Nắm bắt cơ hội, chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu - Kỳ 1

Thứ tư, ngày 17/02/2021

(BDO) Kỳ 1: Vai trò của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Dịch bệnh Covid-19 đã làm bộc lộ những rủi ro khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, cũng như phụ thuộc quá nhiều vào các trung tâm sản xuất, thị trường lớn. Việc phát triển chuỗi cung ứng trong nước là hết sức cần thiết, nhằm tối ưu hóa sản xuất và chi phí, phát huy vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Esprinta (Khu công nghiệp Sóng Thần 2, TP.Dĩ An)

 Nắm bắt cơ hội

Tác động từ dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra nhận thức, xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế vẫn đang ẩn chứa nhiều biến động khó lường, việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bền vững đang được coi là một trong các con đường có yếu tố quyết định để phục hồi và tạo đà bứt phá cho DN và kinh tế đất nước. Vấn đề này đã được đặt ra trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa với một trong 3 nội dung trọng tâm là hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tham gia sâu vào mạng lưới liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thái, Trưởng phòng Trách nhiệm và xã hội, Công ty TNHH Esprinta Việt Nam (Khu công nghiệp Sóng Thần 2, TP.Dĩ An), cho biết trước đây các nguyên phụ liệu của công ty chủ yếu nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, công ty đã có chủ trương sử dụng nguyên phụ liệu trong nước. Đến nay, công ty đã có 70 - 80% nguyên liệu từ các DN trong nước, tỷ lệ sẽ tăng lên trong thời gian tới. Điều này giải quyết được bài toán khó khăn về nguồn cung nguyên phụ liệu, giảm thiểu một số chi phí sản xuất, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Khi chúng tôi đặt vấn đề tại sao lâu nay chúng ta chậm triển khai các hướng liên kết tương tự, sự liên kết giữa khu vực kinh tế FDI và DN trong nước yếu, rời rạc, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các DN trong nước, giảm hiệu quả của dòng vốn FDI? Ông Nguyễn Đình Thái cho biết DN FDI lớn thường có sẵn hệ sinh thái riêng, có chuỗi cung ứng sẵn sàng hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Do đó, cơ hội để các DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi giá trị do các DN này dẫn dắt là rất khó. Hai là, phần lớn các DN nhỏ và vừa của Việt Nam chưa mạnh dạn đầu tư, tiếp thị.

Bà Đào Thị Thu Huyền, quản lý cấp cao Canon Việt Nam, cho biết Canon hiện có 59 nhóm linh kiện cần nội địa hóa ở Việt Nam, các thông tin này được đăng tải rộng rãi trên website của DN để tìm kiếm nhà cung cấp. Một nhóm ốc cũng có mấy chục loại, một linh kiện nhựa cũng có mấy chục loại, nhưng các DN thuần Việt chỉ tập trung cung cấp được một số linh kiện nhựa, bao bì... có tìm thêm được nhà cung cấp mới cũng vẫn là những linh kiện đó. Bà Huyền cho rằng nếu chỉ tập trung vào một vài linh kiện đã có nhà cung cấp, DN sẽ phải cạnh tranh rất cao. Các DN Việt Nam cần tìm tòi, sáng tạo để sản xuất các linh kiện chưa có nhà cung cấp.

Tại triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2020, ông Jeff Nessom, Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH Techtronic Industries (TTI) Việt Nam, cho biết chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, bảo đảm uy tín trong các hợp đồng... là điều mà các nhà cung cấp vừa và nhỏ của Việt Nam cần lưu tâm. Các nhà cung cấp cần phải thiết lập được năng lực để hiện thực hóa cơ hội hợp tác với các DN đầu chuỗi và tiếp cận mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu. TTI sẽ đẩy mạnh hơn việc kết nối với các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam để có thể trở thành nhà cung ứng đạt chuẩn của TTI.

Tại buổi làm việc với ngành công thương vừa qua, đại diện Tập đoàn Samsung khẳng định rằng, các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ nếu sản xuất linh kiện đạt chất lượng, giá thành cạnh tranh thì không có lý gì Samsung không mua. Cái khó cho DN cung cấp là phải đáp ứng được tất cả năm tiêu chí của Tập đoàn Samsung toàn cầu về năng lực tài chính, môi trường, tính tuân thủ pháp luật... Tất cả các tiêu chí này được cập nhật vào hệ thống để tập đoàn quyết định lựa chọn nhà cung cấp tham gia vào chuỗi toàn cầu.

Tiêu chí khắt khe

Theo ông Nguyễn Đình Thái, để chọn ra các đơn vị cung ứng nguồn nguyên phụ liệu, Công ty TNHH Esprinta đã làm việc với 20 DN, chọn được 7 đối tác làm nhà cung ứng kể từ năm 2020. Để đáp ứng được các tiêu chí đưa ra, các DN phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn của các nhãn hiệu mà công ty hợp tác. “Không hẳn DN tham gia cung ứng phải là DN lớn, các yếu tố tiên quyết là đáp ứng tiêu chí về an toàn lao động, chế độ đối với người lao động, chấp hành các quy định về môi trường và lao động, tầm nhìn và công nghệ. Thông thường các DN này phải trải qua 2 lần đánh giá, một lần từ phía lãnh đạo công ty và một lần tiếp theo có sự tham gia đánh giá trực tiếp của các đối tác trên thế giới”, ông Nguyễn Đình Thái cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân của những DN không đạt trong quá trình đánh giá, ông Thái cho biết chủ yếu xuất phát từ việc không đáp ứng tiêu chí về lao động, môi trường, trình độ quản lý thấp, không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng lớn trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tầm nhìn lãnh đạo DN là một yếu tố ảnh hưởng lớn với tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn.

Ông Adolfo Orive, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Tetra Pak (Khu công nghiệp VSIP II), cho biết việc đầu tư nhà máy mới tại Bình Dương là minh chứng mạnh mẽ cho cam kết dài hạn của Tetra Pak tại Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Bình Dương, tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy công nghiệp địa phương. Tetra Pak cũng muốn kết nối với các nguồn cung ứng nguyên phụ liệu tại Việt Nam, song đến nay chưa có đơn vị nào đạt tiêu chuẩn của nhà máy đưa ra. Ông cũng kỳ vọng trong thời gian tới sớm có được nguồn cung để phát triển sản xuất ngay tại Việt Nam. (Còn tiếp)

 TIỂU MY