Những điểm nhấn qua các kỳ đại hội – Bài 13
(BDO) Bài 13: Bước ngoặt lớn trên đường phát triển
Nhờ kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên trong 5 năm (2001-2005), kinh tế Bình Dương liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Nhằm tạo lực đẩy cho sự phát triển của tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đã quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, trong đó nền tảng là phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư và các dịch vụ cao cấp…
Hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm
Giai đoạn 2001-2005 là thời kỳ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển trong thời kỳ này phải vừa khẳng định được vị trí của một tỉnh công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước vừa tạo tiền đề vững chắc cho việc đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong chặng đường tiếp theo. Trên tinh thần đó, để thực hiện kế hoạch 5 năm (2001-2005), Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng bộ tỉnh; kịp thời đề ra các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản khác về phương hướng phát triển các huyện, thị và các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh nằm trong thành phố mới Bình Dương thuộc dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương hiện hữu. Ảnh: XUÂN THI
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, kinh tế của tỉnh tiếp tục thu được nhiều thành quả quan trọng. Sự tăng trưởng liên tục và nhanh chóng của ngành công nghiệp cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa tỉnh Bình Dương từ một tỉnh nghèo, chậm phát triển trở thành tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thuộc hàng cao nhất nước; trở thành một địa phương có nhiều khu và cụm công nghiệp. Trong giai đoạn 2001-2005, Bình Dương đã phát triển thêm 9 khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp trong tỉnh lên con số 16 với tổng diện tích trên 3.200 ha, thu hút 1.890 dự án trong nước với 9.390 tỷ đồng vốn đầu tư và 606 dự án đầu tư nước ngoài với 2,259 tỷ USD vốn đầu tư. Lũy kế đến năm 2005, Bình Dương có 3.459 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đạt 15.733 tỷ đồng và 1.076 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 4,998 tỷ USD. Công nghiệp phát triển đã giải quyết công ăn việc làm cho 33.000 lao động mỗi năm. Trong đó, một số khu công nghiệp tiêu biểu như: Khu công nghiệp Việt Nam - Sigapore I với diện tích quy hoạch 500 ha, có hạ tầng hiện đại, được đánh giá là khu công nghiệp chất lượng cao, có tổng số 161 dự án đầu tư với tổng vốn 893 triệu USD, giải quyết việc làm cho 32.000 lao động. Bên cạnh đó, các Khu công nghiệp Việt Hương I, Việt Hương II, Sóng Thần I, Mỹ Phước, Tân Đông Hiệp A, B, Nam Tân Uyên… đều hoạt động hiệu quả, thu hút hàng trăm triệu USD và giải quyết hàng chục ngàn lao động mỗi năm.
Là ngành kinh tế trọng yếu của tỉnh, công nghiệp đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Trong 5 năm (2001-2005), sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 2 lần mức trung bình của cả nước và cao hơn của vùng; có 3 năm tỉnh được xếp vị trí thứ nhất về tốc độ phát triển trong các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm tăng trưởng ở mức cao và liên tục. Từ những thành công trong phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, Bình Dương được Chính phủ xác định là một trong những địa phương hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Lực đẩy cho phát triển
Nằm trong chiến lược phát triển của tỉnh, ngày 12-10-2004, tỉnh Bình Dương đã khởi công xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương có tổng diện tích trên 4.000 ha với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, nằm trên địa bàn 5 xã của Tân Uyên, Bến Cát và Thủ Dầu Một. Theo quy hoạch, khu liên hợp được chia ra thành 6 khu công nghiệp tập trung có diện tích 1.800 ha; khu dịch vụ cao cấp mang tầm cỡ quốc tế có diện tích 678 ha được bố trí trên phần đất của 2 xã Định Hòa và Phú Mỹ gồm sân golf, trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng, trường đại học, trường nghề, bệnh viện, khu điều dưỡng, khu nghỉ mát… Nằm giữa các khu công nghiệp và dịch vụ là khu đô thị mới, nhà ở cao cấp, chung cư, văn phòng cho thuê, ký túc xá. Khu đô thị hiện đại có quy mô 120.000 dân với diện tích 800 ha. Đồng thời, trong khu liên hợp còn có 5 khu tái định cư nằm ở các xã Định Hòa, Phú Mỹ, Hòa Lợi, Tân Vĩnh Hiệp và Phú Chánh, được bố trí như một vành đai, hài hòa cho toàn khu.
Đường Phạm Ngọc Thạch dẫn vào Trung tâm thành phố mới Bình Dương trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI
Cùng với quốc lộ 13 được xem như cửa ngõ thứ nhất, khu liên hợp sẽ là cửa ngõ thứ hai, mở ra các tuyến giao thông huyết mạch giúp Bình Dương nối với sân bay, bến cảng, giao lưu hàng hóa với các nước trong khu vực cũng như các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần thúc đẩy sự hội nhập kinh tế quốc tế của Bình Dương. Bên cạnh đó, khu liên hợp sẽ giải quyết việc làm cho 150.000 - 200.000 lao động trực tiếp và một số lượng lớn lao động dịch vụ khác. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút lực lượng lao động có tay nghề, kiến thức từ mọi miền đất nước, kể cả các chuyên gia nước ngoài. Hơn thế nữa, khu liên hợp sẽ tạo ra một hiệu quả về không gian xây dựng, biến vùng đất nông thôn với sản xuất nông nghiệp nghèo nàn thành một khu vực phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị sầm uất, hiện đại mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, góp phần hình thành một thành phố hiện đại trong tương lai.
Nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, việc xây dựng khu liên hợp giúp tỉnh sử dụng hiệu quả quỹ đất, qua đó định hướng mục tiêu, chính sách phát triển kinh tế trong hiện tại và tương lai. Mặt khác, sự ra đời của Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương là một bước ngoặt quan trọng khẳng định sự năng động và sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương. (Còn tiếp)
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2001-2005, kinh tế Bình Dương liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP. Thu ngân sách tăng nhanh, kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh; thu hút đầu tư có sự chuyển biến, một số chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh GDP liên tục tăng trưởng. Bình quân mỗi năm GDP tăng 15,3% (chỉ tiêu là 13 đến 14%), cao nhất là năm 2002 (15,8%). Đến năm 2005, cơ cấu của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 63,8% - 28,2% - 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 15,4 triệu đồng/người/năm.
T.DŨNG - M.T.PHONG