Nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở : Trăn trở với thiết chế văn hóa cơ sở

Thứ ba, ngày 02/12/2014

Kỳ 1: Trăn trở với thiết chế văn hóa cơ sở

(BDO)  Việc quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở (TC VHTTCS) luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng. Trong đó, một số trung tâm văn hóa - thể thao (TT VH-TT) được đầu tư xây dựng quy mô, tổ chức hoạt động và khai thác có hiệu quả, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Tuy nhiên, so với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và trước nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, việc xây dựng và tổ chức hoạt động của TC VHTTCS hiện nay tại Bình Dương vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém và chưa đồng bộ.

 

TT VH-TT phường An Phú, TX.Thuận An được xây dựng khang trang nhưng hoạt động chưa hiệu quả Ảnh: THANH THUẬN

 Vận hành chưa hiệu quả

TT VH-TT ở các địa phương trong tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm nhằm tổ chức những hoạt động văn hóa, tuyên truyền phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tích cực tìm tòi nhiều loại hình nghệ thuật phù hợp để thu hút nhân dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi vẫn còn những hạn chế trong tổ chức và hoạt động ở các TT VH-TT. Đội ngũ cán bộ tuy đã được nâng lên về chất lượng nhưng vẫn còn bất cập về năng lực và chuyên môn nghiệp vụ. Hoạt động của các TT VH-TT ở nhiều địa phương còn sơ sài, nghèo nàn, một số nơi không quan tâm duy trì hoạt động thường xuyên. Nhiều nơi còn thiếu vắng những nơi tổ chức lễ hội, khu vui chơi và giải trí xứng tầm. Hầu hết các TT VH-TT, công viên có sẵn trước đó còn hạn chế để thu hút thanh thiếu niên đến sinh hoạt, vui chơi vì hoạt động còn đơn điệu.

Tại Trung tâm VH-TT xã Phú An, TX.Bến Cát được Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam tài trợ và xây tặng với tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 11 tỷ đồng. Trung tâm được xây dựng khang trang, với nhiều hạng mục công trình nhằm phục vụ hoạt động VH-TT của địa phương. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, các TCVH tại đây chưa hoạt động hiệu quả. Theo đại diện lãnh đạo xã Phú An, một số phòng chức năng của trung tâm được xây dựng theo thiết kế ban đầu chưa phù hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao nên cần được chuyển đổi để phù hợp hơn. Trung tâm không có hội trường lớn nên các hoạt động thu hút đông người tham gia đều phải mượn hội trường của UBND xã để tổ chức.

Tại Trung tâm VH-TT phường An Phú, TX.Thuận An, chúng tôi cũng chứng kiến tình trạng tương tự. Đây là một trong những địa phương được đầu tư cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn của TX.Thuận An. Trung tâm VH-TT phường An Phú được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 12- 2010 với diện tích 7.125m2. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cũng khoảng 9,5 tỷ đồng. Trung tâm được xây dựng khá khang trang, với nhiều hạng mục công trình phục vụ hoạt động VH-TT của địa phương. Thế nhưng, dù là cuối tuần nhưng nơi đây vẫn đìu hiu, vắng vẻ người đến sinh hoạt, vui chơi. Trong khuôn viên của TT VH-TT phường An Phú chỉ lèo tèo vài trò chơi như thú nhún, nhà banh và cầu trượt của tư nhân đầu tư, có thu phí nên chẳng có trẻ em nào đến đây để vui chơi. Ông Nguyễn Hoàng Việt, nhân viên bảo vệ của TT VH-TT cho biết, nơi đây hầu như rất ít người đến vui chơi, vì trò chơi nghèo nàn lại chẳng có gì mới. Buổi tối chỉ có vài phụ huynh đưa con đến đây để dụ con ăn cho nhanh hết bữa cơm rồi đưa về nhà. Thư viện rất ít ai vào, có chăng cũng chỉ là mấy người tạp vụ của trung tâm lâu lâu vào quét dọn cho khỏi bụi bặm.

Bà Trần Thị Bạch Yến, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, kiêm Chủ nhiệm TT VH -TT phường cho biết, bình thường rất ít người đến sinh hoạt, vui chơi tại trung tâm. Chỉ khi phường có phong trào, hoạt động hay hội họp thì mới đưa về đây tổ chức. Nói chung, TT VH-TT chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trên địa bàn.

Nhiều hạn chế

Rất nhiều TC VHTTCS tại các địa phương trong tỉnh đang trong tình cảnh tương tự. Ông Lê Thế Hùng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở VH,TT&DL tỉnh cho biết, do điều kiện cơ sở vật chất của các TT VH-TT cấp huyện hiện nay chưa được đầu tư xây dựng theo đúng quy mô, đa số các TT VH-TT đều sử dụng cơ sở vật chất cũ của các đơn vị khác bàn giao, cải tạo sửa chữa lại để đưa vào hoạt động nên các TT VH-TT này chưa đủ điều kiện tổ chức những hoạt động tại chỗ. TT VH-TT cấp xã tuy mới được đầu tư, xây mới nhưng nhiều nơi còn thiếu các hạng mục theo quy định, thiết bị không đồng bộ, địa điểm chưa phù hợp, chất lượng công trình chưa bảo đảm, nhân sự của TT VH-TT toàn bộ là kiêm nhiệm và hợp đồng. Do đó, hoạt động TT VH-TT còn đơn điệu, chưa thu hút được người dân đến sinh hoạt vui chơi, nhất là các hoạt động dành cho công nhân lao động, thanh thiếu niên và nhi đồng.

Không chỉ thiếu và yếu về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ nhân lực vận hành các TCVH, hoạt động của hệ thống TC VHTTCS còn rất nhiều bất cập. Trung bình mỗi năm, kinh phí dành cho hoạt động của TT VH-TT cấp xã là 150 triệu đồng/đơn vị. Số kinh phí trên chủ yếu dùng để trả lương cho cán bộ kiêm nhiệm và hợp đồng. Với nguồn kinh phí eo hẹp, trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, nên hệ thống VHCS hầu như mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ là điểm sinh hoạt chính trị, qua đó phổ biến chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, chứ chưa thường xuyên tổ chức được các hoạt động văn hóa sôi nổi, hấp dẫn nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Hệ thống TC VHTTCS là công cụ đắc lực, trực tiếp của cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phong trào, các cuộc vận động lớn. Hơn thế, hệ thống TC VHTTCS với nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực đã tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.

 

Ông VÕ VĂN MINH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Cần quan tâm hơn đối với ngành văn hóa

Tại buổi làm việc với Sở VH,TT&DL vừa qua, ông Võ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Lãnh đạo Sở VH,TT&DL và lãnh đạo các huyện, thị, thành phố cần quan tâm hơn nữa đối với ngành văn hóa về mọi mặt để thúc đẩy, phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Trong thời gian tới, việc đầu tư cũng như hoạt động của hệ thống TC VHTTCS không phát huy được hiệu quả và bộc lộ một số khiếm khuyết cần phải được xem xét và điều chỉnh lại. Lãnh đạo tỉnh và các cơ quan hữu quan đang rất trăn trở và tìm những giải pháp tốt nhất để các hoạt động của hệ thống TC VHTTCS phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

 Ông LÊ HỮU PHƯỚC, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh: Các TTVH gặp khó khăn trong tổ chức các hoạt động

Đội ngũ cán bộ đang làm việc tại TTVH cấp huyện, xã, phường, thị trấn có trình độ đại học trở lên còn thấp. Theo Quyết định số 1760 ngày 28-4-2009 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống TC VHTT CS đến năm 2015, số biên chế lao động của một TTVH-TT&TT cấp huyện là 25 người; TTVH-TT cấp xã tối thiểu là 7 người. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do cơ sở vật chất của các TTVH cấp huyện chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên tổng số biên chế, lao động của các trung tâm chưa được tăng lên, vì thế số cán bộ làm công tác nghiệp vụ của các TTVH-TT&TT hiện nay còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ và phát triển sự nghiệp của ngành. Đối với các TTVH cấp xã do các cán bộ làm việc đều là kiêm nhiệm và hợp đồng (không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và định kỳ không được tăng lương) nên chưa thu hút được lao động để tổ chức các hoạt động, việc sử dụng lao động không có trình độ chuyên môn là khá phổ biến. Do đó hầu hết các TTVH này đều gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động.

 Kỳ 2: Nỗ lực tìm giải pháp

 N.THANH - H.THUẬN