Những kỷ vật thời chiến
Bài 1: Chiếc áo len nặng nghĩa vợ chồng
Năm 2002, vợ của cố Thượng tướng Trần Văn Trà - bà Lê Thị Thoa - đã tặng cho Bảo tàng Bình Dương một kỷ vật của Thượng tướng. Kỷ vật đó là chiếc áo len đã gắn bó với cuộc đời ông, đi theo ông suốt trong những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ.
(BDO)
Vợ chồng Thượng tướng Trần Văn Trà lúc trẻ và chiếc áo len - kỷ vật của cố Thượng tướng Trần Văn Trà
Cũng giống như bao phụ nữ Việt Nam, là một người vợ, bà Thoa cũng muốn nâng khăn sửa túi cho chồng. Nhưng vì sự nghiệp giải phóng đất nước, vì nhân dân mà cố Thượng tướng phải xa vợ, xa con, bà không được trực tiếp chăm sóc cho chồng.
Năm 1972, tại khu căn cứ Tà Thiết (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), Thượng tướng nhận được món quà của vợ. Đó là chiếc áo len kiểu gilê mà vợ ông mua tặng để ông mặc chống lại lạnh giá của mùa đông. Chiếc áo len đơn giản nhưng là tình cảm, nỗi nhớ, niềm thương của người vợ gửi tới chồng đang ngày đêm làm nhiệm vụ giành độc lập, tự do cho dân tộc, cũng một phần nào an ủi, động viên người chồng nơi đầu trận tuyến những lúc nhớ vợ, thương con. Trong suốt cuộc chiến, vào mùa đông lạnh giá, ông lại được sưởi ấm bằng chiếc áo len vợ tặng. Ngày đất nước thống nhất, hành trang trong ba lô ông có chiếc áo len mà vợ đã tặng.
Ngoài chiếc áo len mà vợ cố Thượng tướng mua tặng, Bảo tàng Bình Dương đang lưu giữ hai hiện vật đó là chiếc bình toong và ca. Đây là chiến lợi phẩm mà cố Thượng tướng và đồng đội đã thu được trên chiến trường ở miền Đông Nam bộ sau những trận giao tranh giữa ta và địch. Ông đã dùng bình toong và ca này làm vật dụng để phục vụ ông và đồng đội trong những năm kháng chiến cho tới ngày đất nước thống nhất. Nó đã trở thành vật dụng không thể thiếu đối với người lính và cũng như là một người bạn luôn sát cánh đồng hành cùng ông và đồng đội xung trận.
Mối lương duyên vợ chồng
Bà Lê Thị Thoa, phu nhân của cố Thượng tướng Trần Văn Trà là con gái của một gia đình trí thức yêu nước. Cha bà là luật sư Lê Đình Chi, mẹ bà là bà Lê Thị Tường Lân. Là người yêu nước, yêu cách mạng, cha bà - luật sư Lê Đình Chi, một trí thức lớn thời ấy đã dám từ bỏ cuộc sống giàu sang, sung sướng và con đường sự nghiệp thênh thang để đi theo kháng chiến, từng giữ chức Giám đốc Nha Quân pháp Nam bộ. Nhưng chiến tranh nghiệt ngã và khốc liệt, cụ hy sinh trong một trận càn của Pháp tại Đồng Tháp Mười. Một trong những người con của cụ cũng hy sinh. Lúc đó Thượng tướng Trần Văn Trà mới từ Việt Bắc trở về. Xúc động trước sự hy sinh và nỗi đau mất mát của gia đình cụ Lê Đình Chi, Thượng tướng Trần Văn Trà đã đến chia buồn. Đó cũng là lần đầu tiên ông gặp bà Lê Thị Thoa, cô con gái đầu lòng của liệt sĩ - luật sư Lê Đình Chi. Khi đó Thượng tướng Trần Văn Trà 30 tuổi, bà Lê Thị Thoa mới 15 tuổi. Ấn tượng đầu tiên của cô bé Lê Thị Thoa khi ấy về Trần Văn Trà là ông “đẹp trai, giọng nói sang sảng và rất có uy”. Nhưng cuộc gặp đầu tiên đó, cả hai đều không biết đó là cuộc gặp định mệnh, giúp họ tìm được người bạn đời của mình. Mấy năm sau đó, Trần Văn Trà vẫn lao mình vào những phong trào cách mạng mà quên đi hạnh phúc cá nhân. Khi ấy bà Lê Thị Thoa chuyển xuống rừng U Minh học ngành y và trở thành y tá trong một trạm y tế. Được nhiều cán bộ ở đó để mắt tới, nhưng bà chưa hề yêu ai. Đồng chí Lê Đức Thọ thấy thế đã tác hợp cho bà và Thượng tướng Trần Văn Trà. Đồng chí Lê Đức Thọ không ngờ rằng, cả hai đã biết nhau trước đó vài năm. Tình yêu giữa họ nhanh chóng nảy nở và đơm hoa bằng một đám cưới. Khi ấy Trần Văn Trà đang làm nhiệm vụ ở miền Đông Nam bộ. Theo kế hoạch, chú rể sẽ đi từ miền Đông về miền Tây để gặp cô dâu và tổ chức đám cưới. Nhưng đang trên đường đi thì ông bị gọi giật lại tham gia một trận đánh. Lễ cưới dở dang và phải mãi đến 2 năm sau, vào ngày mùng 1 tết năm 1954, đám cưới của ông bà mới được diễn ra. Do Trần Văn Trà quá bận rộn với công việc chiến trận, nên lần này, để bảo đảm cho đám cưới, cô dâu được tổ chức giao nhiệm vụ đi ngược về nơi đóng quân của chú rể. Ngày đó, khi gả con gái cho Trần Văn Trà, mẹ bà Lê Thị Thoa - cụ Tường Lân - đã rơi nước mắt vì thương con. Chính cụ là người đã tìm mọi cách tác hợp cho mối lương duyên ấy và vô cùng hạnh phúc, hài lòng vì có một người con rể giỏi giang như Trần Văn Trà. Mải mê với chinh chiến trận mạc, nên đến tận những năm tháng về hưu, Thượng tướng Trần Văn Trà mới có thời gian sống bên cạnh vợ con, vui hưởng cuộc sống yên bình với gia đình. Điều khiến ông luôn cảm thấy may mắn và hạnh phúc là ông luôn có một hậu phương vững chắc, một người vợ hiền đảm, tần tảo nuôi con, chăm sóc gia đình, giúp ông yên lòng thực hiện nhiệm vụ lớn của mình với đất nước.
Vị tướng lừng danh của Quân đội nhân dân Việt Nam
Thượng tướng Trần Văn Trà tên thật là Nguyễn Chấn, sinh ngày 15-9-1919, quê xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, sau vào cư ngụ tại Sài Gòn. Xuất thân trong một gia đình cha làm thợ xây, mẹ buôn bán gánh gồng mong muốn chắt chiu nuôi con thành người ăn học, thời trẻ, ông học tiểu học tại Quảng Ngãi. Thượng tướng còn có bí danh là Tư Chi, Tư Nguyễn, Ba Trà.
Ông tham gia cách mạng từ năm 1936, tham gia Đoàn Thanh niên dân chủ Huế khi còn đang học tại trường Kỹ nghệ thực hành Huế. Vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938, từ năm 1939 đến năm 1944, ông vào Sài Gòn làm công nhân hỏa xa, tiếp tục hoạt động cách mạng, hai lần bị thực dân Pháp bắt giam.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông giữ chức Ủy viên Kỳ bộ Việt Minh Nam bộ. Khi chiến tranh Đông Dương nổ ra tại Nam bộ, ông tham gia công tác quân sự, giữ chức Chi đội trưởng Chi đội (tương đương trung đoàn) 14, Khu trưởng Khu 8, Xứ ủy viên Nam bộ (1946-1948); Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Tư lệnh Khu 7 (1949- 1950); Phó Tư lệnh Nam bộ, Tư lệnh Phân khu miền Đông Nam bộ (1951-1954). Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1955- 1962), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn (1958), Giám đốc Học viện Quân chính và Chánh án Tòa án quân sự Trung ương (1961). Từ năm 1963, ông được cử vào Nam làm Phó Tư lệnh, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (1963-1975), Phó Bí thư Quân ủy Quân giải phóng miền Nam.
Sau Hiệp định Paris 1973, ông làm Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Ban Liên hiệp đình chiến 4 bên ở Sài Gòn. Sau ngày 30-4-1975, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7. Từ năm 1978 đến 1982, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ năm 1992 ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (dự khuyết khóa III, chính thức khóa IV). Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1959, Thượng tướng năm 1974.
Đất nước hòa bình, Thượng tướng vẫn tiếp tục lao động và cống hiến, ngoài viết hồi ký như cuốn “Những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng” năm 1978 và cuốn “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” năm 1982, Thượng tướng còn tham gia nhiều hoạt động xã hội.
Trong những lần tâm sự với anh em đồng chí, Thượng tướng đã nói: “Ngẫm lại suốt đời theo con đường Bác Hồ đã chọn, vào Đảng, tôi sung sướng và tự hào đã biết cống hiến sức lực và tài năng cho nước cho dân, tuy có hạn chế… Đời binh nghiệp của tôi bắt đầu giống như một thanh niên nào cùng thời có lòng yêu nước. Khi nước nhà bị xâm lược mọi người Việt đều đứng lên cầm vũ khí đuổi kẻ thù. Tôi đã đi trọn 30 năm chống xâm lược Pháp - Mỹ. Trong đó 21 năm lặn lội ở chiến trường trở về đúng nơi mình đã ra đi 30 năm về trước. Đó là hạnh phúc nhất của người lính”.
Thượng tướng Trần Văn Trà qua đời ngày 20-4-1996 tại TP.Hồ Chí Minh. Tên tuổi, chiến tích, sự nghiệp phụng sự cho Tổ quốc, cho Đảng, cho nhân dân của cố Thượng tướng Trần Văn Trà vẫn còn mãi mãi với non sông, đất nước, lắng sâu trong tâm khảm của mỗi người, không những của thế hệ hôm nay mà còn những thế hệ kế tiếp…
Bài 2: Chiếc máy đánh chữ của cố Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Tiết
HOÀNG LONG