Ngôi đình chứa đựng nhiều giá trị lịch sử

Thứ bảy, ngày 05/09/2020

(BDO) Dấu tích lịch sử

Men theo những con đường nhỏ len lỏi giữa những vườn cây ăn trái xã An Sơn, chúng tôi tìm về đình thần An Sơn vào một chiều muộn đầu tháng 9. Đình thần An Sơn hiện nay tọa lạc tại ấp An Quới, xã An Sơn, TP.Thuận An. Được anh cán bộ ấp An Quới dẫn đường và giới thiệu, chúng tôi đã gặp ông từ trông coi đình thần An Sơn. Ông từ đã giới thiệu thêm về lịch sử, văn hóa của ngôi đình này. Dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan những dấu tích lịch sử gắn với đình thần An Sơn, ông từ trông coi đình cho biết ông đã lớn lên ở vùng quê này và được “giao nhiệm vụ” trông coi đình hơn 40 năm nay. Theo ông, ngoài chứa đựng những giá trị về mặt văn hóa tinh thần, đình thần An Sơn còn là di tích mang nhiều giá trị lịch sử cách mạng. Đình tọa lạc giữa vườn cây ăn trái xanh tốt, xung quanh lại có nhiều kênh rạch chằng chịt, phía trước là sông Sài Gòn chảy ngang... nên rất thuận lợi cho việc lập căn cứ kháng chiến. Từ những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, đình thần An Sơn đã được chọn làm căn cứ kháng chiến của Thủ Dầu Một và tỉnh Gia Định lúc bấy giờ.

Một góc đình thần An Sơn hiện nay

Gian thờ thần Thành hoàng Bổn cảnh bên trong đình thần An Sơn

Theo tài liệu ghi lại, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình thần An Sơn là căn cứ kháng chiến của tỉnh với tên gọi “Chiến khu An Sơn”. Với vị trí gần Sài Gòn, đình còn là nơi dừng chân của các lực lượng kháng chiến miền Đông Nam bộ. Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đình thần An Sơn trở thành “trạm y tế tiền phương” và là nơi tập kết của lực lượng vũ trang tiến đánh Sài Gòn. Do chỉ cách Sài Gòn một con sông, lại có vườn cây xanh tốt che chắn nên đình thần An Sơn được ta chọn làm địa điểm thường xuyên tập kết những thương binh từ mặt trận về đây chăm sóc, trị thương. Với sự chở che, đùm bọc của người dân địa phương, thế nên dù bị quân địch lùng sục thường xuyên nhưng lực lượng cách mạng vẫn được bảo vệ an toàn trong những căn hầm bí mật trong khuôn viên đình. Để hạn chế sự tiếp sức của người dân cho cách mạng, địch cấm dân tụ họp cúng đình, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, người dân An Sơn vẫn bám đất, bám làng và tiếp tế lương thực, thuốc men cho cán bộ hoạt động cách mạng tại đình. Hiện nay, trong khuôn viên ngôi đình vẫn còn lưu dấu những căn hầm bí mật của lực lượng kháng chiến như: Hầm trú ẩn, hố chông, hầm chứa vũ khí... Để bảo vệ giá trị lịch sử của di tích, mấy năm trước UBND TP.Thuận An đã đầu tư kinh phí để tôn tạo lại những căn hầm này.

Phát huy giá trị di tích

Đình thần An Sơn được xây dựng vào năm 1914. Cũng như bao ngôi đình làng Việt khác, đình thần An Sơn được người dân địa phương lập nên để thờ thần Thành hoàng Bổn cảnh - vị thần che chở, phù hộ cho dân làng. Phía trước bàn thờ thần Thành hoàng Bổn cảnh, người dân địa phương còn lập thêm bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông từ trông coi đình, ban đầu đình thần An Sơn được dựng hết sức đơn sơ. Đến năm 1935, người dân trong làng mới đóng góp kinh phí để xây dựng lại ngôi đình bằng gạch vôi. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đình bị bom đạn phá hoại nhiều lần nên hư hỏng nặng và được người dân đóng góp kinh phí tu sửa nhiều lần. Năm 1989 là năm đình được tái thiết, nâng cấp lại toàn bộ một cách khang trang, vững chắc hơn và bảo tồn nguyên trạng từ đó đến nay.

Với những giá trị về lịch sử và văn hóa, đình thần An Sơn đã được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh vào ngày 4-7- 2005. Thời gian qua, ngành văn hóa - thông tin TP.Thuận An và chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Ông Đinh Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn, cho biết đình thần An Sơn là di tích lịch sử - văn hóa ý nghĩa trên địa bàn xã. Hàng năm, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên xã thường tổ chức các hoạt động về nguồn; ngày hội đại đoàn kết của ấp cũng được tổ chức ở đây. Di tích cũng được UBND thành phố cấp kinh phí nâng cấp, sửa chữa và tái dựng lại một số hầm bí mật trong kháng chiến. Hàng tháng, ngành văn hóa - thông tin thành phố còn tổ chức phun thuốc chống mối, mọt. “Ngoài việc là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người dân địa phương, di tích đình thần An Sơn còn là nơi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước đối với các thế hệ người dân An Sơn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động khác tại đây, gắn với ý nghĩa lịch sử của ngôi đình. Thông qua những hoạt động này, người dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ biết thêm về lịch sử di tích này, tự hào về truyền thống cha ông, từ đó ra sức phấn đấu để góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển”, ông Hậu nói.

CẨM LÝ