KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN TIẾT (1909-2019)
Một lòng vì nước, vì dân - Bài cuối
Bài cuối: Tiến lên hỡi đồng bào!
(BDO) Trong cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Tiết còn có một dấu ấn quan trọng, đó là sáng lập ra tờ báo Tiến Lên và kiêm chủ nhiệm tờ báo. Trong suốt những năm đầu kháng chiến, tờ báo do đồng chí phụ trách đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, cổ động toàn quân, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, kiên quyết theo Đảng, kháng chiến đến thắng lợi.
Bà Văn Thị Thùy Trang, Trưởng ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh, cho biết theo dòng lịch sử, từ đầu năm 1946, quân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng Thủ Dầu Một. Nhiều xã, địch lập lại ban hội tề, tổ chức ngụy binh đàn áp nhân dân, truy bắt cán bộ Việt Minh. Trong bối cảnh đó, giữa tháng 1-1946, một bộ phận Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính tỉnh Thủ Dầu Một, cùng các ban thông tin tuyên truyền rút về căn cứ Bến Súc để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tại địa phương. Tháng 3-1946, thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, Ban Chấp hành lâm thời Thủ Dầu Một được công nhận chính thức và đồng chí Nguyễn Văn Tiết được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tổng Thư ký Bộ Việt Minh. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, đồng chí đã sáng lập ra tờ báo Tiến Lên và kiêm chủ nhiệm tờ báo. Trong suốt những năm đầu kháng chiến, tờ báo do đồng chí phụ trách đã góp phần tích cực tuyên truyền, cổ động toàn quân, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, kiên quyết theo Đảng, kháng chiến đến thắng lợi.
Những năm qua, thầy trò trường THCS Nguyễn Văn Tiết (TX. Thuận An) luôn thi đua “Dạy tốt - Học tốt” để xứng đáng với ngôi trường được vinh dự mang tên đồng chí Nguyễn Văn Tiết. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Tờ báo Tiến Lên được xuất bản trên danh nghĩa là cơ quan ngôn luận của Tỉnh bộ Việt Minh. Đây là phương tiện thông tin về chủ trương, định hướng đường lối kháng chiến của địa phương, chống lại âm mưu chia rẽ và các thủ đoạn đánh phá của địch. Các bài báo tập trung giải thích cho nhân dân rõ vì sao phải kháng chiến, thế nào là kháng chiến trường kỳ, toàn dân và toàn diện; hướng dẫn một số việc cụ thể cho các cấp bộ ở các xã, ấp…
Giữa lúc cách mạng vừa mới thành công, lực lượng cách mạng còn non trẻ lại phải đương đầu với giặc Pháp với dã tâm chiếm nhiều nơi ở trong tỉnh. đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ về chủ trương của Tỉnh ủy là phân hóa, thuyết phục các chức sắc và vận động làm tan rã số tín đồ bị lừa gạt, mua chuộc. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ ta đã đi sâu vào quần chúng vận động làm tan rã từng mảng lính Cao Đài. Một số chức sắc có tiến bộ, được tỉnh cử đi học lớp chính sách tôn giáo của Đảng ở vùng “Hội đồng Sầm”, Gia Định (nay thuộc tỉnh Long An). Nhiều người sau này trở thành cán bộ Mặt trận Việt Minh và làm cốt cán trong phong trào Cao Đài vận.
Ban đầu, tờ báo Tiến Lên ra 1 kỳ/tuần, mỗi kỳ xuất bản được mấy chục bản, dày từ 4 - 6 trang, Báo được in trên giấy pelure. Tờ báo được đưa đến cơ quan, đơn vị hay địa phương nào thì cán bộ, chiến sĩ liền chuyền tay nhau đọc đến rách nát mới thôi. Sau đó, tờ Tiến Lên chuyển qua in bằng chữ chì, phát hành mỗi kỳ vài trăm số và cũng tăng trang. Để in ra được tờ báo Tiến Lên trong điều kiện chiến tranh là rất khó khăn. Trên măng sét của tờ báo để tiếng nói của Mặt trận Việt Minh đã thể hiện ý chí và diễn đàn của những người yêu nước, theo kháng chiến chống lại thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy, cán bộ, nhân dân và chiến sĩ Thủ Dầu Một chuyền tay nhau đọc say sưa những thông tin trên báo. Đến cuối năm 1947, tờ Tiến Lên tạm ngưng hoạt động. |
Với vai trò là Chủ nhiệm Ủy ban Tuyên truyền, Chủ nhiệm báo Tiến Lên, đồng chí Nguyễn Văn Tiết rất quan tâm, sâu sát công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, của Chính phủ và thời sự kháng chiến, góp phần ổn định tư tưởng trong cán bộ, nhân dân vùng kháng chiến và vùng địch hậu. Đặc biệt, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một xác định nhiệm vụ ra sức tuyên truyền, động viên tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc của các tầng lớp nhân dân, động viên nhân dân tham gia kháng chiến; không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng lực lượng vũ trang các cấp; xây dựng phong trào bình dân học vụ; đồng thời xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ kháng chiến; xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc… góp phần đáp ứng yêu cầu của công cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Và cùng với các cơ quan, ban ngành, Ban thông tin tuyên truyền được kiện toàn thêm một bước.
Giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta sắp bước vào giai đoạn phản công địch, đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã hy sinh trong một chuyến đi kiểm tra công tác tại Chiến khu Thuận An Hòa vào ngày 19-4-1948. Ngày ấy, đồng chí cùng đoàn công tác đến ấp Bình Đức, xã Bình Hòa, huyện Lái Thiêu thì lọt vào ổ phục kích của quân Pháp. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, đồng chí bị trúng đạn và hy sinh anh dũng. Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định lấy tên đồng chí Nguyễn Văn Tiết đặt tên cho Tiểu đoàn 902. Sau ngày giải phóng 30-4-1975, hài cốt của đồng chí được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Nhân dân Bình Dương nói chung, nhân dân Thuận An nói riêng sẽ không bao giờ quên đồng chí Nguyễn Văn Tiết, người cán bộ lãnh đạo, người con ưu tú của quê hương, người học trò thấm nhuần sâu sắc tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc đời hoạt động cách mạng tuy ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Sự ra đi của đồng chí là tổn thất to lớn đối với phong trào cách mạng của tỉnh lúc bấy giờ nhưng chân dung đồng chí - người chiến sĩ cách mạng hết lòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mãi mãi tỏa sáng. Ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Văn Tiết, hiện nay ở Bình Dương có nhiều con đường mang tên Nguyễn Văn Tiết và có trường THCS Nguyễn Văn Tiết (TX.Thuận An). Những năm qua, thầy trò trường THCS Nguyễn Văn Tiết luôn thi đua “Dạy tốt - Học tốt” để xứng đáng với ngôi trường được vinh dự mang tên đồng chí Nguyễn Văn Tiết - người con ưu tú của TX.Thuận An nói riêng và Bình Dương nói chung.
Giải báo chí Nguyễn Văn Tiết - Động lực của người làm báo
Ông Lê Hữu Phước (thứ 4 từ phải qua) - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải A Giải báo chí Nguyễn Văn Tiết lần thứ III (2017-2018) cho các tác giả
Nhằm khuyến khích, bồi dưỡng tài năng báo chí, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người làm báo đối với xã hội, năm 2015, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chấp thuận cho phép Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương phối hợp với các ngành liên quan triển khai Giải báo chí Nguyễn Văn Tiết tỉnh Bình Dương. Đây là giải báo chí thường niên của tỉnh nhằm cổ vũ sự sáng tạo của người làm báo, khuyến khích, bồi dưỡng tài năng báo chí, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người làm báo trên địa bàn tỉnh, từ đó có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ông Đỗ Văn Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương, cho biết: Giải báo chí Nguyễn Văn Tiết thời gian qua đã góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của những người làm báo trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức giải nhằm phát hiện các tác phẩm báo chí xuất sắc trong năm của các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh để động viên, khuyến khích những tác giả có nhiều tác phẩm đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
THU THẢO