Ngôi nhà cổ lưu giữ giá trị văn hóa cư dân cù lao Bạch Đằng

Thứ bảy, ngày 24/10/2020

(BDO) Ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi

Nhà cổ Dương Văn Hổ tại ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên là 1 trong 2 nhà cổ trên đất Bạch Đằng đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật. Ngày 25-8 vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với di tích nhà cổ Dương Văn Hổ.

Nhà cổ Dương Văn Hổ là một ngôi nhà gỗ bề thế nằm yên bình, tĩnh lặng trong khu vườn đầy cây trái trên vùng đất cù lao Bạch Đằng. Ngôi nhà do ông Trần Hữu Nhâm (cha vợ ông Dương Văn Hổ) xây dựng trong vòng 4 năm (từ năm 1911-1914). Theo những người thân trong gia đình, quá trình xây dựng ngôi nhà vô cùng công phu và tốn kém tiền của. Chủ nhân ngôi nhà đã “rước” các nhóm thợ mộc nổi tiếng khéo tay từ miền Trung vào như thợ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Bình Định về xây nhà và nuôi thợ trong nhà hàng năm để chạm khắc, trang trí cho ngôi nhà. Đến nay, nhà cổ Dương Văn Hổ đã trải qua 3 thế hệ giữ gìn và bảo quản. Thế thệ thứ nhất là ông Dương Văn Hổ, thế hệ thứ hai là ông Dương Văn Bảnh (con trai ông Dương Văn Hổ) và thế hệ thứ ba là ông Dương Tấn Hòa (cháu nội ông Dương Văn Hổ).

Di tích nhà cổ Dương Văn Hổ nhìn bao quát từ bên ngoài

Bên trong gian chính di tích nhà cổ Dương Văn Hổ

Theo lời kể của ông Dương Hồng Điệp và ông Dương Tấn Hòa thì ông Trần Hữu Nhâm là một thương lái nổi tiếng tại vùng đất Biên Hòa lúc bấy giờ, làm nghề buôn bán cá từ các tỉnh miền Tây lên Bình Dương, Đồng Nai bằng ghe, tàu rồi dần trở nên giàu có. Năm 1911, ông Nhâm đã khởi công xây dựng ngôi nhà gỗ 5 gian trên vùng đất cù lao Bạch Đằng bằng toàn gỗ quý như gõ, lim, căm xe... dùng làm nơi ở, đồng thời mở rộng việc buôn bán của gia đình. Đến năm 1914, ngôi nhà được hoàn thành, sau đó không lâu ông dành ngôi nhà làm của hồi môn cho con gái kết duyên cùng ông Dương Văn Hổ - người có xuất thân trong một gia đình giàu có ở vùng đất cù lao này.

Nhà cổ Dương Văn Hổ được xây dựng trên một gò đất cao, gần sông Đồng Nai. Tổng diện tích của di tích hơn 2.935m2, gồm nhà chính và nhà phụ; ngôi nhà chính quay về hướng đông. Khuôn viên di tích được bao bọc bởi hàng rào lưới sắt B40. Bên trong trồng nhiều loại cây cảnh và cây ăn trái, trong đó có cây mai cổ thụ có tuổi thọ tương đương với ngôi nhà. Ngôi nhà được xây dựng theo dạng chữ Đinh (丁), đây là kiểu nhà truyền thống của người Việt, mái lợp ngói âm dương, có ba gian, hai chái.

Chứa đựng giá trị kiến trúc nghệ thuật

Điểm nổi bật và giá trị trong kiến trúc nhà cổ Dương Văn Hổ phải kể đến là các kết cấu gỗ của khung nhà. Hệ thống 50 cột gỗ (chia làm 5 hàng cột), xây dựng theo lối xuyên tâm các cặp vì kèo, đòn tay... tạo nên một không gian cổ kính. Bộ khung ngôi nhà hoàn toàn được làm từ các loại gỗ quý như gõ đỏ, gõ mật, gụ, căm xe... Phía trên mái, các đoạn kèo, xà được đấu nối với cột bằng lối ghép mộng vô cùng vững chắc, không dùng đinh sắt, tất cả đều được bào nhẵn, sơn phết chống mối mọt kỹ càng. Đặc biệt, trên thân 4 thanh vì kèo của ngôi nhà chính được chạm khắc theo lối ô hộc, chủ đề thể hiện tứ quý (4 mùa trong năm): Mùa xuân chạm khắc hình hoa mai là chủ đạo, mùa hạ hình tượng là cây cúc, mùa thu lấy hình tượng là cây trúc và mùa đông với hình tượng là cây tùng.

Không gian nội thất bên trong được chia làm hai phần rõ rệt: “nội tự”, “ngoại khách”. Phần nội tự chiếm hai lòng căn, tức hàng cột thứ hai trở về trong, phần ngoại khách chiếm một lòng căn. Lòng căn ngoài cùng (tính từ hàng cột thứ nhất đến hàng cột thứ 2) dùng làm nơi tiếp khách, được bố trí 2 bộ phản gỗ (gõ đỏ) và 2 bộ bàn ghế (gõ đỏ). Lòng căn giữa (tính từ hàng cột thứ 2 đến hàng cột thứ ba) dùng làm nơi thờ cúng ông bà (vợ chồng ông Dương Văn Hổ). Lòng căn trong cùng là nơi ngủ của gia chủ, được ngăn cách với không gian thờ cúng bằng vách gỗ.

Cửa ra vào 2 bên phòng ngủ được thiết kế hình bán nguyệt và đều chạm trổ hoa văn, phía trên là vách gỗ trang trí những ô hình chữ nhật, hình vuông, hình lục giác với các chủ đề trang trí bằng kỹ thuật chạm khắc lộng bằng gỗ rất khéo léo, tinh xảo từng đường nét. Tại 3 gian giữa gia chủ còn bố trí 2 tủ đựng vật dụng gia đình hai bên và gian giữa là bàn thờ gia tiên. Hai bên bàn thờ vẫn còn lưu giữ câu đối được chạm khắc bằng chữ Hán và sơn son thếp vàng có nội dung: “Trăm đời hiếu hiền được tôn kính; Vạn năm dòng họ mãi lưu truyền”.

Ngoài ra, trong ngôi nhà cổ này còn có các bao lam trang trí các chủ đề như phụng, kỳ lân, nai, sóc, hoa sen, hoa cúc, dây lá nho, mai, lan, cúc, trúc, sen... được chạm khắc lộng hết sức khéo léo, cùng với một số hoành phi viết bằng chữ Hán vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn. Nhìn chung, những mảng hoa văn được chủ nhà trang trí trong nhà chính thể hiện kỹ thuật chạm khắc lộng trên gỗ đạt đến nghệ thuật tinh xảo, cụ thể đến từ chi tiết nhỏ nhất, thể hiện sự khéo léo, tài tình của lớp nghệ nhân điêu khắc gỗ lúc bấy giờ.

Ngoài nhà chính, trong khuôn viên di tích nhà cổ Dương Văn Hổ còn có một căn nhà phụ (nhà dưới). Đây là một căn nhà ngang, nối liền với nhà chính và cũng làm bằng gỗ nhưng kiến trúc, hoa văn trang trí đơn giản hơn nhiều so với nhà chính. Nhà phụ có diện tích 91,1m2, dùng làm nơi sinh hoạt thường nhật của gia đình và cũng là nơi cả nhà thường gặp gỡ trao đổi, bàn công việc, nơi học hành cho con cái, nơi tiếp khách thường ngày.

Theo ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, nhà cổ Dương Văn Hổ được xây dựng cách nay hơn 100 năm trên vùng đất cù lao Bạch Đằng, mang đậm phong cách kiến trúc của một ngôi nhà Nam bộ truyền thống. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự khắc nghiệt hủy hoại của thiên nhiên, tốc độ “đô thị hóa” của con người, ngôi nhà vẫn được các thế hệ của dòng họ Dương gìn giữ, bảo quản tương đối tốt, trở thành một trong những di tích nhà cổ có lối kiến trúc gỗ độc đáo, hiếm hoi còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn trên vùng đất Bình Dương.

Ngôi nhà không đơn thuần có chức năng là nơi tránh mưa nắng, nơi sinh hoạt của gia đình, mà còn góp phần minh chứng cho quá trình lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất cù lao Bạch Đằng, đồng thời là nơi tích tụ một hàm lượng văn hóa của chính những con người nơi đó. Thông qua kiểu dáng kiến trúc và cách bài trí nội thất, giúp ta hình dung được phần nào lối sống của các thế hệ chủ nhân ngôi nhà. Các cặp liễn đối chữ Hán, đề tài mỹ thuật trang trí phổ biến trong ngôi nhà (chim muông, hoa lá…) cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa về văn hóa, nói lên triết lý, quan niệm sống của người xưa, đồng thời chuyển tải tâm tư, tình cảm và ước vọng về một cuộc sống sung túc, yên bình của chủ nhân ngôi nhà.q

HỒNG THUẬN - THANH DÂN

Từ khóa: