Nhà báo và những suy ngẫm- Bài 3

Thứ tư, ngày 17/06/2015

Bài 3: Phóng viên trẻ Phan Tấn Phum: Học để thay đổi nhân cách…

“Với xuất phát điểm thấp, nhưng nếu không ngừng học hỏi và biết vươn lên thì cuộc sống của chính mình sẽ thay đổi”. Đó là chia sẻ nghe có vẻ chân lý, song lại rất thực tế của quay phim viên Phan Tấn Phum (ảnh), Đài PT-TH Bình Dương. Gặp Phum sau chuyến công tác 10 ngày tại quần đảo Trường Sa, anh hồ hởi chia sẻ về những cảm xúc của chuyến đi đến nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Càng xúc động hơn bởi đây là chuyến công tác Trường Sa đầu tiên của nhà báo trẻ đến với các chiến sĩ đang ngày đêm gìn giữ biển đảo quê hương.

(BDO)

Với xuất phát điểm học vấn khiêm tốn (chưa hết cấp 3), năm 2003, Phan Tấn Phum xin vào công tác tại Đài PT-TH Bình Dương với vai trò là nhân viên bảo vệ cơ quan. Đây cũng là cột mốc đánh dấu chặng đường học - học nữa để trau dồi kiến thức và thay đổi cuộc sống của Phum.

Đầu tiên, Tấn Phum vừa làm, vừa học để lấy bằng cấp 3. Rồi nhờ được tiếp xúc với máy quay, những chương trình phát sóng hàng ngày của BTV, hiểu được từng công đoạn để làm nên một chương trình phát sóng phục vụ khán giả, Phum bắt đầu lân la làm quen với các anh quay phim viên của đài. Được sự gợi ý, động viên và định hướng của các đàn anh như Thành Nhân, Trung Kiên... Phum quyết định thu xếp công việc tại cơ quan để tham gia vào lớp quay phim căn bản ngắn hạn tại Đài Truyền hình TP.HCM năm 2005. Đây là điều kiện tốt để anh được tiếp cận nhiều hơn nữa với truyền hình, được tiếp tục học tập, trau dồi kinh nghiệm nghề nghiệp cho bản thân.

Đến năm 2006, Phan Tấn Phum quyết định thi vào trường Đại học Sư phạm TP.HCM, chuyên ngành ngôn ngữ hệ tại chức tại Bình Dương, với hy vọng sẽ có một nền tảng kiến thức vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu của môi trường truyền hình. Ghi nhận tinh thần ham học hỏi, biết phấn đấu vươn lên của Phum, năm 2007, Đài PT-TH Bình Dương quyết định chuyển anh về công tác tại Phòng TDTT trong vai trò là quay phim viên. Tại đây, Phum được cọ xát thực tế hơn với công tác chuyên môn, tiếp tục học hỏi đồng nghiệp và bạn bè để trưởng thành, cứng cáp trong nghề.

Giờ đây, sau gần 8 năm xông pha cùng đồng nghiệp, Tấn Phum đã trở thành một quay phim viên có tay nghề vững vàng, được đồng nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, anh vẫn không ngừng học hỏi để nhạy bén hơn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi ngày càng cao của ngành truyền hình. Đã từng cộng tác với Phum trong nhiều chương trình, tôi nhận thấy dù là chương trình lớn hay nhỏ, anh đều đầu tư công sức, chịu khó tìm tòi để có những cảnh quay ưng ý nhất. Với sự nhiệt tình đó, dù là phóng viên chính của Phòng TDTT, nhưng Phum còn được mời tham gia chương trình ở các phòng ban khác như Văn nghệ, Thời sự…

Để đáp ứng yêu cầu thông tin kịp thời và chính xác trong các chương trình phát sóng của đài, Tấn Phum còn học hỏi từ đồng nghiệp kỹ thuật cách cắt gọt sản phẩm để gửi hình ảnh về đài nhanh nhất có thể trong quá trình tác nghiệp. Chính vì thế, tại các kỳ SEA Games trong và ngoài nước, Tấn Phum cũng là một trong những phóng viên được ưu tiên tham gia cùng ê kíp thực hiện chương trình.

Mới đây, Tấn Phum cùng biên tập viên Khánh Hà được Ban Giám đốc đài giao trọng trách thực hiện chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa. Anh đã cùng đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gửi về đất liền nhiều hình ảnh đẹp và xúc động liên quan đến đời sống thường nhật cũng như công tác của những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Với nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh thần trách nhiệm với các phong trào Đoàn, Tấn Phum còn được tín nhiệm vào Ban Chấp hành chi đoàn, Đoàn cơ sở nhiều năm liền tại đài. Nhìn lại quá trình đã qua, anh cho rằng mình cần có trách nhiệm hơn nữa để không phụ lòng tin yêu của mọi người, đặc biệt là những người đã giúp đỡ anh trong con đường học tập để từng ngày hoàn thiện bản thân.

Bài 4: Phát thanh viên Đăng Trình - Những vai diễn thú vị của cuộc đời

 SONG ANH