Những chặng đường vẻ vang – Bài 1
(BDO) Bài 1: Sứ mệnh lịch sử
Kể từ ngày thành lập, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân liên tục đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng rất coi trọng công tác tư tưởng. Công tác tư tưởng của Đảng đã góp phần quan trọng vào mọi thắng lợi vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1.8.1930 - 1.8.2015), Báo Bình Dương xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết về những chặng đường vẻ vang của ngành tuyên giáo.
Gắn kết máu thịt giữa Đảng với nhân dân
Năm 1930, sau khi ra đời, Đảng ta đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền, một tổ chức quan trọng hàng đầu nhằm tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng. Nhân ngày Quốc tế đỏ (1-8-1930), Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng phát hành tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ mùng 1-8” lên án chiến tranh đế quốc, kêu gọi giai cấp công nhân và các tầng lớp khác trong xã hội vùng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Xô Viết. Trong cao trào cách mạng 1930- 1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh và cả khi cuộc đấu tranh oanh liệt này bị kẻ thù dìm trong biển máu, những cán bộ tuyên truyền của Đảng vẫn bền gan chiến đấu, đưa đường lối của Đảng đến với quần chúng công nông, thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi ngày mai của Đảng, của dân tộc. Nhiều cán bộ tuyên truyền đã cùng đồng chí, đồng bào biến nhà tù đế quốc thành trường học đấu tranh cách mạng; biến nhà máy, hầm mỏ, đồng ruộng, bản làng thành nơi rèn luyện ý chí chiến đấu, nơi gắn kết máu thịt mang tính sống còn giữa Đảng với nhân dân.
Phong trào Gió đại phong được nông dân cả nước thi đua hưởng ứng. Ảnh: T.L
Trong suốt 85 năm qua, Đảng ta luôn coi công tác tuyên truyền, cổ động, khoa giáo là mặt trận hàng đầu, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và của chế độ. Năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm là Ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng. Kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống, ngày 1-8-2002, ngành tuyên giáo đã được Nhà nước tặng phần thưởng cao quý Huân chương Sao vàng.
Vai trò đặc biệt trong lịch sử cách mạng dân tộc
Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn với những tên gọi khác nhau, song về cơ bản, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; trực tiếp và thường xuyên là cơ quan tham mưu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội và cũng là cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác đó. Song hành với lịch sử cách mạng Việt Nam, ngành tuyên giáo đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Điểm nổi bật của công tác tuyên giáo trong giai đoạn 1930- 1945 là thắng lợi của công tác giác ngộ, giáo dục, động viên, tập hợp lực lượng, rèn luyện và tổ chức các phong trào quần chúng, biến lý tưởng và tư tưởng cách mạng thành sức mạnh. Trong hoàn cảnh bị kẻ địch đàn áp tàn khốc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, Trung ương Đảng, đội ngũ những chiến sĩ làm công tác tuyên giáo đã nêu cao phẩm chất và khí tiết người cộng sản, sẵn sàng hy sinh tính mạng, không sợ tù đày tra tấn, bám sát phong trào cách mạng để tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh chống thực dân, đế quốc; góp phần quan trọng thúc đẩy cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh công khai đòi quyền dân sinh, dân chủ; cao trào chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô và phe đồng minh... Thông qua báo chí, tài liệu bí mật, các lớp huấn luyện và hàng ngàn cuộc mít tinh, biểu tình... đội ngũ cán bộ tuyên giáo tuyên truyền, cổ vũ các cao trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Đến giai đoạn 1945-1954, trong hoàn cảnh vận nước ngàn cân treo sợi tóc, đội quân làm công tác tuyên giáo tập hợp dưới lá cờ của Đảng, đứng đầu là nhà tư tưởng kiệt xuất Hồ Chí Minh, đã hăng hái tuyên truyền vận động nhân dân, bảo vệ chính quyền mới và tích cực chuẩn bị kháng chiến cứu nước. Hoạt động công tác tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu, góp phần trực tiếp nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển sức mạnh của nhân tố con người Việt Nam; tập hợp lực lượng, khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, đáp ứng những đòi hỏi gay gắt của cuộc kháng chiến. Sức mạnh tổng hợp to lớn đã được minh chứng bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954.
Giai đoạn 1955-1975, công tác tuyên giáo tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước. Ở giai đoạn này, công tác tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu trong việc khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, tập hợp lực lượng, phát động và nhân rộng phong trào thi đua yêu nước ở cả hai miền, với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là những phong trào với những khẩu hiệu rung động lòng người. Ở miền Bắc có các phong trào thi đua với những khẩu hiệu: “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”... Ở miền Nam có các phong trào: “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Năm xung phong”, “Dũng sĩ diệt Mỹ - Ngụy”, “Xuống đường đòi tự do, dân chủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”... Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng Việt Nam đã được chuyển hóa bằng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.
Trong giai đoạn từ 1975 đến nay, công tác tuyên giáo của Đảng tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Điểm nổi bật của công tác tuyên giáo trong thời kỳ này là tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đổi mới tư duy, tổng kết thực tiễn; làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta; cổ vũ, động viên phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực; khơi dậy và nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sức sáng tạo xã hội, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn của đất nước.
Trải qua 85 năm, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng không ngừng phát triển, ngày càng đông đảo và trưởng thành theo mỗi bước tiến lên của sự nghiệp cách mạng. Dạn dày trong đấu tranh cách mạng, hòa mình vào phong trào quần chúng, các thế hệ những người làm công tác tuyên giáo luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng, đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH. (còn tiếp)
Trong giai đoạn 1955-1975, công tác tuyên giáo đã góp phần tạo nên các phong trào thi đua với khẩu hiệu rung động lòng người. Ở miền Bắc có các phong trào thi đua: “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”… Ở miền Nam có các phong trào: “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Năm xung phong”, “Dũng sĩ diệt Mỹ - Ngụy”, “Xuống đường đòi tự do, dân chủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”... Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng Việt Nam đã được chuyển hóa bằng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.
CAO SƠN