Nơi lưu dấu nghề gốm truyền thống giữa lòng đất Thủ
(BDO) “Lò Lu” là cái tên rất gần gũi, thân quen với người dân phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một. Thế nhưng, cái tên đó có từ khi nào thì ít ai biết được, chỉ biết rằng trên vùng đất này từ rất lâu đã hình thành rất nhiều lò gốm chuyên sản xuất lu, hũ, khạp...
Thợ làm gốm theo phương thức thủ công tại di tích Lò lu Đại Hưng
Từ con đường mang tên Lò Lu…
Dọc theo đại lộ Bình Dương, hướng từ Trung tâm TP.Thủ Dầu Một về TX.Bến Cát, qua khỏi trạm thu phí Suối Giữa, nhìn bên phía tay trái sẽ thấy đường Hồ Văn Cống. Tiếp tục chạy dọc đường Hồ Văn Cống tầm 1,5km sẽ đến đường Lò Lu.
Từ năm 2005, UBND tỉnh đã có quyết định đặt tên con đường này là đường Lò Lu. Theo một số người dân địa phương ở đây giải thích, con đường này được đặt tên là Lò Lu có lẽ do ngày trước nơi đây có rất nhiều lò lu hoạt động. Anh Nguyễn Thái Hiền, 41 tuổi, người dân nơi đây chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã nghe những người lớn tuổi gọi vùng đất này là Lò Lu, còn cái tên Lò Lu gắn với vùng đất này từ khi nào thì tôi không rõ. Ngày trước, nơi đây có rất nhiều lò lu hoạt động, nhưng nay họ dẹp bỏ hết rồi, chỉ còn vài lò còn đỏ lửa thôi...”.
Dần dần, với sự phát triển mới của ngành gốm sứ, những lò lu truyền thống nơi đây cũng dần dần thu hẹp lại. Với sự đầu tư trong công nghệ sản xuất, sản phẩm của nhiều cơ sở gốm sứ trên địa bàn tỉnh cũng đa dạng, mẫu mã đẹp hơn và chất lượng cũng nâng cao hơn. Nhiều chủ lò gốm truyền thống không cạnh tranh lại nên phải đầu tư thêm về công nghệ để phát triển kịp hoặc đóng cửa lò, đổi sang ngành nghề mới. Hiện nay, trên đoạn đường Lò Lu chỉ còn một vài lò gốm vẫn duy trì hoạt động, như Lò lu Đại Hưng, Lò lu Tám Vang... Những lò này vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, trong đó Lò lu Đại Hưng đã được công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 2006.
… đến di tích Lò lu Đại Hưng
Di tích Lò lu Đại Hưng được xem là lò gốm cổ xưa nhất tồn tại đến ngày nay trên vùng đất Thủ - Bình Dương. Việc bảo vệ, giữ gìn, công nhận di tích này nhằm ghi lại một dấu tích quan trọng trên con đường phát triển của nghề gốm thuyền thống trên vùng đất Thủ. Nếu muốn tìm hiểu về các công đoạn sản xuất ra một sản phẩm gốm truyền thống, du khách có thể ghé đến đây (ngay ngã tư Lò Lu, đoạn cắt với đường Lê Chí Dân) để tham quan và trải nghiệm.
Thông tin liên hệ: Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương Địa chỉ: 239 Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Điện thoại: (0274) 3 855 636 Website: dulichbinhduong.org.vn Email: ttxtdl@binhduong.gov.vn |
Rất dễ nhận ra lò lu này bởi từ đầu đường vào có rất nhiều loại lu, khạp, hũ, chậu... chất đầy san sát 2 bên đường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Lò lu Đại Hưng do người Việt gốc Hoa tạo dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, có tổng diện tích hơn 10.000m2. Đây là nơi chuyên sản xuất đồ gốm bằng phương pháp thủ công truyền thống, với các sản phẩm chủ yếu là lu, hũ, khạp... Từ ngày hình thành đến nay, lò lu này đã trải qua nhiều chủ nhân quản lý và sản xuất. Chủ nhân hiện nay (đời thứ 6) của Lò lu Đại Hưng là ông Bùi Văn Giang. Ông Giang cho biết, tính đến nay, lò đã tồn tại khoảng 180 năm. Dù nghề gốm đã có sự phát triển, nhưng vì muốn giữ gìn nghề truyền thống này nên từ trước đến nay ông vẫn duy trì sản xuất theo phương thức truyền thống. Ngoài các sản phẩm lu, hũ, khạp ra, Lò lu Đại Hưng còn sản xuất thêm nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt khác theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh.
Sau khi được công nhận là di tích cấp tỉnh, lò lu cũng được quan tâm bảo tồn, giữ lại những không gian vốn có của một lò gốm cổ. Vì thế, với người dân địa phương và du khách gần xa có nhu cầu tham quan, tìm hiểu về các làng nghề truyền thống khi đến Bình Dương, Lò lu Đại Hưng là một trong những điểm đến phù hợp và được nhiều người lựa chọn. Đến đây, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy để hiểu hơn về những công đoạn sản xuất để tạo nên một sản phẩm gốm truyền thống. Nếu muốn trải nghiệm, du khách sẽ được những người thợ gốm ở đây hướng dẫn theo từng công đoạn khác nhau. Đây cũng là điều khá thú vị đối với du khách khi có dịp tìm hiểu về các làng nghề truyền thống.
Từ nguyên liệu ban đầu là đất, thợ sẽ dùng máy cán để cán (chỉ có khâu này là có sự thay đổi khác so với cách làm thủ công trước đây), sau đó đất sẽ được nhồi, tạo thành từng sản phẩm khác nhau theo yêu cầu của chủ lò, rồi mang đi phơi nắng. Sản phẩm sau khi phơi khô, được thợ chế men, tiếp tục phơi khô rồi mới đưa vào lò nung. Theo giới thiệu của ông Giang, các công đoạn sản xuất ở Lò lu Đại Hưng hiện nay chủ yếu vẫn làm bằng thủ công nên khá mất thời gian so với những lò gốm sử dụng máy móc. Vì thế, trung bình khoảng 1 tháng thợ gốm mới làm đủ sản phẩm để đốt lò một lần. Mỗi lần đốt lò như thế kéo dài 3 ngày liên tục mới cho ra những sản phẩm hoàn chỉnh để đưa đi tiêu thụ.
Trước đây, khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát, Lò lu Đại Hưng là một điểm đến trong hành trình du lịch làng nghề trên đất Bình Dương. Không chỉ khách trong tỉnh, hàng tháng, Lò lu Đại Hưng còn đón hàng chục đoàn khách tham quan đến từ các tỉnh, thành khác. Nhiều đoàn làm phim cũng đến đây thực hiện các bộ phim tư liệu về nghề truyền thống hoặc lấy bối cảnh của một lò lu xưa để đưa vào phim của mình. Cũng có rất nhiều bạn trẻ yêu thích cảnh vật xưa và sự hoài cổ cũng tìm về đây tham quan và lưu lại những bộ hình kỷ niệm rất đẹp bên lò gốm cổ này. Tuy nhiên, theo ông Giang thì đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách đến đây tham quan đã giảm đi rất nhiều.
HỒNG THUẬN