1947, quân đội ta đã có bước trưởng thành. Từ đầu năm 1948 đến giữa năm 1950, bộ đội ta liên tiếp mở trên 20 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường. Từ giữa năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương rút các đại đội độc lập về xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Trong các năm 1948, 1949 và đầu năm 1950, lực lượng vũ trang (LLVT) của ta không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh.
Đại tá NGUYỄN ĐÌNH CHUẨN, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của quân và dân Thủ Dầu Một - Bình Dương dưới sự lãnh đạo của Đảng là một trong những trang sử vẻ vang nhất của Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một - Bình Dương. Đó là cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng, huy động sức mạnh tất cả các lực lượng yêu nước tham gia, góp phần đáng kể cùng cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của một nước đế quốc có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn hơn ta nhiều lần. Đó là thắng lợi của đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, đánh địch ở cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công, bằng cả lực lượng ba thứ quân; một cuộc chiến tranh luôn thể hiện tinh thần tiến công bằng mọi hình thức, tiến công từ nhỏ đến lớn, giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Một trong những nhân tố tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp là chúng ta đã xây dựng và phát triển được LLVT ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đây là một loại hình tổ chức quân sự độc đáo và ưu việt của chiến tranh nhân dân. Xây dựng và phát triển LLVT ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc phản ánh tính chất toàn dân và ưu thế nổi bật của tổ chức quân sự trong chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện và tự lực cánh sinh. Suốt thời kỳ tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), phương thức tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân thể hiện rõ ràng, mỗi làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi chi bộ Đảng là một bộ tham mưu… THU THẢO (ghi) |
Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới, chủ động tấn công Pháp. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, phá vỡ thế bao vây, khai thông liên lạc với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới. Chiến thắng Biên giới góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh: Ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, quân Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự.
Sau chiến dịch Biên giới, các đại đoàn chủ lực tiếp tục được thành lập. Trong vòng 6 tháng (12-1950 đến tháng 6-1951), ta đã liên tiếp mở ba chiến dịch mang tên: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung. Tiếp đó, Bộ Chính trị quyết định mở các chiến dịch Hòa Bình (tháng 11-1951), chiến dịch Tây Bắc (tháng 9-1952), nối thông vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch. Ngày 5-12- 1952, tại Bình - Trị - Thiên, Đại đoàn 325 được thành lập, góp phần tăng thêm sức mạnh chiến đấu của “các quả đấm chủ lực cách mạng”. Tính đến thời điểm này, đội quân chủ lực trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh đã có 6 đại đoàn bộ binh (308, 304, 312, 320, 316, 325) và 1 đại đoàn công binh, pháo binh (351)…
“Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng…”
Trước những thay đổi cục diện chiến tranh ở Đông Dương, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, tháng 9-1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường. Ta đã hình thành năm đòn tiến công chiến lược tại Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Tây nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, buộc chúng phải căng ra đối phó ở khắp nơi.
Sau khi thực dân Pháp đổ quân đánh chiếm Điện Biên Phủ, trước thời cơ thuận lợi, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ diễn ra 3 đợt: Đợt 1 từ ngày 13-3 đến 17-3-1954; đợt 2 từ ngày 30-3 đến 30-4-1954 và đợt tiến công thứ 3 bắt đầu từ ngày 1-5 đến 7-5-1954.
Sau 56 ngày đêm (13-3 đến 7-5-1954) liên tục chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay; thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam…
“Chín năm làm một Điên Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Hai câu thơ ấy của Tố Hữu vẫn sáng mãi với thời gian, thể hiện tầm vóc thời đại về chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”…
Còn tiếp...
ĐÀM THANH (thực hiện)