Nắm bắt cơ hội, chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu - Kỳ 2
(BDO) Kỳ 2: Sáng tạo và linh hoạt thích ứng
Đã đến lúc các doanh nghiệp (DN) Việt cần tiếp tục phát huy sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường. Đồng thời dám chấp nhận rủi ro, huy động mọi nguồn lực đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao trình độquản lý vàđào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Sản xuất tại Công ty Long Hưng (TP.Thuận An)
Cần chiến lược phát triển
Là DN chuyên về các thiết bị, linh kiện đúc, bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty TNHH Kim Chung (TX.Tân Uyên) cho hay, những năm qua công ty rất nỗ lực để tìm đường cho sản phẩm xuất ngoại và cung ứng vào các DN FDI lớn. May mắn là sau một chặng đường dài thử thách, công ty đã hợp tác được với một số đối tác. Điều băn khoăn lớn nhất là hiện tại DN chưa đủ lực để có thể tiếp nhận những đơn hàng lớn, trong khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. “Tiềm lực của DN tư nhân như chúng tôi nếu không nhận được sự hỗ trợ, định hướng tích cực hơn từ Nhà nước và DN cùng ngành nghề sẽ rất khó chiếm lĩnh được thị phần”, bà Châu trăn trở.
Ở khía cạnh chiến lược, ông Đỗ Xuân Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Trung Dũng (TP.Thuận An) cho biết, các DN muốn tham gia vào chuỗi cung ứng cần có những bước tiến bền vững dựa trên chiến lược dài hơi. Không thể trong ngày một ngày hai mà có thể đạt ngay mục đích, cần có bước đi cụ thể. Các DN hãy bước đi từ những bước nhỏ nhất để có thể vững vàng hơn trong chặng đường sau và đẩy mạnh liên kết ngang để có thể đáp ứng được các đơn hàng. Chỉ cần sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn, bảo đảm những tiêu chí mà các DN đầu cuối đưa ra, giá cả cạnh tranh thì cơ hội dành cho DN lớn và nhỏ là ngang nhau.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trái với tâm lý dè dặt trước đây “không sản xuất được ốc vít để cung ứng cho các DN FDI”, nhiều DN trong nước đã tự tin giới thiệu năng lực sản xuất của mình và mạnh dạn bước vào chuỗi cung ứng. Trong đó, rất nhiều DN không đơn thuần chỉ sản xuất sản phẩm giản đơn như ốc vít, khuôn chế tạo, sản phẩm vỏ nhựa, bao bì… mà đã sản xuất được sản phẩm có giá trị gia tăng cao như chip điện tử, bảng bo mạch… Điều này được chính ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh cho biết các DN trong hiệp hội tự tin về năng lực cung ứng của mình. Và trên thực tế rất nhiều DN trong hiệp hội được đánh giá cao khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN trong và ngoài nước. Vấn đề là cơ hội để được tiếp cận và tham gia vào chuỗi sản xuất không phải lúc nào cũng rộng mở.
Ông Trọng cũng cho rằng, để có thể đầu tư nhà máy cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nói chung, DN Việt có thể làm được. Thế nhưng sẽ có những rủi ro nhất định là đầu tư xong nhưng DN lại không nhận được hợp tác từ các DN FDI. Các DN FDI nếu thực sự có nhu cầu tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì nên có những thông báo hợp tác chiến lược về việc thu mua sản phẩm cho các DN sản xuất. “Việc này vừa giúp DN trong nước vững tâm đầu tư, mặt khác các DN FDI cũng sẽ gắn trách nhiệm rõ ràng hơn trong việc hỗ trợ, cải thiện năng lực sản xuất cho DN nội, đáp ứng tiêu chuẩn nhà cung cấp”, ông Trọng đề xuất.
Không thể thiếu tầm nhìn
Ông Đỗ Xuân Ngọc cho biết thêm, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, công ty đã xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ uy tín trong ngành gỗ, cơ khí. Hiện công ty đã gia nhập nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, Mỹ. Điều tiên quyết là DN phải đặt tầm nhìn của mình lên trên và để đối tác thấy rõ điều đó. Ở đó có giá trị con người, an toàn sản xuất, giá trị cốt lõi, công nghệ… Các xu hướng công nghệ tự động hóa đang tạo ra cơ hội nhất định cho các DN nhỏ gần hơn với thị trường. Yếu tố có ảnh hướng lớn đến việc tham gia chuỗi cung ứng là liên quan đến trình độ tay nghề lao động của Việt Nam. Để có thể tham gia vào tất cả các “mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu, yêu cầu đặt ra là cần nâng cao kỹ năng nghề của người lao động. DN phải có trách nhiệm với các cơ sở đào tạo để nâng tầm tay nghề theo hướng mình cần…
Theo bà Phạm Thị Bích Hà, Giám đốc Công ty Long Hưng (TP.Thuận An), đến nay DN đã nối chuỗi cung ứng cho các thương hiệu nổi tiếng về giày da như: Nike, Adidas, NB, Lactose.... Các mặt hàng giày da chủ yếu xuất đi thị trường EU, Trung Quốc, Nhật Bản. Kinh nghiệm tham gia vào chuỗi cung ứng với các đối tác lớn trong ngành da giày da là bảo đảm số lượng và chất lượng sản phẩm. Gần 15 năm hoạt động, công ty đã không ngừng cải tạo và nâng cao dây chuyền sản xuất cùng trang thiết bị hiện đại. Với phương châm “Sự hài lòng của bạn là niềm kiêu hãnh của chúng tôi”, công ty luôn tự tin tạo ra cho khách hàng những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý nhất.
“Các công ty Việt Nam khi xây dựng đều đưa ra chiến lược phát triển sản phẩm, công nghệ mà chưa chú trọng đến việc tuân thủ các yếu tố như an toàn sản xuất, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi cho người lao động. Song đó là một trong những yếu tố rất quan trọng khi các đối tác nước ngoài đánh giá. Bên cạnh đó, DN cần chú trọng đến quy mô sản xuất. Khi đã tham gia vào chuỗi cung ứng, phải quyết tâm làm cho đạt sản lượng hàng hóa mà đối tác yêu cầu thay vì chỉ nhận được một phần hàng hóa. Các DN FDI không thể xé nhỏ đơn hàng giao đi nhiều nơi vì như vậy chất lượng hàng hóa sẽ không đồng đều… Điều này sẽ dẫn tới đánh mất cơ hội tiếp nhận đơn hàng”, bà Hà chia sẻ. (Còn tiếp)
TIỂU MY