Nhà báo và những suy ngẫm- Bài 2

Thứ ba, ngày 16/06/2015

Bài 2: Nhà báo trẻ Đặng Ngọc Quý: Những chuyến đi trải nghiệm

Đặng Ngọc Quý là phóng viên trẻ về tuổi đời, nhưng không hề non nớt về kinh nghiệm trong nghề. Từng là đồng nghiệp của anh tại Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, tôi hiểu rõ Ngọc Quý là một nhà báo thế hệ trẻ có năng lực, chịu xông pha và lao động tâm huyết, nghiêm túc với từng tác phẩm của mình. Tại giao lưu 12 đài truyền hình trong cả nước nhằm quảng bá du lịch do Đài Truyền hình Nghệ An tổ chức cách đây chưa lâu, Ngọc Quý đã mang vinh dự về cho Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương với giải nhất ký sự “Nối vòng tay biển”. Trước đó, tác phẩm “Lý Sơn nơi đầu sóng ngọn gió” của anh cũng đã nhận giải nhì cuộc thi “Thông tin đối ngoại toàn quốc năm 2014”...

 Gặp Ngọc Quý khi anh vừa liên tiếp nhận tin vui, nhưng Ngọc Quý không chịu nói về các giải thưởng này. Khác với vẻ bề ngoài cá tính, mà đôi khi người đối diện cho là “hơi ngông”, Ngọc Quý đã có những phút trải lòng về chuyện nghề rất thân tình, cởi mở. Với Quý, câu nói “cuộc đời là những chuyến đi” có lẽ rất hợp với anh.

Ngọc Quý tốt nghiệp cử nhân báo chí năm 1999, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Sau 2 năm công tác tại Ban Thời sự VTV TP.HCM, năm 2001, Ngọc Quý đầu quân về ngôi nhà chung BTV và gắn bó từ đó đến nay với vai trò là phóng viên Phòng Văn nghệ.

(BDO)

Nhà báo Đặng Ngọc Quý (bài trái) tại cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc Tổ quốc

Vững về chuyên môn, lại có sự nhiệt tình, xông xáo của một nhà báo trẻ, không lâu sau khi về đài, Ngọc Quý trở thành cây viết chủ lực của chương trình tạp chí văn hóa nghệ thuật, một món ăn tinh thần quen thuộc và cần thiết với khán giả BTV từ 10 năm nay. Bao thăng trầm, buồn vui, hạnh phúc của cuộc sống, những sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh, được Quý chuyền tải qua các thước phim nhẹ nhàng, sâu sắc và rất gần gũi với bạn xem đài.

Để chương trình ngày càng phong phú, đáp ứng sát sườn nhu cầu thông tin, giải trí của khán giả xem đài, Ngọc Quý rất chịu khó tìm tòi đề tài. Ký sự là thể loại được anh ưu ái và có lẽ cũng là điểm mạnh của phóng viên trẻ này. Hành trình rong ruổi gần đúng một tháng trời cùng đồng nghiệp Trần Bình về với đại ngàn Tây nguyên để lại trong anh nhiều kỷ niệm. Từng ngóc ngách, từng con đường, đời sống thường ngày, những nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Tây nguyên được Ngọc Quý khai thác dưới góc nhìn mới mẻ, mang đến cho khán giả những thước phim giá trị. Với Ngọc Quý, Tây nguyên là mảng màu rất lớn, một đề tài thú vị cho những ai ưa khám phá. Ngọc Quý chia sẻ: “Có về với đại ngàn mới thấy, chủ nhân của đại ngàn còn đó, nhưng đại ngàn thì đã mất rồi …”. Đó cũng là lời kết rất thật, rất thẳng thắn của ký sự Tây nguyên. Nó như một lời nhắn nhủ, một thông điệp kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ những giá trị truyền thống của dân tộc.

Trước loạt ký sự Tây nguyên, Quý cũng rất thành công trong loạt bài tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo - một đề tài đang rất nóng hiện nay. Huyện đảo Phú Quí được Quý giới thiệu đến khán giả qua những hình ảnh sinh động, đẹp, nhưng cũng rất gần gũi mộc mạc như chính cuộc sống của những ngư dân đang bám biển, bám đảo ở đây.

Ngọc Quý cũng là thành viên nhóm thực hiện loạt ký sự “Dọc đường đất nước”, chủ bút của 20 tập phim từ Lạng Sơn đến Hà Nội. Quý chia sẻ: “Không chỉ riêng về thể loại ký sự, mà để có tác phẩm báo chí tốt ở bất cứ thể loại nào, tôi luôn đặt ra câu hỏi viết cho ai, viết để làm gì? Sau khi giải quyết xong câu hỏi ấy thì là 50% cảnh quay đã được định hình, 50% còn lại chính là sự nhạy bén của người phóng viên tại hiện trường, lúc bấy giờ tôi bắt đầu thêm “da”, thêm “thịt” cho sản phẩm của mình màu sắc nhất, sống động nhất…”.

Cộng tác với Quý trong khoảng thời gian khá dài, khen và chê từ mọi người đều có. Nhưng với tôi, Quý là một người rất nghiêm túc lao động và nghiêm khắc với chính mình. Anh luôn học hỏi để cho ra một sản phẩm truyền hình ưng ý nhất. Không chỉ là cây bút sắc sảo, Ngọc Quý còn rất vững, rất chuyên nghiệp về quay phim hay kỹ thuật dựng hình. Với anh, nếu thật sự nghiêm túc học hỏi ở các khâu, người phóng viên sẽ có một tác phẩm hoàn chỉnh, đáp ứng đúng nhu cầu của khán giả…

Tại ngôi nhà chung BTV, đồng nghiệp còn biết anh với biệt danh Quý “ngông”. Ngông ở đây là anh dám đầu tư, dám khám phá nhiều công nghệ khác nhau để thực hiện các sản phẩm truyền hình ưng ý. Kết thúc cuộc trò chuyện với Ngọc Quý, tôi rất thích cách lý giải về hạnh phúc của anh: “Cuộc sống không biết thế nào là sướng khổ, vì thế hãy bằng lòng với cuộc sống mình đang có và luôn sống có mục đích, đó chính là hạnh phúc”.

Bài 3: Phóng viên trẻ Phan Tấn Phum: Học để thay đổi nhân cách...  

SONG ANH