Phát huy tiềm năng du lịch Điện Biên
(BDO) Điện Biên, mảnh đất với thiên nhiên hùng vỹ, lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc, khí hậu trong lành, là nơi hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Điện Biên nỗ lực phấn đấu đưa du lịch "cất cánh", trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du khách tham quan tại Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Tượng đài này bằng đồng, được xây dựng trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Mảnh đất giàu tiềm năng
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2020 - 2025, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương xác định khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và dựa trên ba trụ cột chính: Du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Về du lịch lịch sử, tâm linh, Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng để lại cho Điện Biên một Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ với 45 di tích thành phần, với các di tích nổi bật như Đồi A1, cầu Mường Thanh, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hầm De Castries, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi Him Lam, Tượng đài kéo pháo… Những di tích lịch sử này hàng năm thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Đây chính là điểm cốt lõi để Điện Biên thu hút khách du lịch.
Các công trìn: Đền thờ Liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đền Hoàng Công Chất, các Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao… là những yếu tố để Điện Biên khai thác du lịch lịch sử, tâm linh.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là điểm đến không thể thiếu của du khách trong hành trình khám phá Điện Biên. Năm 2023, Bảo tàng đón hơn 150 nghìn lượt khách tham quan. Sức hút chủ yếu đến từ bức tranh Panorama chiến dịch Điện Biên Phủ - bức tranh lớn nhất Đông Nam Á, một trong ba bức tranh lớn nhất trên thế giới. Nội dung bức tranh được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Khúc khải hoàn mừng chiến thắng. Tất cả hình ảnh, sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạch theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết, năm 2023, Bảo tàng được giao thu 4,5 tỷ đồng nhưng tổng thu đạt hơn 6 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy rằng, việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, đặc biệt phát huy tài liệu, hiện vật gắn với giáo dục truyền thống lịch sử mang lợi ích về kinh tế. Do đó, đơn vị luôn nỗ lực, đổi mới, sáng tạo để du khách đến thăm Điện Biên, Bảo tàng không cảm thấy nhàm chán.
Điện Biên với 19 dân tộc anh em, chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, riêng có, hấp dẫn về phong tục, tập quán, sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển, trở thành nét văn hóa trưng.
Tính đến hết năm 2023, Điện Biên có 33 di tích văn hóa vật thể được xếp hạng (một di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh); 18 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, hai di sản được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhận loại (Di sản nghệ thuật xòe Thái và Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam). Đây là tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa mà Điện Biên sẽ quan tâm phát huy thời gian tới.
Huyện Tủa Chùa là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế để Điện Biên phát huy loại hình du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên. Tủa Chùa là địa phương được tỉnh định hướng đến năm 2023, cơ bản đáp ứng tiêu chí trở thành Khu Du lịch quốc gia.
Lợi thế lòng hồ thủy điện sông Đà giúp Tủa Chùa nằm trong vùng có thể liên kết phát triển du lịch 3 tỉnh Điện Biên - Sơn La - Lai Châu. Vùng đất này khí hậu mát mẻ quanh năm. Huyện còn được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp với hệ thống hang động được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia như Xá Nhè, Khó Chua La (xã Xá Nhè); Pê Răng Ky (xã Huổi Só). Bên cạnh đó, huyện còn có rừng chè Shan Tuyết cổ thụ với gần 4.000 cây hàng trăm năm tuổi ở xã Sín Chải; hệ thống cao nguyên đá trải rộng trên địa bàn các xã Tả Phìn, Sín Chải, Lao Xả Phình, Tả Sìn Thàng; di tích thành Vàng Lồng ở xã Tả Phìn. Tủa Chùa là địa phương có 7 dân tộc cùng sinh sống, với nét văn hóa đặc sắc sẽ để lại nhiều ấn tượng đối với du khách.
Ông Đặng Tiến Công, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết, huyện chú trọng khai thác các thế mạnh: hang động, cao nguyên đá, ruộng bậc thang, lòng hồ thủy điện, không gian văn hóa chợ phiên, lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch. Từ tiềm năng, lợi thế đó, Tủa Chùa tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng… Huyện chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch để thu hút du khách.
Đưa du lịch "cất cánh"
Nhằm quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và những tiềm năng du lịch, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Điện Biên, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động gắn với bản sắc văn hóa con người, thiên nhiên nơi đây như Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Đua thuyền đuôi Én và Giải vô địch Dù lượn, Lễ hội Hoa Anh Đào, Lễ hội Thành Bản Phủ… Đặc biệt, Lễ hội Hoa Ban tổ chức vào trung tuần tháng 3 hằng năm cùng nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách đến mảnh đất Điện Biên lịch sử.
Điện Biên quan tâm đầu tư dịch vụ phục vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân địa phương và du khách. Nhiều điểm vui chơi, giải trí Đào Viên Sơn, Pha Đin Pass, Pu Pha Đin, Thung lũng Hoa Hồng, Hồ Noong U... đang "hút" khách. Tỉnh còn được biết đến với nhiều điểm du lịch cộng đồng như bản Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ), bản du lịch cộng đồng Che Căn (xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ), chợ đêm xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ)…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Thị Thanh Chuyên cho biết, từ năm 2021 đến nay, Điện Biên huy động trên 8.000 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển du lịch. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đầu tư trên 5.000 tỷ đồng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ, khách sạn, vui chơi giải trí.
Để kết nối du lịch vùng, quốc gia, hai năm trở lại đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp tổ chức 6 đoàn Famtrip khảo sát, xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch; tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại Luông Pha Bang (Lào). Đây được xem là những kết quả ấn tượng, tạo đà cho Năm Du lịch Quốc gia 2024 tại Điện Biên.
Năm 2023, lần đầu tiên, Điện Biên cán mốc đón 1 triệu lượt khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.750 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng, là tiền đề để tỉnh tạo đột phá trong năm tới, phấn đấu xây dựng Điện Biên thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây là năm Điện Biên đăng cai Năm Du lịch Quốc gia, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Mục tiêu năm 2024, tỉnh đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ hoạt động này đạt khoảng 2.200 tỷ đồng; năm 2025, đạt hơn 1,45 triệu lượt khách, tổng doanh thu hơn 2.380 tỷ đồng; đến năm 2030, đạt tương ứng hơn 2,65 triệu lượt và hơn 5.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, cuối năm 2023, Dự án xây dựng, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành và đã đón các chuyến bay bằng máy bay hiện đại, cỡ lớn như A320, A321 từ hai trung tâm kinh tế là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến, tạo đà lớn để du lịch Điện Biên "cất cánh". Mong muốn phát triển mạnh du lịch, tỉnh tiếp tục đề nghị nâng tần suất chuyến bay, mở thêm đường bay mới tới các tỉnh với nhiều hãng hàng không và hướng tới tiếp tục đề nghị mở đường bay quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Vietjet Air khẳng định, Điện Biên có vẻ đẹp tiềm ẩn, khi Hãng khai thác vào thị trường này, vẻ đẹp đó sẽ được "cất cánh". Không chỉ khai thác các đường bay trong nước, Hãng cam kết tiếp tục mở thêm nhiều đường bay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nước châu Âu đến Điện Biên, làm cầu nối thúc đẩy kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, giao thương của Điện Biên.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, năm 2024, với gần 170 sự kiện lớn diễn ra là cơ hội để tỉnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024, tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, hạ tầng đô thị; chỉnh trang đô thị, khu, điểm du lịch. Tỉnh khuyến khích nâng cấp, mở rộng quy mô cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, trung tâm mua sắm phục vụ du khách; trùng tu, tôn tạo điểm di tích văn hóa, lịch sử, nhất là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
Việc đăng cai Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh. Đây là tiền đề, động lực quan trọng để ngành Du lịch "cất cánh", trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Theo TTXVN