Những kỷ vật thời chiến - Bài 3

Thứ sáu, ngày 27/03/2015

Bài 3: Khẩu súng K54 của anh hùng Hồ Văn Mên

“Anh hãy mang nó đi mà hộ thân”, đó là câu nói của anh hùng Hồ Văn Mên khi trao lại khẩu súng K54 cho người đồng đội của mình Nguyễn Minh Chánh. Sau 40 năm ngày đất nước thống nhất, trở về với cuộc sống đòi thường nhưng trong tâm trí của cựu chiến binh Nguyễn Minh Chánh không bao giờ quên được khoảnh khắc đó, khi nhận món quà từ tay người đồng đội của mình với bao nhiêu tình cảm chứa đựng trong đó.

(BDO)

Khẩu súng K54 của anh hùng Hồ Văn Mên tặng ông Nguyễn Minh Chánh đang lưu giữ tại Bảo tàng Bình Dương

Món quà tình đồng đội

 Anh hùng Hồ Văn Mên

Ông Chánh nhớ lại: Ông với anh hùng Mên chỉ được gặp nhau hai lần vào năm 1965, ông và Hồ Văn Mên cùng dự Đại hội Dũng sĩ thi đua toàn quân tại sân lễ Phước Thành (Mã Đà, Biên Hòa). Sau đại hội đó, dũng sĩ Hồ Văn Mên được quân khu chọn đi miền Bắc dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam.

Không có dịp gặp nhau hay liên lạc gì cho tận tới tháng 8-1973, hai người gặp lại nhau tại Tỉnh đội Bình Dương, lúc này Hồ Văn Mên mới ở miền Bắc trở về, còn ông là thương binh loại 1, được Quân khu 7 tổ chức đi an dưỡng tại miền Bắc. Trước lúc chia tay tạm biệt, Hồ Văn Mên tặng cho ông khẩu súng K54 và nói “Anh hãy mang nó đi mà hộ thân”. Từ đó đến nay ông cất giữ nó cẩn thận vì sâu thẳm trong đó là tình đồng đội mà anh hùng Mên dành cho ông. Khẩu súng K54 của anh hùng Hồ Văn Mên tặng ông Nguyễn Minh Chánh hiện đang được Bảo tàng Bình Dương lưu giữ và bảo quản.

Hồ Văn Mên sinh năm 1953 tại ấp Thạnh Lộc, xã An Thạnh, huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh, TX.Thuận An, Bình Dương) trong một gia đình nghèo. Năm 6 tuổi, Mên mồ côi mẹ, lên 10 tuổi cha lại bị bọn Mỹ - ngụy bắt đánh đập tàn phế, rồi chết. Sống với bà nội, Mên là một đứa cháu ngoan và hiếu thảo, biết đỡ đần bà việc nhà, cùng bà đi chợ bán trầu cau để có tiền sinh sống.

Năm 13 tuổi, sau 3 năm tham gia cách mạng, Hồ Văn Mên đã tham gia 7 trận lớn nhỏ và diệt 79 tên giặc cùng nhiều xe cơ giới của địch. Nhiều tên đất, tên làng mang nhiều dấu tích và chiến công của Mên đã từng tham gia đánh trận như: Cua Cát, Phú Văn, Chợ Mới... Có một lần bị giặc bắt, Mên đã tìm cách trốn thoát và lại tiếp tục đánh giặc. Trận đánh nổi tiếng nhất là trận diệt 59 tên sĩ quan binh lính ngụy ở sòng bạc Phú Văn. Năm 1967, Hồ Văn Mên được ra miền Bắc thăm Bác Hồ và là đại biểu nhỏ tuổi nhất trong đoàn thiếu nhi dũng sĩ miền Nam ngày đó. Hồ Văn Mên đã được tặng 3 danh hiệu vẻ vang: Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Hồ Văn Mên trở về quê và làm công tác tại Ty Thương nghiệp tỉnh Sông Bé. Ông mất ngày 5-3-1984 do vết thương ở sọ não trong một trận đánh trước đây tái phát. Ngày 24-6-2005, HồVăn Mên được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Người “Anh hùng còn cõng trên lưng”

Năm 1967, từ An Thạnh (Lái Thiêu) về chiến khu dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua, đường xa phải đi ngày, đi đêm, qua đồng trống phải chạy vì sợ máy bay địch phát hiện, qua suối sâu phải lội, Mên mỏi quá đi không nổi, anh em trong đoàn phải thay phiên cõng Mên. Khi đại hội tổ chức cho các dũng sĩ báo công để bình chọn, bước ra lễ đài là một thằng “nhóc”, đội nón tai bèo mặc quân phục giải phóng quá khổ, anh em vỗ tay vang rân làm cậu khớp quá run bần bật trong nhiều tràng pháo tay không ngớt. Mên chỉ nói được hai tiếng kính thưa rồi đứng chết trân! Anh Một Hữu phải ẵm em lên cao cho mọi người nhìn thấy, rồi anh đọc thay cho em bản báo công. Được dịp, bác Huỳnh Minh Siêng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, tức nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người sáng tác nhiều bài hát nổi tiếng thời kháng chiến, làm bài thơ gửi tặng đại hội mà cũng vừa để tặng cho Mên. Bài thơ “Anh hùng còn cõng trên lưng” có đoạn:

Em!/ Được gặp em! Cầm tay em anh nặn/ Đấy! Con người cũng tim óc thịt da/ Mười ba tuổi, ba năm làm cách mạng/ Cầm tay em nghe thắm thiết đậm đà/ Trước chú cô em thẹn thùng không nói/ Báo công em có các bác thay lời/ Mười ba tuổi được kêu bằng đồng chí/ Cầm tay em càng khó nói lắm em ơi!/ Bảy trận đánh trừ 79 tên Mỹ - ngụy/ Góp công về đại hội với ba quân/ Đường quê mẹ nâng bước chân dũng sĩ/ Em!“Anh hùng còn cõng trên lưng”/ Anh đã hiểu vì sao em lớn dậy/ Từ khổ đau em biết sống làm người/ Biết ghét, biết yêu thảy đều thế đấy/ Đứng lên rồi em có cả tình thương.

Từ đó danh hiệu: “Anh hùng còn cõng trên lưng” gắn liền Dũng sĩ diệt Mỹ Hồ Văn Mên. Bài thơ làm cả đại hội xúc động, sau này còn được chép chuyền tay cho nhau trong sổ tay nhiều đồng chí hôm ấy.

Sau đại hội, Mên được ra Bắc học lên đến lớp 8/10, nhưng Mên cứ nằng nặc đòi về miền Nam đánh Mỹ. Mên được vào học trường Lục quân, “lên lon” trung úy. Khi về miền Nam, Mên khoe những ngày ở miền Bắc được ở chung, được tung tăng bên Bác Hồ, được ăn cơm chung với Bác.

Kỷ niệm bên cạnh Bác Hồ

Sinh thời, anh hùng Hồ Văn Mên thường kể lại những ngày sống rất hạnh phúc ở miền Bắc được ăn ở chung bên Bác Hồ kính yêu. Có lần, khi lên bàn ăn cơm chung với Bác, Hồ Văn Mên với Hồ Thị Thu giành bới cơm ra chén, Bác Hồ không cho, biểu để Bác bới cho hai cháu. Mên buồn nhưng phải nghe theo lời Bác, vì biết Bác rất thương các cháu thiếu nhi miền Nam. Lúc ăn xong, Mên dành bưng chén đi rửa, Bác Hồ lại biểu để đó.

Bác Hồ rất quý hai dũng sĩ tí hon là Hồ Văn Mên và Hồ Thị Thu, nên lúc nào rảnh rỗi là Bác nói chú Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác - gọi hai dũng sĩ vào ở với Bác. Bác Hồ hỏi đủ chuyện ở miền Nam, kể cả chuyện con nít đánh Mỹ. Lời Bác thăm hỏi động viên thấm sâu vào huyết quản, thấm dài theo năm tháng hành quân, đánh giặc mà chết cũng không sợ. Hồ Văn Mên vẫn còn là một đứa trẻ, buồn quá nên làm nạng thun bắn chim, Bác Hồ thấy liền biểu Mên, để chim ăn sâu bọ không nên bắn. Không cho bắn chim, Mên giận nên xin Bác cho về miền Nam bắn Mỹ vậy. Anh hùng trẻ con như vậy đấy. Bác và thư ký của Bác chỉ cười…

Kỷ niệm cuối cùng trong đời anh hùng Hồ Văn Mên, Hồ Thị Thu, Võ Phổ... trong đoàn dũng sĩ anh hùng miền Nam là tết năm 1969 được sống bên Bác lần cuối. Bác hỏi hoàn cảnh gia đình, cuộc sống của đồng bào trong Nam rồi chuyện ăn tết ở Nam bộ ra sao. Tới trưa, đến giờ Bác nghỉ, Bác nói cảnh vệ mang bánh chưng đến cho các dũng sĩ anh hùng ăn. Riêng Hồ Văn Mên, cậu bé nhỏ nhất đoàn thì leo lên cái chõng gần giường Bác nằm rồi ngủ quên luôn. Bên ngoài trời lạnh buốt, phải mặc thêm áo len mới chịu nổi. Lần đầu tiên các dũng sĩ nếm mùi lạnh giá của miền Bắc dữ dội trong đợt tết 1969. Bác nằm nghỉ khoảng nửa giờ thì thức dậy. Thấy Mên nằm ngủ, Bác nhẹ nhàng lấy chiếc khăn lông lớn đắp cho Mên ngủ. Khoảng 3 giờ chiều, xe của Tổng cục Chính trị đến đón. Bác dặn, cũng để chỉ đạo cho đồng chí Dương Quốc Chính: “Phải lo cho anh hùng, dũng sĩ miền Nam học văn hóa, quân sự và chính trị để tiếp tục về Nam chiến đấu!”. Đó cũng là lời dặn cuối cùng của Bác với anh hùng, dũng sĩ miền Nam trước lúc Bác đi xa.

 Bài 4: Khẩu súng rulô của Đại đội 61 anh hùng

 HOÀNG LONG