Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép” phía Nam: Người lính mặc blouse trắng
Kỳ 12: Người lính mặc blouse trắng
Trải qua 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn (QĐ) 4 sẵn sàng hy sinh tuổi xuân và cả máu xương để làm nên những chiến công chói lọi, tô thắm thêm lịch sử vẻ vang của QĐ. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, phát huy truyền thống hào hùng của cha ông, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ QĐ 4 vẫn không ngừng học tập, rèn luyện trở thành những con người ưu tú, cống hiến cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Câu chuyện dưới đây chúng tôi kể về một tấm gương sáng, đó là trung tá Nguyễn Thị Thảo, Điều dưỡng trưởng, Khoa khám bệnh, Bệnh viện QĐ 4. Chị được mọi người gọi với cái tên trìu mến “người chị cả của bệnh viện”.
Tận tâm với nghề
Chị Thảo tiếp chúng tôi trong phòng làm việc nằm kề khu vực khám bệnh. Căn phòng tuy không quá nhỏ nhưng có cảm giác như “chật” hơn với nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua… Đây là những sự ghi nhận công lao đóng góp của chị trong quá trình công tác tại Bệnh viện QĐ 4.
(BDO)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao giấy chứng nhận điển hình tiên tiến toàn quân học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013 cho Trung tá Nguyễn Thị Thảo. Ảnh: P.V
Nhập ngũ từ cách đây hơn 20 năm, sau khi hoàn thành khóa học y sĩ, chị Thảo về công tác tại Đội điều trị 4 (Bệnh viện QĐ 4 ngày nay). Lúc đầu chị là nhân viên phòng mổ của Đội điều trị. “Bây giờ Bệnh viện QĐ 4 đã được đầu tư nhiều thiết bị y tế hiện đại tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình khám chữa bệnh nhưng ngày ấy điều kiện máy móc rất thiếu thốn. Vì thế, công tác khám chữa bệnh hết sức khó khăn. Tuy nhiên, anh em đã đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ…”, chị Thảo nói.
Áp lực công việc nhiều nhưng chị Thảo (trái) thường xuyên dành thời gian thăm hỏi bệnh nhân. Ảnh: P.V
Trong 23 năm làm việc tại bệnh viện, chị Thảo đã có thời gian công tác tại phòng mổ, rồi khoa ngoại và bây giờ là khoa khám bệnh. Dù ở vị trí công tác nào, chị cũng luôn cố gắng khắc phục khó khăn, cùng tập thể tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ, cố gắng làm sao để bệnh nhân hài lòng nhất có thể. Chị Thảo cho biết, ở mỗi vị trí công tác đều có những khó khăn và thuận lợi riêng nhưng từ khi chuyển sang khoa khám bệnh, chị tự nhủ cần cố gắng hơn nữa. “Ở đây thường tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày nên không chỉ đòi hỏi về chuyên môn mà kể cả tác phong phục vụ bệnh nhân cũng phải được chú trọng, quan tâm…”, chị tâm sự.
Phải tiếp xúc với rất đông bệnh nhân và nhiều đối tượng khám bệnh khác nhau nên làm thế nào để thấu hiểu, gần gũi, sẻ chia với từng bệnh nhân và đôi khi cả người nhà bệnh nhân nữa là vấn đề không đơn giản. Điều này thực sự gây một áp lực đối với những y, bác sĩ thường tiếp xúc với bệnh nhân như chị Thảo. Theo số liệu thống kê của bệnh viện, số bệnh nhân đến khám đều tăng dần qua từng năm. Năm 2011 có 243.000 bệnh nhân đến khám tại bệnh viện, năm 2012 con số này là 269.000 và năm 2013 lên tới 281.707 bệnh nhân. Với vai trò là Điều dưỡng trưởng tại Khoa khám bệnh, trung tá Nguyễn Thị Thảo thường xuyên nhắc nhở các nhân viên bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn chú ý trau dồi kỹ năng giao tiếp, tác phong, thái độ phục vụ bệnh nhân để hạn chế những sai sót về nghiệp vụ cũng như tạo sự gần gũi với người bệnh.
Hết lòng với bệnh nhân
Trong câu chuyện với chúng tôi chị rất ít nói về những gì mình đã làm được mà luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ bệnh nhân cũng như cải cách các thủ tục hành chính trong đơn vị nhằm góp phần giúp người bệnh giảm bớt thời gian, tránh gây phiền hà. Trên thực tế, chị đã cùng với các đồng nghiệp cố gắng không ngừng để “hóa giải” những trăn trở đó.
Bệnh viện QĐ 4 đóng trên địa bàn TX.Dĩ An, ngoài chức năng chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và các đối tượng chính sách, bệnh viện còn tổ chức khám, chữa bệnh cho các đối tượng có BHYT và nhân dân. Nhiều năm qua, Bệnh viện QĐ 4 xây dựng, phát triển theo mô hình quân dân y kết hợp và hoạt động hiệu quả, trở thành địa chỉ tin cậy, là cơ sở y tế lớn tại địa phương được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Hiện Bệnh viện QĐ 4 có quy mô tương đương một bệnh viện tuyến tỉnh. Nằm trong khu vực có nhiều khu công nghiệp nên lượng công nhân đến khám chữa bệnh rất đông, có thời điểm bệnh viên rơi vào tình trạng quá tải. Thực tế đó khiến áp lực công việc ngày càng nặng hơn và khó có thể tránh được những điều làm bệnh nhân chưa hài lòng.
Ghi nhớ lời dạy của Bác, “Lương y phải như từ mẫu” nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải như một người mẹ hiền, chị Thảo luôn tự răn mình và nhắc nhở đồng nghiệp cố gắng nhiều hơn nữa, nhất là trong tiếp xúc với bệnh nhân. “Khi mình đặt mình vào vị trí bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì mình sẽ làm được nhiều cái tốt hơn cho họ, ví dụ như giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân tận tình… Đó là những cách gần gũi bệnh nhân và chia sẻ với họ nhiều hơn. Chính vì thế, trong khoa nhân viên được phân công rõ ràng, bắt đầu từ bàn hướng dẫn bệnh nhân về thủ tục giấy tờ; hướng dẫn bệnh nhân đến các phòng khám xét nghiệm cận lâm sàng; sau đó hướng dẫn lấy thuốc, uống thuốc để bệnh nhân yên tâm hơn…”, trung tá Nguyễn Thị Thảo cho biết.
Vừa qua, chị Thảo đã đề xuất và được lãnh đạo bệnh viện đồng ý cho thực hiện đề tài nghiên cứu khảo sát sự hài lòng của bệnh nhân, qua đó tiến hành khảo sát những ý kiến, kiến nghị của bệnh nhân khi đến khám và điều trị tại bệnh viện; đồng thời lấy ý kiến của cán bộ, y bác sĩ trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Từ thực hiện đề tài này, chị Thảo đã thống kê và gửi lãnh đạo bệnh viện rà soát lại các thủ tục hành chính, bỏ bớt những thủ tục không cần thiết, qua đó rút ngắn thời gian chờ đợi khám chữa bệnh. Đề tài của chị Thảo hiện được nhiều bệnh viện khác ở trong và ngoài tỉnh áp dụng. Chính nhờ những cải cách về thủ tục hành chính ở khoa khám bệnh nên lượt bệnh nhân đến khám đông nhưng vẫn bảo đảm trật tự, ít khi bệnh nhân đến khám phàn nàn về thái độ phục vụ tại khu vực đón bệnh nhân (Khoa khám bệnh). “Hàng ngày, khoa có rất nhiều công việc, có thể nói một nửa công việc của bệnh viện là ở khối khoa khám bệnh. Tuy nhiên, với chức năng là điều dưỡng trưởng đồng chí Thảo đã đã luôn nắm bám tình hình công việc hàng ngày để tổ chức phân công hợp lý cho đội ngũ điều dưỡng ở các khoa phòng, làm tốt thu dung cấp cứu và điều trị…”, đại tá Phạm Khắc Triệu, Chính ủy Bệnh viện QĐ 4 nhận xét về chị Nguyễn Thị Thảo.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn là Điều dưỡng trưởng, Khoa khám bệnh, chị Thảo còn đảm trách vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ B ệ n h viện QĐ 4. Với trên 200 hội viên, trong 4 năm liền, từ năm 2010 đến 2013, Hội Phụ nữ Bệnh viện QĐ 4 đã được Tổng cục Chính trị tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong hoạt động. Năm 2013, trung tá Nguyễn Thị Thảo được Quân ủy Trung ương chứng nhận là điển hình tiên tiến toàn quân, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chị cũng được QĐ 4 tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua quyết thắng giai đoạn 2009-2014.
“Khi mình đặt mình vào vị trí bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì mình sẽ làm được nhiều cái tốt hơn cho họ…”.
(Trung tá Nguyễn Thị Thảo, Điều dưỡng trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện QĐ 4)
Kỳ 13: Xứng danh anh hùng
ĐÌNH HẬU - KIẾN GIANG