Nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở: Nỗ lực tìm giải pháp
(BDO)
Kỳ 2: Nỗ lực tìm giải pháp
Với mục tiêu xây dựng đô thị loại I, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bình Dương đang thay đổi từng ngày. Nhiều đại lộ thênh thang, các khu dân cư kiểu mẫu và trung tâm thương mại đang được tiếp tục đầu tư xây dựng. Nhưng cùng với đó thì đời sống tinh thần của nhân dân vẫn còn hạn chế. Làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở (TCVH, TTCS) đang là những băn khoăn, trăn trở của các ngành, các cấp…
Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành thị sát các hạng mục tại khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: H.THUẬN
Đầu tư cơ sở vật chất
Bình Dương đã và đang đầu tư, xây dựng các TCVH, đặc biệt là những công trình văn hóa lớn. Từ năm 2011 đến nay, ngành VH,TT&DL đã và đang khẩn trương triển khai thực hiện các công trình văn hóa trọng điểm như nhà thi đấu đa năng 1.500 chỗ, khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, khu di tích lịch sử địa đạo Tam giác sắt, khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, khu di tích lịch sử rừng Kiến An, khu di tích lịch sử Chiến khu Đ, trùng tu tôn tạo di tích lịch sử Dốc Chùa và nhiều TCVH, TTCS cấp huyện, thị, xã, phường, thị trấn…
Những công trình trọng điểm cùng với các TCVH, TTCS được đầu tư xây dựng chắc chắn sẽ là động lực có ý nghĩa đối với văn hóa của tỉnh. Những công trình này cũng tạo điều kiện thuận lợi để ngành văn hóa tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài việc ghi dấu, tái hiện lại lịch sử, những công trình còn mang một giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc, có ý nghĩa bồi dưỡng, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ mai sau.
Sau khi thị sát các hạng mục khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh tại huyện Dầu Tiếng, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị to lớn của khu di tích lịch sử này. Theo đó, việc đầu tư tôn tạo giữ gìn giá trị của các khu di tích lịch sử trong tỉnh là cần thiết. Ông Lê Thanh Cung yêu cầu cần lập lại dự án đầu tư khu di tích lịch sử trên cơ sở xem xét những hạng mục đã hoàn thành với những hạng mục cần đầu tư tôn tạo tiếp theo, triển khai theo đúng chủ trương đã được phê duyệt. Các hạng mục được đầu tư phải sinh động, bảo đảm tính khách quan lịch sử, tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa của di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Thu hút xã hội hóa
Bên cạnh nguồn ngân sách của Nhà nước đầu tư vào các thiết chế công lập, các huyện, thị xã, thành phố cũng đang tích cực quan tâm huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư vào những hoạt động văn hóa, thể thao góp phần cùng với Nhà nước tạo môi trường sinh hoạt chính trị, văn hóa, nâng cao mức sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Thời gian qua, một số đơn vị đã làm tốt công tác này như: Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, Becamex IDC… Trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống TCVH, TTCS trọng tâm là thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để những cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí.
Ông Trần Văn Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh cũng có ý kiến cho rằng, thu hút xã hội hóa để bổ sung những TCVH, TTCS nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Bình Dương, nhất là những địa bàn có đông lực lượng lao động ngoại tỉnh là rất cần thiết. Tuy nhiên, để thu hút xã hội hóa có hiệu quả thì trước mắt tỉnh phải tạo điều kiện về mặt pháp lý như giấy phép hoạt động và các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng. Nhà nước cũng tham gia tiếp thị các cơ sở vật chất đã đầu tư đến với người dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng kiểm tra, giám sát thường xuyên để các đơn vị hoạt động đúng quy chế của Nhà nước.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Theo thống kê mới đây, cán bộ văn hóa, thể thao cấp xã, phường, thị trấn có trình độ đại học đạt 16%, cán bộ trung cấp đạt 71%. Điều này cho thấy đội ngũ cán bộ tại các TCVH, TTCS hiện nay vừa thiếu, vừa yếu. Cán bộ của các TC VH, TTCS phải có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và say mê với công việc, năng động, sáng tạo cũng như có khả năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Qua thực tiễn, những cán bộ VH, TTCS mới là những người trực tiếp và sáng tạo ra các hình thức hoạt động để đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân. Do đó, cùng với việc quan tâm xây dựng các TCVH, TTCS, điều quan trọng hiện nay vẫn chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ hoạt động cho các TC VH, TTCS, đồng thời có một cơ chế chính sách hợp lý đối với đội ngũ cán bộ này. Đây là khâu quyết định đến sựtồn tại và hoạt động hiệu quả của các TCVH, TTCS.
Theo ông Lê Hữu Phước, Giám đốc Sở VH,TT&DL để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống TCVH, TTCS trong thời gian tới, sở đang kiến nghị với UBND tỉnh sớm phê duyệt ban hành Quy chế hoạt động TTVH, TTCS và học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn. Xác định rõ cơ cấu tổ chức, vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, biên chế và chế độ chính sách theo đặc thù của tỉnh. Bên cạnh đó, việc xây dựng các TCVH, TTCS phải đồng bộ (xây dựng cơ sở vật chất gắn với trang thiết bị ban đầu) để các TTVH, TTCS có thể hoạt động ngay khi công trình được bàn giao. Mặt khác, trước khi đầu tư xây dựng công trình cần quan tâm lưu ý, ưu tiên chọn vị trí thuận lợi để thu hút được đông đảo người dân đến vui chơi và sinh hoạt. Quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cán bộ VH-TT cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác VH-TT có trình độ năng lực, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu công việc. Như vậy, hệ thống các TCVH-TTCS sẽ dần hoàn chỉnh, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa - nghệ thuật của người dân.
Ông VÕ VĂN MINH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh, trong đó có việc xây dựng TCVH, TTCS. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các TTVH là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và của cả cộng đồng xã hội. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2015 đã nêu mục tiêu cụ thể: Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các TC VH-TT; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có TC VH-TT đạt từ 55 - 60%. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc tăng cường huy động các nguồn lực xây dựng, nâng cấp hệ thống các TTVH, kiện toàn cơ sở vật chất. Các địa phương cần quan tâm đổi mới hình thức hoạt động của các TTVH và chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ của TTVH để họ yên tâm công tác, phát huy khả năng sáng tạo và nhiệt huyết trong xây dựng phong trào, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
N.THANH - H.THUẬN