Những điểm nhấn qua các kỳ đại hội – Bài 15

Thứ bảy, ngày 03/10/2015

(BDO) Bài 15: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, giai đoạn 2005-2010, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để tăng tốc thu hút đầu tư. Những giải pháp cụ thể trong cải thiện môi trường đầu tư đã tạo dựng nên một thương hiệu Bình Dương với môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến sản xuất, kinh doanh.

 PCI 3 năm liền đứng đầu cả nước

Còn nhớ, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố lần đầu vào tháng 5-2005, Bình Dương đã gây được sự chú ý lớn trong dư luận cả nước, đứng thứ nhất trên phạm vi cả nước. Chỉ số này đã phản ánh rất rõ nét quá trình cải thiện môi trường đầu tư của Bình Dương, lãnh đạo tỉnh đã tiếp cận và hiểu rõ hơn tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp (DN). Từ đó, có cách điều chỉnh các giải pháp, các quy định phù hợp với nguyện vọng chính đáng của các nhà đầu tư. Quả thật, những kết quả mà Bình Dương đạt được trong lĩnh vực thu hút đầu tư là rất đáng tự hào, được các tỉnh, thành khác tìm đến học hỏi. Trong năm 2006 và 2007, Bình Dương lại tiếp tục dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI, còn trong 2 năm 2008 và 2009, xếp thứ 2, chỉ sau TP.Đã Nẵng. Điểm lại kết quả xếp hạng chỉ số PCI từ năm 2005 đến 2009, mới thấy được sự đổi thay của Bình Dương với chủ trương, chính sách cởi mở, thông thoáng trong mời gọi đầu tư.

Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh: Tuyến đường tạo lực vào Khu công nghiệp Mỹ Phước II, TX.Bến Cát. Ảnh: Q.CHIẾN

Có thể nói, trong giai đoạn này, bằng sự chỉ đạo, lãnh đạo linh hoạt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, mọi tầng lớp nhân dân, Bình Dương không chỉ trở thành một điểm sáng của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư mà còn là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thực hiện những chủ trương lớn của Trung ương, trong giai đoạn 2005-2010, Đảng bộ tỉnh đã đề ra những chính sách chiến lược về đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, xúc tiến, mời gọi đầu tư, cải cách hành chính… Từ đó, Bình Dương tạo ra một “cú hích”, làm tiền đề cho sự phát triển của những năm sau này.

Nhạy bén trong lãnh đạo, điều hành

Trong giai đoạn 2005- 2010, tỉnh tiếp tục tạo ra những tiền đề quan trọng để có thêm những bước đột phá mới. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo phát triển nhanh nhưng phải bền vững, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là khai thác lợi thế vị trí địa lý, thương hiệu Bình Dương, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng hiện có để thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý. Ông Nguyễn Hoàng Sơn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh từng cho biết, nhờ huy động tốt nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng với sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tỉnh đã phát triển mạnh mẽ, đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo ra cơ sở, niềm tin để các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp rất năng động, có trách nhiệm, sâu sát với tình hình thực tế, giải quyết thỏa đáng những vướng mắc phát sinh và tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao, nhất là trong công tác giải tỏa, đền bù khi quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư. Nhờ đó, hàng loạt các khu công nghiệp mới tiếp tục ra đời, những tuyến đường tạo lực được xây dựng đi kèm với các công trình hạ tầng, kỹ thuật khác về điện, nước, viễn thông… Tất cả đã tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các DN trong và ngoài nước.

Sản xuất bơm thủy lực tại Công ty TNHH Takako, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I. Ảnh: Q.CHIẾN

Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, Bình Dương còn quyết tâm thực hiện đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện đề án này, UBND tỉnh xác định đơn giản hóa TTHC là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đến cuối năm 2010. Từ đó, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch của đề án đơn giản hóa TTHC, quyết tâm tạo ra một nền hành chính minh bạch, hiệu quả, hiện đại, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến Bình Dương sản xuất, kinh doanh.

Trong giai đoạn 2005-2010, các nhà đầu tư đến Bình Dương đã đánh giá cao sự nhạy bén trong lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh đã biết vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, các chương trình hành động của Tỉnh ủy vào tình hình thực tế của từng địa phương. Trong đó, điểm nhấn nhìn thấy rõ nhất là sự đồng thuận của nhân dân khi tích cực hưởng ứng chủ trương chung của tỉnh về mời gọi đầu tư để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Song song đó, các sở, ban, ngành đã từng bước góp phần cải thiện chỉ số PCI và đẩy mạnh công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh. Các nhà đầu tư khi đến tham quan, tìm hiểu rồi tiến hành đầu tư tại địa phương đều kinh doanh hiệu quả và bày tỏ sự hài lòng với môi trường đầu tư của Bình Dương, nhất là việc liên tiếp 3 năm liền, từ 2005-2007, tỉnh giữ vị trí quán quân về chỉ số PCI.

Rõ ràng, việc tạo dựng được một thương hiệu Bình Dương với môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi chính là nhờ sự lãnh đạo linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đây cũng là bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị để sau đó, tỉnh tiếp tục phát huy để tăng tốc thu hút đầu tư trong nhiệm kỳ kế tiếp và cả thời gian sau này.

 Trong giai đoạn 2005-2010, tỉnh đã thu hút được 5.553 DN trong nước với tổng số vốn đầu tư 44.990 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong giai đoạn này đã tăng lên nhanh chóng. Lũy kế đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 1.922 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 13 tỷ USD; riêng trong giai đoạn 2005-2010, tỉnh đã thu hút 846 dự án đầu tư FDI, tổng vốn đầu tư là 7,3 tỷ USD.

 

HỒ VĂN