Mứt gừng

Thứ tư, ngày 23/01/2013

 Từ tháng chạp, ở quê tôi dường như tết đã đến gần lắm rồi. Thấp thoáng trong vườn, mấy cái nong, cái nia phơi mớ củ kiệu, củ hành, củ cải trắng làm dưa món. Cả mùi thơm hũ rượu nếp mới, của nồi ú tro, của mẻ mứt gừng từ chái bếp nhà ai thoảng bay ra...

Có thể nói khá quen thuộc lại luôn có sức quyến rũ với nhiều người chính là mứt gừng lát. Gọt vỏ thật sạch, thái mỏng theo chiều dọc miếng gừng. Bí quyết để lát mứt trắng và bớt cay là ngâm qua nước gạo một đêm, sau đó vớt ra rửa sạch, chần qua nước phèn chua để ráo rồi mới rim thành mứt. Khi rim phải đúng tỷ lệ 1 kg gừng với 1 kg đường cho vào chảo rộng. Thông thường, lúc gừng đang sôi, lấy đũa đẩy hết gừng ra xung quanh chảo, ở giữa tạo thành một cái lỗ có nước đường, cứ như vậy múc nước đường trong đó rưới đều xung quanh gừng để cho đường bám đều lên gừng. Đợi mứt gần khô (còn hơi dẻo dẻo) bớt lửa thật nhỏ nhanh tay xóc đều, không nên dùng đũa nhiều quá, gừng sẽ bị nát, mất đẹp.

Nhưng độc đáo nhất là mứt gừng củ (hay còn gọi là mứt gừng xăm). Gừng vừa đào lên, chọn những củ non nhất và không bị thối hỏng, không bị tổn thương bên ngoài, rửa sạch đất bám trên vỏ, các khe và chân nhánh gừng. Để nguyên củ gừng, tỉ mẩn dùng dao nhỏ cạo hết vỏ, ngâm nước lã chừng vài giờ, sau đó vớt gừng ra xẻ làm đôi để xăm cho dễ. Bí quyết làm mứt gừng củ ngon của người quê tôi chính là ở công đoạn xăm và luộc gừng. Trước khi xăm phải xoa muối vào để gừng mềm. Trong quá trình xăm gừng phải vừa xăm vừa xả cho hết mủ thì gừng mới trắng. Gừng sau khi xăm phải mềm, nhưng không được nát hay cong queo, cho vào trong nước vẫn thấy căng phồng như lúc chưa xăm. Vừa xăm xong thả gừng vào bát nước đã cho một ít cốt chanh, mang ra phơi nắng độ vài giờ, xả nước lạnh thật kỹ, ép khô rồi đem luộc.

Khi luộc gừng phải cho thật nhiều nước để khi sôi, gừng tự đảo trong nồi theo sự cuộn tròn của nước và chín đều. Cuối cùng ép gừng thật khô lần nữa mới bỏ vào rim. Chảo mứt gừng được chăm chút cho đến khi nước đường khô dần, vón lại trắng óng ánh quanh những củ gừng săn chắc. Khi kết thúc, trải mứt ra mâm, dùng tay nắn củ gừng cho tròn giống củ gừng sống, sấy lại trên than vùi tro cho củ mứt hoàn toàn khô.

Theo TNO