Những điểm nhấn qua các kỳ đại hội – Bài 9

Thứ bảy, ngày 26/09/2015

(BDO) Bài 9: Từ làn gió đổi mới

Thực hiện các chủ trương về đổi mới, mở cửa và hội nhập về kinh tế của Đảng, Đảng bộ tỉnh Sông Bé tiến hành Đại hội (ĐH) lần thứ V (năm 1991) trên tinh thần trí tuệ - đổi mới - dân chủ - kỷ cương - đoàn kết. Đây chính là nền tảng để Đảng bộ tỉnh tiếp tục củng cố và phát huy những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ trước đó.

Đại hội của trí tuệ, đổi mới

ĐH Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ V được tiến hành 2 vòng; vòng 1 họp từ ngày 24-4 đến ngày 26-4-1991, vòng 2 họp từ ngày 26-12 đến ngày 28- 12-1991. Về dự ĐH có 310 đại biểu đại diện cho hơn 13.000 đảng viên trong toàn tỉnh. Đồng chí HồMinh Phương, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “ĐH Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ V được tiến hành trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Kinh tế tỉnh nói chung chưa thật sự ổn định, chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện kế hoạch 5 năm trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi quan trọng. Tình hình bất ổn ở Liên Xô, Đông Âu đã ảnh hưởng và tác động mạnh đến các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước, đặc biệt là nước ta khi đó còn bị bao vây, cấm vận kinh tế. Các thế lực thù địch đang chống phá nhiều nơi, ráo riết thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình với tham vọng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa V. Ảnh: DUY HIỀN

ĐH lần thứ V của Đảng bộ tỉnh đã tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng bộ nhiệm kỳ IV, đánh giá và phân tích những việc làm được và chưa làm được, đúc kết những nguyên nhân, ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, rút ra những bài học kinh nghiệm trên các lĩnh vực, hoạch định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và những biện pháp lớn cho những năm 1991-1995.

Nhớ lại thời kỳ tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới, đồng chí Phan Hồng Đoàn, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủtịch UBND tỉnh cho biết, tận dụng những thuận lợi các mặt và thực hiện các chủ trương về đổi mới, mở cửa và hội nhập về kinh tế của ĐH Đảng toàn quốc lần thứVII, Đảng bộ tỉnh cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu về kinh tế trong 5 năm 1991-1995 là: Ổn định và phát triển kinh tế; bắt đầu có tích lũy về nội bộ nền kinh tế; từng bước xây dựng cơ cấu kinh tế mới theo yêu cầu công nghiệp hóa; đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; vận hành thông suốt cơ chế quản lý mới. Riêng lĩnh vực phát triển kinh tế đối ngoại và thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh đã sớm đề ra chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư”; cố gắng tạo ra không gian mở để nền kinh tế phát triển nhanh, từng bước trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, có kết quả nổi trội về thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài”.

Những thành tựu bước đầu

“Sau hơn 4 năm tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong thực hiện các mục tiêu của 3 chương trình kinh tế lớn. Cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước từng bước được xác lập, nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần bước đầu hình thành. Trong nông nghiệp, với việc thực hiện khoán hộ, nông dân được giao đất, sản xuất có bước phát triển. Trong công nghiệp với chính sách tạo quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, hàng hóa làm ra ngày càng nhiều, chất lượng được nâng lên. Đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện một bước rõ nét”, đồng chí Hồ Minh Phương cho biết thêm.

ĐH lần thứ V của Đảng bộ tỉnh Sông Bé là ĐH của trí tuệ - đổi mới - dân chủ - kỷ cương - đoàn kết để tiếp tục củng cố và phát huy những thành quả của cách mạng mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sông Bé đã đạt được trong nhiệm kỳ trước. ĐH đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ V gồm 47 đồng chí. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Minh Triết được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Cao Văn Chi được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đồng chí Hồ Minh Phương được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong 5 năm thực hiện nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao và toàn diện. Hầu hết các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch. GDP bình quân đầu người đạt gấp đôi so với năm 1990; tỷ trọng các ngành kinh tế trong GDP bước đầu có sự chuyển dịch quan trọng theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp. Năm 1990, công nghiệp chỉ chiếm 10,35%, đến năm 1995, tỷ trọng công nghiệp đã tăng lên chiếm 25,5%. Trong từng ngành sản xuất, kinh doanh có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tận dụng và phát huy các thế mạnh, tiềm năng của ngành, vùng sản xuất.

Xuất nhập khẩu có sự chuyển hướng quan trọng và có quan hệ giao thương với nhiều nước trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng theo từng năm. Đến năm 1995, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 187,4 triệu USD, vượt 87,4% chỉ tiêu (nghị quyết đề ra 100 triệu USD). Mặt hàng xuất khẩu có sự chuyển biến tích cực về cơ cấu. Kim ngạch nhập khẩu năm 1995 đạt trên 81 triệu USD, bình quân mỗi năm tăng 74%. Về vốn đầu tư trong nước đến năm 1995, toàn tỉnh có 880 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn đạt gần 5.600 tỷ đồng. Trên lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh đã có 74 dự án được cấp phép với tổng sốvốn trên 500 triệu USD. Bên cạnh đó, còn có 21 dự án liên doanh khác với số vốn đầu tư gần 400 triệu USD đã thông qua Hội đồng đầu tư tỉnh, chờTrung ương cấp phép…

Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, trong 5 năm, tỉnh đã tổ chức ổn định cuộc sống cho gần 20.000 lao động hàng năm. Các chương trình xóa đói, giảm nghèo được đông đảo nhân dân đồng tình và nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Quỹ xóa đói giảm nghèo đạt hơn 30 tỷ đồng, đã tổ chức cho hơn 9.000 lượt hộ nghèo vay vốn, ổn định cuộc sống. Quy mô phát triển, chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao, đã đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở khám và chữa bệnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn giữ vững; quốc phòng - an ninh được bảo đảm…

Trong công tác xây dựng Đảng đã có bước cải tiến về nội dung và phương thức. Việc quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng có sự cải tiến phù hợp. Hệ thống tổ chức Đảng được củng cố và kiện toàn, nhất là ở cấp cơ sở. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ có chuyển biến tích cực. Tỉnh đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác đào tạo và quy hoạch. Trong 5 năm đã có trên 4.430 cán bộ, đảng viên được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng. Cũng trong 5 năm, kết nạp thêm 3.048 đảng viên mới, tiến độ phát triển đảng viên hàng năm đều tăng, đúng quy định và đảm bảo tiêu chuẩn.

Có thể khẳng định rằng, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ V, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Điều này đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, niềm tin của nhân dân; khẳng định quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng và xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới. (còn tiếp)

 Đồng chí Nguyễn Ngọc Chấn, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé cho biết: “Giai đoạn từ năm1986-1990 đã mở đầu cho thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, trọng tâm là đổi mới kinh tế đã tạo được những chuyển biến quan trọng như chuyển sang được cơ chế thị trường, xóa bỏ một phần quan trọng trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, ngăn chặn được tốc độ lạm phát, tiến hành đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của các thành phần kinh tế, mở rộng kinh tế đối ngoại, tiến tới cân bằng xuất nhập khẩu. Những thành tựu và ưu điểm trong bước đầu thực hiện kế hoạch 5 năm đãchứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng là đúng, phù hợp. Kế thừa và phát huy thành quả đạt được, ĐH Đảng toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã bổ sung và phát triển các chủ trương đổi mới của ĐH VI...”.

 

KIM HÀ