Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép” phía Nam: Xứng danh anh hùng

Thứ năm, ngày 13/11/2014

Kỳ 13: Xứng danh anh hùng

Trong cuộc trường chinh chống ngoại xâm vĩ đại của dân tộc, Quân đoàn (QĐ) 4 - Binh đoàn Cửu Long anh hùng đã ghi những chiến công oanh liệt vào trang vàng lịch sử. Biết bao thế hệ cha anh đã mãi mãi nằm xuống cho Tổ quốc tươi đẹp như hôm nay. Thật cảm động, khi mới đây Đại tá Phạm Tiến Dũng, Ủy viên Thường vụ, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh QĐ 4, cho biết trong kháng chiến chống Mỹ và 10 năm chiến đấu giúp bạn ở Campuchia, toàn QĐ 4 có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ ngã xuống. Uy dũng vô song và sự hy sinh mất mát vô cùng to lớn đều có ở QĐ 4. QĐ anh hùng đã sinh ra những người anh hùng mà tên tuổi của họ đã được lưu vào sử sách. Bài viết dưới đây chúng tôi kể về một con người như thế.

(BDO)

AHLLVTND Nguyễn Thành Ngưỡng (giữa) trong một lần giao lưu với tuổi trẻ QĐ 4

Tên anh là Nguyễn Thành Ngưỡng, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng: Xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Năm 1967, cuộc chiến chống Mỹ xâm lược đang bước vào giai đoạn ác liệt. Thanh niên cả nước theo tiếng gọi của Tổ quốc hăng hái lên đường tòng quân. Họ ra đi với một bầu máu nóng, quyết hy sinh cho Tổ quốc: Em hỏi anh đi về đâu?/ Anh ngoảnh về phương Nam, mang máng thế/ Phương trời xa tít tắp/ Nhưng ánh chớp đang nháy lên, nháy lên… Đó là những câu thơ nói về lý tưởng của thanh niên lúc bấy giờ.

Cuộc đời binh nghiệp của AHLLVTND Nguyễn Thành Ngưỡng gắn liền với những chiến công của Sư đoàn 9 - QĐ 4. Trong ảnh: Huấn luyện cho chiến sĩ mới ở Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 - QĐ 4

Nguyễn Thành Ngưỡng lúc bấy giờ mới 16 tuổi, chưa đủ tuổi đi bộ đội, nhưng thấy các anh, các chị đều ra mặt trận nên cậu quyết tâm viết thư tình nguyện lên đường. Trước tấm lòng nhiệt huyết cách mạng, cậu đã được gia nhập quân đội và biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 95C, Sư đoàn 325C (nay là Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, QĐ 4).

Tuy ít tuổi nhưng kể từ khi đứng vào hàng ngũ quân đội chàng trai Nguyễn Thành Ngưỡng đã nhanh chóng bộc lộ là một chiến sĩ nhanh nhẹn, dũng cảm. Từ năm 1967-1970, dấu chân của chiến sĩ Ngưỡng đã đi khắp những chiến trường ác liệt, bao trùm cả miền Nam Việt Nam. Từ chiến trường Quảng Trị anh lên Tây nguyên, rồi quay về miền Đông Nam bộ… chiến đấu liên tục với kẻ thù, cùng với đơn vị lập nên những chiến công hiển hách.

Mặc dù nay đã nghỉ hưu nhưng cựu chiến binh, anh hùng LLVT ND Nguyễn Thành Ngưỡng trông vẫn còn mạnh khỏe. Hôm gặp ông ở Bộ Tư lệnh QĐ 4, thấy ông rất hào sảng, khuôn mặt vẫn rắn chắc đậm nét can trường của người lính một thời vào sinh ra tử. Ông say sưa kể về quãng đời binh nghiệp đầy vinh quang và ác liệt của ông cùng đồng đội. Từng hồi ức cách đây mấy chục năm mà chúng tôi nghe như vừa mới diễn ra trong thực tại, sinh động và hấp dẫn. Ông nói, suốt những năm đánh Mỹ ông tham gia rất nhiều chiến trường, nhưng chiến trường Quảng Trị và Tây nguyên đã để lại trong ông nhiều ấn tượng nhất, bởi đây là những vùng đất cực kỳ ác liệt.

Để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đơn vị ông được lệnh tham gia chiến dịch Khe Sanh mà cụ thể là đánh vào cao điểm 832, một vị trí quan trọng của địch. Đây là trận đánh có ý nghĩa rất lớn nhằm góp sức cùng các đơn vị chủ lực khác kìm chân địch ở các chiến trường trọng điểm, tạo thế thuận lợi cho quân và dân ta trên toàn miền Nam Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Do tính chất quyết định của trận đánh nên toàn đơn vị cũng như cá nhân Nguyễn Thành Ngưỡng đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không ngại hy sinh. Sau gần 90 ngày đêm, trung đoàn của ông đã bao vây, tấn công, tiêu diệt địch ở các cao điểm 845, 832, Động sương mù, Làng Vây và sân bay Tà Cơn của địch, tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ - ngụy. Bắn cháy hàng chục xe tăng, máy bay, phá tan gọng kìm của địch, giam chân một lực lượng lớn Mỹ - ngụy ở Đường 9 - Khe Sanh, góp phần tạo thế bất ngờ cho các chiến trường miền Nam đánh địch.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh hồi đó đã gây nên một cơn “địa chấn” với nước Mỹ và dư luận quốc tế. Giới báo chí gọi trận đánh này là “Điện Biên Phủ thứ hai”. Quân ta đã siết chặt vòng vây, liên tục nhả đạn vào quân thù khiến chúng lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, muốn rút lui khỏi Khe Sanh cũng không được. Thảm cảnh đã gây ra sự hoang mang tột cùng với quân Mỹ - ngụy. Sau chiến dịch ác liệt này, chiến sĩ Nguyễn Thành Ngưỡng được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng II và danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, bằng khen, chiến sĩ thi đua trung đoàn…

Sau trận đánh, tháng 4-1968 đơn vị ông được lệnh rời Khe Sanh hành quân vào Tây nguyên. Trung đội trinh sát của ông bí mật đi tiền trạm nhằm chuẩn bị cho trận đánh mở màn chiến dịch vào cứ điểm Ngọc Hồi - Kon Tum. Căn cứ Ngọc Hồi được xây dựng rất kiên cố cho biệt kích ngụy và cố vấn Mỹ đồn trú, với mưu đồ do thám toàn bộ hoạt động của ta ở Tây nguyên và tuyến đường giao liên. Đêm 14-5-1968, Tiểu đoàn 3 được Tiểu đội của ông Ngưỡng dẫn đường bất ngờ tấn công cứ điểm Ngọc Hồi khiến địch không kịp trở tay. Với lực lượng pháo binh của ta yểm trợ vòng ngoài, sau 3 giờ chiến đấu, quân ta đã diệt gọn đại đội biệt kích 100 tên Mỹ - ngụy, riêng cá nhân ông Ngưỡng bắt sống 2 tên Mỹ. Sau chiến thắng Ngọc Hồi, đơn vị Nguyễn Thành Ngưỡng tiếp tục hành quân vào phía Nam Tây nguyên tấn công chi khu Đức Lập, Đắc Sắc, Đắc Tô… tổ chức những trận đánh xuất thần gây khiếp đảm cho quân thù. Tháng 10-1968, tổng kết chiến dịch Tây nguyên, trung đoàn ông đã tiến công tiêu diệt nhiều cứ điểm và hàng trăm tên địch, phá hủy hàng chục xe tăng, máy bay. Trong chiến dịch này, ông Ngưỡng đã diệt 20 tên Mỹ - ngụy, bắt sống hai lính Mỹ. Ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng I, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và được đi báo cáo thành tích tại Hội nghị chiến sĩ thi đua mừng công của sư đoàn.

Cuộc đời binh nghiệp của ông đầy gian lao và thử thách. Bằng tấm lòng yêu nước nồng nàn và sự căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Thành Ngưỡng đã được cách mạng, quân đội sớm giác ngộ đi theo con đường cứu nước, cứu dân. Cuộc đời và những chiến công của ông đã để lại hình ảnh vô cùng đẹp đẽ cho thế hệ mai sau noi theo. Tên ông đã trở thành niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ QĐ 4 hôm nay. Ông xứng danh là người con anh hùng của một quân đoàn anh hùng.

Kỳ 14: Bình Dương nhớ mãi tên anh

KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU