Phố Cổ Hà Nội: Di sản Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm

Thứ sáu, ngày 02/04/2010

Với một diện tích không lớn, khoảng 100 ha, nhưng Phố Cổ Hà Nội có vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của thủ đô bởi chứa đựng một hệ thống giá trị lịch sử truyền thống, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, quy hoạch và kinh tế - xã hội to lớn. Nhiều du khách đã tìm đến với Phố Cổ Hà Nội để bị lôi cuốn bởi những mái ngói lô nhô, một cách duyên dáng, đôi mảng tường rêu phong, những ô cửa sổ chạm khắc hoa văn bé xinh. Đó cũng chính là linh hồn của Phố Cổ Hà Nội, là di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi.

Phố cổ Hàng Trống

Cùng với Kinh thành Thăng Long, dưới thời nhà Lý, nhà Trần, Phố Cổ Hà Nội bao gồm nhiều phường trong tổng 61 phường thời đó. Dưới thời Lê, đầu thế kỷ XVI, Hà Nội trở thành Đông Kinh, khắp nơi đổ về buôn bán làm ăn trong 36 phố phường lúc bấy giờ và dần dần nơi đây chính là khu Phố Cổ ngày nay. Nói đến Phố Cổ của Hà Nội là nói đến một quần thể không gian đô thị cổ; đó là mạng lưới phố nhỏ, ngõ nhỏ có hình thái tự nhiên với cách chia nhỏ mặt đứng kiến trúc đường phố. Cấu trúc của Phố Cổ Hà Nội thuộc loại hình kiến trúc có nguồn gốc dân gian. Đặc điểm dân gian thể hiện rất rõ trong cách tổ chức khu phố trên cơ sở đơn vị “Phường Nghề” với phương thức sản xuất, tổ chức xã hội và các thiết chế văn hóa tín ngưỡng và đương nhiên cả cách xây dựng có nguồn gốc từ nông thôn, mà ở đó phố xuất hiện sau phường.

Nét đặc trưng nhất của Phố Cổ là những ngôi nhà thấp, hẹp chiều ngang, nhưng rất dài, rất sâu xếp sát liền nhau - đó là những ngôi nhà ống, một biến thể của ngôi nhà nông thôn Việt Nam trong điều kiện đô thị. Ngôi nhà đô thị ở Phố Cổ không phát triển chiều cao mà phát triển chiều sâu với các lớp sân ngăn cách. Nói về Phố Cổ Hà Nội, nhiều người vẫn hình dung ra chiếc giếng khơi nằm trong sân, những tấm cửa gỗ, cái gác lửng và lan can gác tẩu mã ăn thông từ phố mặt nhà trước ra tới cổng hậu ở phố nhà sau. Cách chia lô đất xây dựng, cách phát triển ngôi nhà hình ống như thế đã tạo nên những đặc trưng khá riêng biệt của cấu trúc đô thị cổ của Hà Nội xưa. Ngoài nhà ở buôn bán của dân cư hiện còn 54 ngôi đình, 6 chùa, 22 đền, 3 miếu, tổng cộng là 85 công trình tôn giáo tín ngưỡng.

Phần lớn các công trình này có lịch sử khởi dựng cũng từ lâu mang dấu ấn của các phường xưa. Với lối kiến trúc thông dụng từ gỗ, gạch và các hệ kết cấu vì kèo gỗ của nhiều thời kỳ, các không gian đình, đền, chùa là không gian tâm linh mang tính cộng đồng, có mối quan hệ vô hình với các không gian tâm linh riêng của từng ngôi nhà trong khu vực này. Các không gian văn hóa cổ này từ khi khởi dựng đến nay vẫn đang hoạt động và ngày nay có xu hướng quay về với triết học phương Đông, coi trọng tâm linh.

Giữa phố Hàng Buồm đông đúc bán buôn, có ngôi đền Bạch Mã (đền thờ Ngựa trắng), trong quan niệm phương Đông cổ truyền, Ngựa trắng đồng nhất với Mặt trời mọc phương Đông. Chính vì thế, đền Bạch Mã được xếp vào hàng “Thăng Long tứ trấn” (4 điểm chốt trấn giữ thành Thăng Long xưa). Nơi đây trước kia có tên là phường Hà Khẩu - là cửa sông Tô Lịch thông với sông Hồng (2 dòng sông huyết mạch của Hà Nội cổ). Tại phố Hàng Đường, số nhà 38 hiện mới mọc lên một kiến trúc mô phỏng kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng - đó là ngôi chùa cổ có tên “Đông Môn Tự” - ngôi chùa làm chứng cho việc ngày xưa, cửa Đông của khu vực Hoàng thành mở ra gần chỗ này - một điểm chốt quan trọng của khu Phố Cổ. Ngoài ra, còn phải kể đến rất nhiều những đền thờ cổ có truyền thuyết từ lâu đời ở khu vực Phố Cổ Hà Nội như: đền thờ Lý Tiến tại số nhà 27 phố Hàng Cá (thờ Lý Thánh Tiến đã bị tử trận khi chống giặc Ân), đền thờ Hương Nghĩa số 13B Đào Duy Từ (thờ Cao Tử thời vua Thục An Dương Vương), chùa Cầu Đông phố Hàng Đường (thờ Ngô Văn Long thời Vua Hùng Duệ thứ 18), đỉnh Đại Lợi ở 50 Gia Ngư, đỉnh Trang Châu ở 77 Nguyễn Hữu Huân, đình Đông Hà ở 46 Hàng Gai...

Những năm gần đây, chính quyền thành phố Hà Nội đã quan tâm đề ra định hướng về bảo tồn, tôn tạo, phát triển liên quan đến Phố Cổ Hà Nội để phục vụ kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

TRẦN NGUYỄN