Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng- Bài 3
(BDO) Bài 2: “Ra quân đánh thắng trận đầu”
Bài 3: Cùng toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám
Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặc dù mới manh nha hình thành, nhưng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta gồm “ba thứ quân” đã thể hiện vai trò là nòng cốt, tiên phong, dẫn dắt, hỗ trợ đắc lực cho quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền…
Thống nhất các lực lượng vũ trang
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), cùng với sự phát triển của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ), Cứu quốc quân, hàng loạt đội du kích, tự vệ chiến đấu tiếp tục hình thành ở các chiến khu, các căn cứ cách mạng trong cả nước. Điển hình là Đội du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi) hình thành trong cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (3-1945); Trung đội giải phóng quân ra đời ở chiến khu Quang Trung (căn cứ cách mạng vững chắc của 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa ở Bắc bộ. Trước ngày Nhật đảo chính Pháp, ở 3 tỉnh này đã tổ chức được Ðội du kích Ngọc Trạo, Ðội du kích Quỳnh Lưu, Ðội du kích Nật Sơn) và Du kích cách mạng quân hình thành ở Chiến khu Trần Hưng Đạo… Các đội vũ trang này ngày càng phát triển trong cao trào chống Nhật cứu nước…
Chiều ngày 16-8-1945, dưới gốc đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh xuất quân giải phóng Thái Nguyên, từ đó tiến về Hà Nội, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ảnh: CAO SƠN
Để chuẩn bị một lực lượng vũ trang quy mô tổ chức lớn đón thời cơ chuyển lên tổng khởi nghĩa, Đảng gấp rút phát triển đội quân chủ lực, thống nhất VNTTGPQ với Cứu quốc quân và các đơn vị vũ trang cách mạng thành Việt Nam Giải phóng quân. Theo đó, ngày 15-5-1945, VNTTGPQ và Cứu quốc quân gặp nhau tại địa điểm đình làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Lực lượng ban đầu của Việt Nam Giải phóng quân gồm 13 đại đội (thống nhất từ Đội VNTTGPQ, Trung đội Cứu quốc quân) và các đội vũ trang tập trung ở các tỉnh, huyện. Việc ra đời của Việt Nam Giải phóng quân đánh dấu rõ nét sự trưởng thành của tư duy và chỉ đạo công tác quân sự của Đảng ta. Việt Nam Giải phóng quân cũng đánh dấu bước phát triển về quy mô tổ chức của lực lượng vũ trang cách mạng gồm ba thứ quân cơ bản được hình thành; trong đó các đơn vị VNTTGPQ và Cứu quốc quân hợp thành bộ đội chủ lực giải phóng quân; các đơn vị du kích tập trung của các tỉnh, huyện chuyển thành giải phóng quân địa phương và các đội du kích, tự vệ tổ chức ở các căn cứ vũ trang, từ miền Bắc vào miền Trung đến tận miền Nam…
“Đạp qua muôn trùng trở lực…”
Từ ngày 15 đến 20-4- 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang). Về quân sự, hội nghị quyết định chia toàn quốc thành 7 chiến khu, đề ra nhiệm vụ xây dựng Việt Bắc thành căn cứ địa chống Nhật kiểu mẫu để mở rộng chiến tranh du kích, sáp nhập một số tỉnh trung du và căn cứ địa Việt Bắc để làm vùng hoạt động du kích, bảo vệ căn cứ. Hội nghị quyết định thống nhất Cứu quốc quân, VNTTGPQ thành một lực lượng vũ trang thống nhất có tên gọi là Việt Nam Giải phóng quân để cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa. Hội nghị cũng đề ra những điểm cơ bản để xây dựng Việt Nam Giải phóng quân như thống nhất biên chế, thống nhất huấn luyện chính trị, quân sự; tổ chức công tác chính trị trong bộ đội, trau dồi kỷ luật... |
Ngày 13-8, nhận được tin phát xít Nhật bại trận và sắp đầu hàng Đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa: “... Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà. Mang nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn quốc cho đến toàn thắng, Ủy ban Khởi nghĩa đã thành lập”. Về nhiệm vụ của quân giải phóng, Quân lệnh ghi rõ: “Dưới mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, các bạn hãy tập trung lực lượng, kíp đánh vào các đô thị và trong trận của quân địch; đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng! Đạp qua muôn trùng trở lực các bạn hãy kiên quyết tiến!”…
Chiều ngày 16-8-1945, thi hành mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, lễ xuất quân được cử hành dưới bóng đa Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Có mặt trong lễ xuất quân là đơn vị chủ lực của quân giải phóng, hạt nhân là từ Đội VNTTGPQ. Gần 200 chiến sĩ quân giải phóng đứng thành hai hàng, trước mặt là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh bay phấp phới, các đại biểu về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào đến dự và tiễn đưa bộ đội đi chiến đấu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân, đoàn quân giải phóng rầm rập lên đường, tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội. Đoàn quân vừa đi vừa hát vang bài ca “Nam tiến”…
Đình làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nơi thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng, được coi là “Đại bản doanh” đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: CAO SƠN
Thực hiện mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh, Giải phóng quân cùng các đội du kích, tự vệ chiến đấu trở thành lực lượng quân sự quan trọng, cùng toàn dân tiến hành khởi nghĩa. Từ ngày 14 đến 18-8- 1945, lực lượng vũ trang đã hỗ trợ nhân dân nhiều địa phương tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các xã, huyện, tiến lên giải phóng thị xã. Đặc biệt, thắng lợi của khởi nghĩa ở các thành phố lớn Hà Nội (19- 8), Huế (23-8), Sài Gòn (25-8) đã đập tan sức kháng cự của quân Nhật và bọn tay sai, góp phần tác động mạnh tới các địa phương cả nước khởi nghĩa giành chính quyền…
Chỉ trong vòng gần hai tuần lễ cuối tháng 8-1945, bằng sức mạnh như vũ bão, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các ủy ban khởi nghĩa trực tiếp chỉ huy, lực lượng vũ trang “ba thứ quân” đã cùng nhân dân cả nước nổi dậy đánh đổ hoàn toàn phát xít Nhật và chính quyền tay sai, thiết lập nên chính quyền mới của nhân dân trên phạm vi cả nước
Còn tiếp...
ĐÀM THANH (thực hiện)