Nỗ lực phát triển thương mại - dịch vụ chất lượng cao - Kỳ 2

Thứ ba, ngày 12/01/2021

(BDO)  Kỳ 2: Dư địa lớn cho các địa phương phía bắc

 Tại các địa phương phía bắc của tỉnh, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TM-DV) chất lượng cao không chỉ tạo diện mạo mới mà còn là điểm nhấn quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao.

 Công nghiệp, đô thị Bàu Bàng phát triển sẽ là động lực lớn để thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ chất lượng cao

 Kỳ vọng khởi sắc

Tuy mới thành lập nhưng so với địa phương khác trong tỉnh, huyện Bàu Bàng vẫn là một mảnh đất được nhiều người kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong giai đoạn mới. Điều đó hẳn là có cơ sở khi thời gian qua, Khu công nghiệp Bàu Bàng đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác đầu tư trong và ngoài nước, đó là điều kiện quan trọng để nơi đây trở thành cực tăng trưởng mạnh. Với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, không gian sống xanh - hiện đại, thuận tiện về giao thông, cũng như chất lượng sống của người dân ngày một nâng cao là điều kiện để Bàu Bàng khởi sắc, nhất là lĩnh vực TM-DV.

Trên thực tế, dù là đô thị mới định hình song những năm gần đây, Bàu Bàng đã có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Hành lang phát triển công nghiệp và đô thị của Bàu Bàng sẽ trải dọc theo Quốc lộ 13 với chuỗi đô thị Bến Cát - Bàu Bàng, Chơn Thành và hệ thống Khu công nghiệp tập trung Mỹ Phước - Bàu Bàng - Nam Chơn Thành. Bên cạnh đó còn có một số khu công nghiệp cũng bám theo trục vành đai 5 từ TX.Tân Uyên qua Phú Giáo - Bàu Bàng.

Tại huyện Phú Giáo, thời gian qua, hoạt động thương mại tiếp tục được quan tâm đầu tư, đổi mới, có bước phát triển khá ổn định, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đạt được mục tiêu đề ra. Mức tăng bình quân hàng năm trên 22%/năm, góp phần tăng trưởng kinh tế chung toàn huyện. Với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ngành TM-DV phát triển nhanh về số lượng, đa dạng ngành nghề. Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển, ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết huyện tận dụng những lợi thế sẵn có, phát huy tiềm năng của địa phương để thúc đẩy phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế trong lĩnh vực TM-DV.

Phú Giáo có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý, là cửa ngõ phía bắc của tỉnh. Đường ĐT741 là tuyến giao thông quan trọng của vùng chạy qua địa bàn huyện theo hướng bắc nam, nối Quốc lộ 13 về TP.Hồ Chí Minh. Từ đây có thể tiếp cận thuận lợi với các khu vực phát triển kinh tế của tỉnh và vùng phụ cận. Huyện Phú Giáo có quỹ đất nông nghiệp lớn, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt, có khả năng chuyển đổi sang đất công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp, phát triển TM-DV, đây là điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu của địa phương.

Hình thành khu đô thị - công nghiệp

Thực tế, thành công của Bình Dương những năm qua gắn với rất nhiều mô hình khu đô thị - khu công nghiệp. Điểm sáng đáng ghi nhận là các khu đô thị - công nghiệp do VSIP phát triển ở Bình Dương với tỷ lệ lấp đầy khá cao, kéo theo các khu dân cư cũng phát triển sầm uất, kinh doanh thương mại tấp nập. Chỉ trong một thời gian ngắn, các khu đô thị - công nghiệp này đã góp phần giúp Bình Dương phát triển toàn diện. Các chuyên gia cho rằng, thành công về phát triển khu đô thị - công nghiệp Bình Dương là xu hướng tất yếu trong giai đoạn sắp tới. Và nếu muốn tận dụng tốt nhất làn sóng đầu tư mới từ dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bình Dương cần nhanh chóng nhân rộng phát triển mô hình này. Những địa phương phía bắc như các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên sẽ có tiềm năng rất lớn khi có quỹ đất rộng, quy hoạch bài bản.

Hiện nay, Khu công nghiệp và đô thị Bàu Bàng đã hoàn thiện 70%, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả. Đây sẽ là “cú hích” để Bàu Bàng phát triển thêm những khu đô thị - TM-DV xứng tầm trong tương lai gần. Theo ông Nguyễn Thanh Khiêm, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng, với quyết tâm tạo “cú hích” thúc đẩy huyện Bàu Bàng hướng đến tầm cao mới, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Theo đó, huyện tập trung bố trí vốn các công trình chuyển tiếp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên thực hiện các công trình trọng điểm, như: Đường vành đai Khu công nghiệp Bàu Bàng - đường ĐT749A; đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; Trung tâm Hành chính huyện, nhà công vụ huyện, các trường học và các tuyến đường kết nối Quốc lộ 13, đường tạo lực Bến Cát - Bàu Bàng… Huyện phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, TM-DV và nông nghiệp.

Bắc Tân Uyên với vị trí địa lý giáp ranh tỉnh Đồng Nai và Bình Phước. Bên cạnh đó, huyện đứng vị trí thứ 3 trong 4 huyện của tỉnh có mật độ dân số cao và tiếp tục tăng mạnh hàng năm. Trong kế hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đặt mục tiêu biến Bắc Tân Uyên thành khu đô thị sinh thái kiểu mẫu gắn với các khu công nghiệp, TM-DV. Kỳ vọng, việc đầu tư Khu công nghiệp VSIP 3, tạo sự kết nối với các Khu công nghiệp VSIP 2, Mỹ Phước 1, 2, thành lập chuỗi phát triển công nghiệp, đô thị hiện đại dọc tuyến đường vành đai 4 sẽ giúp Bắc Tân Uyên phát triển mạnh mẽ xứng tầm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các ngành dịch vụ chất lượng cao.

 Tại huyện Phú Giáo, hiện nay UBND huyện đang tiến hành lập hồ sơ và đồ án quy hoạch vùng huyện đến năm 2040. Trong đó, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đã xác định phát triển thêm 4 khu đô thị mới là Phước Hòa, An Long, An Bình và Tam Lập gắn với phát triển khu, cụm công nghiệp lớn.

 TIỂU MY