Những chặng đường vẻ vang - Bài 2

Thứ sáu, ngày 31/07/2015

Bài 2: Tự hào truyền thống ngành Tuyên giáo Bình Dương

(BDO) Ngay từ khi thành lập, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của tỉnh đã từng bước trưởng thành, xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp sức cùng làm nên những chiến thắng trong các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược. Sau ngày đất nước thống nhất, ngành tuyên giáo của tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đẩy mạnh công tác tư tưởng, chung sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.

 Các cán bộ lão thành ngành tuyên huấn gặp mặt tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một - Bình Dương Ảnh: Q.CHIẾN

Góp công làm nên chiến thắng

Theo chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, ngày 10-5-1949, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ký quyết định thành lập Ban Tuyên huấn do đồng chí Tiêu Như Thủy làm Trưởng ban. Cả Ban Tuyên huấn lúc này chỉ có 2 người, cơ sở vật chất cho hoạt động vô cùng thiếu thốn. Sau khi thành lập, tài liệu phục vụ học tập rất ít. Do đó, những cán bộ đầu tiên được Đảng phân công làm công tác tuyên huấn nhiệt tình thì có đủ, song kiến thức công tác chuyên môn còn rất chập chững nên phải vừa làm, vừa học rồi trưởng thành dần theo năm tháng trong kháng chiến. Vượt qua khó khăn, thiếu thốn, ngành Tuyên huấn Thủ Dầu Một tiếp tục xây dựng, tổ chức các kế hoạch hoạt động và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đội ngũ làm công tác tuyên huấn của tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng đường lối và tuyên truyền các phong trào kháng chiến với tinh thần quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do. Ngành tuyên huấn đã kiên trì, làm cho mỗi người đều hiểu được mục đích kháng chiến là cứu nước, cứu nhà, toàn dân phải đánh giặc, đánh giặc phải lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi; đồng thời phê phán, đẩy lùi những khuynh hướng lệch lạc, bi quan, ngại đánh lâu dài, ngại hy sinh gian khổ, chủ quan, khinh địch, thiếu cảnh giác, nôn nóng, muốn đánh nhanh, thắng nhanh, ỷ lại... Công tác tuyên huấn trong thời kỳ này đã thường xuyên tố cáo những tội ác dã man của địch để nâng cao lòng căm thù, ý chí quyết tâm kháng chiến, không ngại hy sinh gian khổ, vạch rõ những thủ đoạn xảo quyệt của địch để đề cao cảnh giác. Qua đó, đã giáo dục chủ nghĩa yêu nước với tinh thần đoàn kết quốc tế, làm cho nhân dân phân biệt được bọn thực dân xâm lược Pháp với nhân dân lao động Pháp yêu chuộng hòa bình.

Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, ngành Tuyên huấn Thủ Dầu Một đã chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù trên mặt trận tư tưởng, gặt hái được nhiều thắng lợi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Trong giai đoạn đầu, ngành tuyên huấn đã tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, chống bắt những người kháng chiến cũ, chống bắt lính. Ban Tuyên huấn đã biên tập tin tức đấu tranh của nhân dân trong tỉnh và một số địa phương khác ở Nam bộ kèm theo những bài bình luận ngắn vạch trần âm mưu, thủ đoạn và hành động can thiệp của Mỹ và tập đoàn tay sai phản động bán nước. Với những cống hiến về sức lực, trí tuệ, xương máu của cán bộ, ngành tuyên huấn đã góp phần cùng với các lực lượng khác, cùng với nhân dân trong tỉnh, nhân dân miền Nam đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, động viên quân và dân toàn tỉnh đánh cho ngụy nhào, giải phóng tỉnh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Xây dựng quê hương giàu đẹp

Từ sau năm 1975 đến nay, trước yêu cầu mới khi cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoạt động tuyên giáo của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ về nội dung và phương thức hoạt động. Trong thời kỳ này, công tác tuyên giáo được xác định là nhiệm vụ của toàn Đảng, của tất cả đảng viên, trước hết là cấp ủy các cấp, của cả hệ thống chính trị với sự tham gia, đóng góp của nhân dân, trong đó lực lượng nòng cốt là đội ngũ chuyên trách làm công tác tuyên giáo. Lợi ích chính đáng của người dân và công chúng trở thành ưu tiên hàng đầu của xã hội. Mặt khác, trong thời kỳ này, việc bùng nổ thông tin vừa là cơ hội, vừa là thách thức của công tác tuyên giáo. Tất cả đòi hỏi một đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên giáo tinh nhuệ hơn, phương thức công tác khoa học hiện đại và phù hợp hơn.

Sau khi đất nước thống nhất, Sông Bé - Bình Dương chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu quả chiến tranh. Trong bối cảnh đó, ngành tuyên giáo tỉnh đã đi trước một bước trong nhiệm vụ tuyên truyền động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng ổn định tình hình và xây dựng cuộc sống mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong cuộc chiến tranh Tây Nam. Vai trò quan trọng của ngành tuyên giáo tỉnh lúc này là tạo được một tiềm lực về tinh thần, tư tưởng vững mạnh trong nội bộ Đảng và nhân dân. Chính nhân tố quan trọng này đã trở thành ngọn nguồn sức mạnh, để sau đó Đảng phát động và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới.

Từ năm 1986, hít thở luồng gió đổi mới, ngành tuyên giáo của tỉnh đã cùng với cả nước phát huy vai trò xung kích trong việc tổ chức, giáo dục, bồi dưỡng tuyên truyền cho cán bộ đảng viên và nhân dân tiến hành nhận thức lại và nhận thức mới các vấn đền kinh tế - xã hội của đất nước và chủ nghĩa xã hội. Công sức của quá trình này đã nhanh chóng ra hoa kết trái với nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, nhất là sự hình thành các thành phần kinh tế và sự xuất hiện của hàng trăm trang trại, nhanh chóng phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo ra thế và lực mới để địa phương phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Với sự góp sức của ngành tuyên giáo, quê hương Sông Bé - Bình Dương thay da đổi thịt từng ngày. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh được cải thiện mạnh mẽ. Nhân dân ngày càng lạc quan tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào cách mạng và tiền đồ của đất nước.

Vào cuối năm 1996, đầu năm 1997, khi được chia tách và tái thành lập tỉnh Bình Dương, từ đây ngành tuyên giáo Bình Dương bước vào một giai đoạn lịch sử mới. Trong không gian và điều kiện cụ thể của tỉnh, ngành tuyên giáo lại tiên phong trong công tác tuyên truyền. Nội dung hoạt động quan trọng nhất là vận động toàn Đảng bộ và quần chúng nhân dân phát huy tính năng động sáng tạo, tận dụng các cơ hội, khơi dậy, tập hợp và phát huy các nguồn lực phát triển để đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mục tiêu chung đặt ra là nhanh chóng đưa công nghiệp, dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; quyết tâm đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Với những đóng góp to lớn, ngành tuyên giáo của tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất và Huân chương Độc lập hạng ba, cùng nhiều bằng khen, cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Phát huy truyền thống quý báu của ngành Tuyên huấn Thủ Dầu Một, hiện nay, những cán bộ làm công tác tuyên giáo Bình Dương vẫn đang tiếp tục không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vững vàng về bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm, có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ năng lực chuyên môn giỏi cùng với kinh nghiệm dồi dào; nắm vững quan điểm, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, bám sát thực tiễn cuộc sống, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng để nhân dân tin cậy, yêu mến. Qua đó, làm tốt công tác tuyên giáo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục tạo sự đồng thuận, thống nhất về tư tưởng, ý chí, hành động trong toàn Đảng, toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra. Đây cũng chính là “chìa khóa vàng” cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai.

 

 CAO SƠN