Những điểm nhấn qua các kỳ đại hội – Bài 10

Thứ hai, ngày 28/09/2015

(BDO) Bài 10: Chính sách trải chiếu hoa mời gọi đầu tư ra đời

Trong những năm đầu của thập niên 90, lãnh đạo tỉnh Sông Bé đã sớm đề ra chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư”, cố gắng tạo ra không gian mở để nền kinh tế phát triển nhanh, từng bước trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, có kết quả nổi trội về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Và với những nỗ lực tổng hợp, từ lãnh đạo, chính quyền, cho đến các cơ quan quản lý nhà nước, các cộng đồng doanh nghiệp và người dân, với một sức mạnh tổng hợp từ chủ trương đúng đắn của địa phương, Bình Dương hiện nay đã kế thừa, vượt lên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước.

 Từ một chủ trương đúng đắn

Kinh tế tỉnh Sông Bé - Bình Dương cho đến năm 1990, tính chất nông nghiệp vẫn là phổ biến. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, Đảng bộ tỉnh đã nỗ lực lãnh đạo thực hiện việc mở cửa và hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Thông qua quá trình này, các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế địa phương nói chung cùng cả nước từng bước nhập cuộc với sự cạnh tranh quốc tế. Với chủ trương đổi mới được cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương, nhờ đó, cơ cấu kinh tế được chuyển đổi, các nguồn lực xã hội được phân bổ có hiệu quả cao hơn. Quá trình này cũng làm cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý quen dần với tư duy làm ăn mới, lấy hiệu quả kinh tế làm động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính việc thực hiện chủ trương này đã tạo bước chuyển đổi quan trọng về chất trong nền kinh tế.

Tổng Bí Thư Đỗ Mười cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sông Bé họp bàn chiến lược đầu tư phát triển công nghiệp năm 1991. Ảnh: TƯ LIỆU

Bằng những việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu ồ ạt chảy về địa phương. Các công ty, nhà máy mọc lên khắp nơi, nguồn nhân lực trên khắp cả nước cũng ào ạt đổ về. Từ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những thành tựu đáng nể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, bộ mặt đô thị hóa đã được hình thành rõ nét.

Ông Hồ Minh Phương, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Đầu thập niên 90, để thực hiện tốt chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư”, lãnh đạo tỉnh đã hoạch định các bước đi phù hợp nhằm liên tục cải thiện môi trường đầu tư, qua đó thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đảng bộ tỉnh nhận thức rõ rằng, kinh tế hợp tác, liên doanh với nước ngoài không chỉ là phương thức chính để thu hút vốn đầu tư bên ngoài mà còn là con đường thích hợp để tiếp cận khoa học, công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, mở lối đi vào thị trường khu vực và thế giới. Đó cũng là điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu, tăng năng lực cạnh tranh, điều chỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với biến đổi của tình hình quốc tế”.

Với sự đầu tư mạnh về hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, chỉ trong thời gian ngắn cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch lớn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp. Nếu như năm 1990, tỷ trọng công nghiệp chỉ chiếm 10,35% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh thì 5 năm sau con số này đã là 25,5%. Đó thực sự là bước tiến quan trọng mở đầu cho quá trình tiến lên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau này của tỉnh.

Tăng trưởng nổi bật

Nhờ những bước đi thích hợp và quyết liệt trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh nên tốc độ tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực tiếp tục duy trì ở mức cao. Tính đến cuối 1996, tỉnh đã quy hoạch 15 khu công nghiệp trên diện tích hơn 6.000 ha. Trong đó có 3 khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Đường, Tân Định đã đi vào hoạt động; khu công nghiệp liên doanh với Singapore có diện tích 500 ha cũng đã được triển khai. Từ đó, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp: Năm 1990, tỷ trọng công nghiệp chiếm 10,35%; nông - lâm nghiệp chiếm 63,84%; dịch vụ chiếm 25,81%. Đến năm 1995, tỷ trọng công nghiệp tăng lên 25,5%; nông - lâm nghiệp chiếm gần 50%; dịch vụ chiếm 25%.

Mức tăng trưởng nổi bật về công nghiệp và dịch vụ có được như vậy là nhờ tỉnh đã đa dạng hóa các nguồn đầu tư phát triển, tăng sức hấp thụ vốn, thu hút ngoại lực, huy động tối đa nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội, đặt các doanh nghiệp vào vị trí được gọi là lực lượng chủ công. Và trên hết, là nhờ định hướng đúng đắn của Đảng bộ và sự quản lý chặt chẽ của chính quyền các cấp nên hầu hết các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh hoạt động ổn định, phát triển bền vững.

Ông Hồ Minh Phương, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết thêm, do đầu tư đúng mà “mỗi đồng vốn của Nhà nước thu hút hơn ba đồng vốn của xã hội”. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh đã hoạch định bước đi phù hợp, cải thiện liên tục môi trường đầu tư, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước trong đầu tư phát triển làm cho vốn của Nhà nước cuốn hút nhiều nguồn vốn xã hội, dấy lên khí thế sản xuất, kinh doanh mới.

Mặt khác, Đảng bộ tỉnh cũng nhận thức rõ rằng kinh tế hợp tác, liên doanh với nước ngoài không chỉ là phương thức chính để thu hút vốn đầu tư bên ngoài, mà còn là con đường quản lý tiên tiến, mở lối đi vào thị trường khu vực và thị trường thế giới, thúc đẩy xuất khẩu, tăng năng lực cạnh tranh, điều chỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với biến đổi của tình hình quốc tế, khai thác có hiệu quả những lợi thế so sánh trong từng thời kỳ phát triển. Những thành tựu đạt được trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V chỉ là bước đầu, song đã tạo thế, tạo lực và tinh thần lạc quan trong nhân dân. Đó cũng chính là bước tiến quan trọng mở đầu cho quá trình tiến lên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau này của Bình Dương. (còn tiếp)

Thực tế cho thấy, trong những năm 1990-1995, nền kinh tế tỉnh phát triển đều và liên tục với tốc độ nhanh, có tích lũy. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1991-1995) định ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức, điều mà các kế hoạch 5 năm trước đó chưa bao giờ đạt được. Tốc độ tăng GDP bình quân mỗi năm trong thời kỳ này đạt 15%, vượt gấp đôi chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra là 7,8%. Trong đó, nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 9,22%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 37,87%, dịch vụ tăng 24,5%, thương mại - xuất nhập khẩu tăng 74%. Các số liệu này đều cao hơn so với bình quân của cả nước: GDP (8,2%); nông - lâm nghiệp - thủy sản (4,3%); công nghiệp - xây dựng (12,9%), dịch vụ (9,1%); thương mại - xuất nhập khẩu (41%).

 

NGỌC THANH