Phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến nay toàn tỉnh đã có 38 di tích (DT) và danh thắng đã được xếp hạng, trong đó có 11 DT cấp quốc gia và 27 DT cấp tỉnh; Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có gần 500 DT phổ thông chưa được xếp hạng. Đa số là các loại đình, chùa, miếu, tịnh xá, tịnh thất, hơn 50 ngôi nhà cổ cùng nhiều mộ cổ và danh lam thắng cảnh. Với nhiều DT và danh thắng nổi tiếng, những năm gần đây Bình Dương là một trong những địa phương thu hút nhiều khách du lịch (DL) ở khắp nơi đến tham quan. Kéo theo đó là số lượng các đơn vị, tập thể, cá nhân vào đầu tư xây dựng các khu, điểm DL ngày càng tăng...
Di tích cấp quốc gia chùa Hội Khánh luôn thu hút được nhiều du khách
Hiện nay các dự án đầu tư khu, điểm DL trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các chủ đầu tư tích cực triển khai như Khu DL sinh thái Mắt Xanh, Khu DL sinh thái MêKong Golf& Villas (100% vốn FDI), dự án Khu resort hồ Thuyền Quang, dự án Khu du lịch Phước Lộc Thọ, Khách sạn MC Bình Dương Plaza... Các đơn vị đang hoạt động kinh doanh như Khu DL Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, Phương Nam Resort, Khu DL xanh Dìn Ký, Làng du lịch Sài Gòn... cũng đã và đang tăng cường đầu tư về chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách đến tham quan, vui chơi giải trí. Huyện Dầu Tiếng cũng xây dựng kế hoạch quản lý và khai thác có hiệu quả Khu DL sinh thái Núi Cậu... Trong năm 2010, toàn tỉnh đã phát triển thêm 56 khách sạn, nhà nghỉ. Trong đó có 34 đơn vị hoạt động thuộc loại hình doanh nghiệp với 783 phòng và 22 đơn vị hoạt động hình thức hộ cá thể với 350 phòng, tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 108,97 tỷ đồng. Và như vậy, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 334 đơn vị kinh doanh lưu trú (trong đó bao gồm 194 đơn vị hoạt động thuộc loại hình doanh nghiệp và 140 đơn vị hoạt động hình thức hộ cá thể) với tổng vốn đăng ký kinh doanh khoảng 1.063 tỷ đồng...
Thực tế những năm qua các DT lịch sử và danh thắng đã góp phần rất lớn trong việc thu hút du khách đến tham quan, nâng doanh thu của ngành du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng (chỉ tính trong năm 2010 ước tổng lượt khách DL đến Bình Dương là trên 3.350.000 lượt, doanh thu DL ước thực hiện đạt trên 505 tỷ đồng). Song theo đánh giá của các ngành chức năng và các địa phương: Tuy có nhiều ưu điểm và thuận lợi nhưng chúng ta chưa làm tốt việc gắn hoạt động của DT lịch sử văn hóa với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch nên chưa khai thác hết tiềm năng. Ngoài những nguyên nhân mang tầm vĩ mô như chưa có những giải pháp mang tính chiến lược, còn có những bất cập không đáng có mà nếu khắc phục được chúng ta sẽ góp phần thu hút nhiều hơn khách DL đến tham quan trong thời gian sắp tới.
Địa đạo Tây Nam, Bến Cát hiện đang xây dựng các hạng mục công trình, sẽ là một trong những điểm thu hút nhiều du khách trong tương laiThật vậy, có dịp cùng đoàn Famtrip tìm hiểu về DL Bình Dương đến khảo sát một số điểm danh thắng trên địa bàn tỉnh bạn sẽ thấy những vấn đề mà khách du lịch than phiền là có thật. Cụ thể như tại Lò lu Đại Hưng - một trong những DT lịch sử cấp tỉnh nằm trên địa bàn xã Tương Bình Hiệp (TX.TDM), sẽ thấy các quy trình để sản xuất sản phẩm bố trí khá rối rắm, khiến khách tham quan khó có thể quan sát được trọn vẹn các công đoạn để hiểu được cách làm ra một sản phẩm là như thế nào. Hay tại các cơ sở sản xuất sơn mài tại làng nghề Tương Bình Hiệp, việc tham quan cũng gặp nhiều khó khăn khi khu sản xuất sản phẩm nằm một nơi trong khi phòng trưng bày các sản phẩm hoàn chỉnh lại nằm một nẽo. Trong trường hợp nếu như có du khách nào muốn mua sản phẩm mình ưng ý thì buộc phải đi ngược trở ra đến hơn 1km. Mặt khác, khi tổ chức tour DL đơn vị tổ chức cũng cần phải nghiên cứu kỹ đặc điểm sản xuất của từng nơi sẽ đưa khách đến tham quan, nhất là các cơ sở sản xuất sơn mài - hàng thủ công mỹ nghệ, nhằm tránh trường hợp khi khách đến nhằm lúc cơ sở nghỉ làm hay đã giao hết hàng, thì sẽ “chẳng có gì để mà xem”. Ở một số nơi, mối quan hệ giữa nhà tổ chức tour với người quản lý điểm du lịch là chưa thật sự tốt. Có trường hợp đoàn khách du lịch đến phải chờ liên hệ để được vào cổng, bởi bảo vệ “không biết” đây là đoàn nào!? Ngoài ra, một số địa điểm tham quan đường vào khá chật hẹp, lại không có bãi đậu xe, không biển chỉ dẫn. Cá biệt có những nơi không có cả nhà vệ sinh...
Ở một số khu DT và danh thắng, tuy đã có phân cấp nhưng hiện nay vẫn có tình trạng dù đã được đầu tư tôn tạo nhưng việc đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, việc giới thiệu lịch sử DT còn thiếu và hạn chế, thậm chí có nơi chưa có người giới thiệu, khách vào muốn xem gì tùy ý... Mặt khác, dù công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị DT lịch sử - văn hóa Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu chống xuống cấp DT. Thời gian tổ chức thực hiện còn chậm như: DT Nhà tù Phú Lợi, rừng Kiến An, Bộ Chỉ huy Tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiều DT phải điều chỉnh khu vực bảo vệ để làm đường như: DT khảo cổ Dốc Chùa, chùa Long Hưng, Bến Cát, DT bót Cầu Định không có đường vào, DT nhà cổ Trần Công Vàng đường vào rất khó... Ngoài ra, công tác quảng bá, giới thiệu các điểm DL, việc tạo dựng các sản phẩm DL trọn gói, nhằm hấp dẫn khách DL và lập chương trình cho các tuyến, chương trình DL làng nghề chưa được quan tâm thỏa đáng. Rất nhiều tài nguyên DL chưa được khai thác, cần phải có sự kết hợp hài hòa để tạo ra sức hấp dẫn trong tour DL, tuyến, chương trình DL.
Bình Dương là tỉnh thiên về công nghiệp, hoạt động DL tuy chưa được khai thác triệt để, các sản phẩm DL chưa được hoàn thiện, tuy nhiên ít nhiều cũng đã chinh phục được lòng tin nơi du khách. Hy vọng trong thời gian tới, ngành DL Bình Dương sẽ quan tâm hơn nữa những bất cập nói trên để có những biện pháp thiết thực nhằm phát huy lợi thế của mình giúp ngành DL tỉnh nhà ngày càng phát triển.
BÌNH MINH